Nghệ thuật cũng phải tuân thủ quy tắc

Nghệ thuật phương Tây thế kỷ 19 có rất nhiều quy định nghiêm ngặt. Từ phong cách đến nội dung, phải theo truyền thống mới được giám tuyển duyệt.

 Một phần tranh Các tiên nữ và chàng thần rừng, 1873. Ảnh: Bouguereau, Nymphes et Satyre, 1873.

Một phần tranh Các tiên nữ và chàng thần rừng, 1873. Ảnh: Bouguereau, Nymphes et Satyre, 1873.

Đến giữa thế kỷ 19, ở Paris, truyền thống đã thống trị nghệ thuật. Nếu là một nghệ sĩ và muốn kiếm được miếng ăn, bạn phải đưa tác phẩm của mình đến cuộc triển lãm hàng năm do chính quyền bảo trợ.

Cuộc triển lãm định kỳ này là một cuộc trưng bày quan trọng và là nơi nghệ sĩ bán các tác phẩm nghệ thuật cho công chúng. Bạn tạo dựng tên tuổi của mình ở đây và tiền bạc hứa hẹn sẽ theo sau. Nhưng trước tiên, tác phẩm của bạn phải được chấp nhận đã. Điều đó có nghĩa là tác phẩm của bạn phải được ban giám tuyển duyệt trưng bày. Và việc này không hề dễ dàng.

Nên nhớ rằng, Viện hàn lâm Hội họa và Điêu khắc Hoàng gia là nơi soạn ra các quy định về những thứ được chấp nhận đối với nghệ thuật Pháp, về cả phong cách lẫn nội dung. Và cuộc triển lãm hàng năm được các giáo sư và nghệ sĩ của viện hàn lâm duyệt tác phẩm.

Vì vậy, để giành một chỗ trên bức tường của họ, tranh của bạn phải chính xác là một cửa sổ nhìn ra thế giới (cái cửa sổ toàn năng ấy!), với bố cục ổn định, và, cầu trời là không để lộ chút sớ cọ nào.

Nói cách khác, không được phá vỡ ảo giác - không được để cho người xem biết rằng mình đang thật sự nhìn một mặt tranh phẳng được vẽ lên, mà phải nghĩ rằng mình đang nhìn qua một ô cửa hữu hình.

Nghe rất quen phải không? Phải, tác phẩm của bạn phải tuân theo những truyền thống của phong cách Cổ điển và Phục hưng, một Truyền thống Cao quý của nghệ thuật phương Tây.

[...]

William Bouguereau đã vẽ nên một thế giới lý tưởng. Dưới bàn tay của vị họa sĩ hàn lâm này, những người đàn ông và phụ nữ nông dân mặc đồ trắng phau, chân không lấm bùn, đang hân hoan nhảy múa (xem Trở về sau buổi gặt, 1878); cô gái trẻ với ánh mắt mơ màng cạnh những chiếc bình gốm to (xem Chiếc bình vỡ, 1891); và những nàng tiên mềm mại, hồng hào đang tinh nghịch dẫn dụ một chàng thần rừng (Các tiên nữ và chàng thần rừng, 1873).

Tài nghệ của Bouguereau không ai sánh kịp. Tỷ lệ, sự chính xác và cách phối màu kỹ lưỡng khiến không có màu nào bị phô... “những quy tắc” đã được tuân thủ nghiêm ngặt. Và vì vậy, ảo giác cũng được giữ trọn vẹn.

Bước vào thế giới của ông, nơi trật tự và vẻ đẹp lý tưởng được quy định chặt chẽ, cũng giống như bước vào phim trường của Hollywood những năm 1940. Gần như không có nỗi buồn hay sự suy tàn, cũng như rất ít bệnh tật và chết chóc.

Những vấn đề liên quan đến thực tại đã bị gạt sang một bên. Và công chúng đã thưởng thức ngon lành món ăn này!

Kathy Statzer/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghe-thuat-cung-phai-tuan-thu-quy-tac-post1428010.html