Nghệ thuật An Nam qua nghiên cứu một học giả Pháp

Bản dịch tác phẩm 'Tiểu luận về nghệ thuật An Nam' của học giả người Pháp Louis Bezacier vừa chính thức được giới thiệu đến độc giả.

Tượng Phật Bà Quan âm. Ảnh: ANTĐ.

Sáng 24/2, sự kiện ra mắt bản dịch tiếng Việt của tác phẩm Tiểu luận về nghệ thuật An Nam của Louis Bezacier đã diễn ra tại Hà Nội.

Louis Bezacier là một trong số ít học giả đặt những viên gạch đầu tiên cho việc nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Việt Nam, và có ảnh hưởng sâu sắc đối với chuyên ngành này. Ông theo học trường Mỹ thuật Paris từ năm 1926 và đến Hà Nội vào tháng 10/1935, đảm nhiệm vai trò bảo tồn các công trình ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

Bức tranh nghệ thuật qua hiện vật khảo cổ, mỹ thuật

Trong cuốn sách, Louis Bezacier đã nỗ lực phác họa một bức tranh tổng quát về mỹ thuật, kiến trúc, nghi lễ và văn hóa Việt Nam, với một chủ ý rõ ràng về một lịch sử có tuyến tính, và ý thức về phân kỳ lịch sử, thông qua việc giám định và khảo tả các hiện vật khảo cổ và mỹ thuật.

Nhận xét về ấn phẩm, PGS.TS Trần Trọng Dương cho rằng từ quan điểm của thuyết giống nòi (racism) và thuyết tiến hóa xã hội (Darwin socialism), Bezacier đã phối hợp với thuyết di cư và phương pháp so sánh văn hóa để cho rằngnền nghệ thuật An Nam là một nghệ thuật đa nguyên, với những giao cắt phức hợp, nhiều màu: Trung Quốc có, bản địa có, Đông Á có, Nam Á có, Việt là chủ thể trong quá trình kiến tạo văn hóa, nhưng thêm vào đó là sự đóng góp của những nhóm Mường, Chăm, Mọi... Tức là, ông tuyên bố xóa bỏ cách nhìn đơn sắc và đơn tuyến về lịch sử nghệ thuật Việt Nam.

PGS.TS Trần Trọng Dương tại sự kiện. Ảnh: Nhã Nam.

Ấn phẩm công phu, giàu giá trị

Trong Tiểu luận về nghệ thuật An Nam, Louis Bezacier đã phân tích các ảnh hưởng đến nghệ thuật An Nam và phân loại theo trình tự thời gian những biểu hiện của nền nghệ thuật ấy. Đây là hai kết quả đáng chú ý nhất của cuốn sách trung thực và không trau chuốt, thiếu những khéo léo văn chương nhưng lại phong phú sự thật này.

Tác giả tự nhận thức rằng công việc mà ông làm là nhặt nhạnh từng hạt ngọc, so sánh, đối chiếu, giám định, khảo tả, và phân tích, rồi tổng hợp lại để tạo nên chuỗi vòng nghệ thuật An Nam. Đó là chuỗi vòng có 11 thế kỷ tồn tại.

Bằng những cứ liệu vật chất, Louis Bezacier cho rằng, chỉ từ cuối thế kỷ IX mới có những yếu tố cụ thể, xác đáng cho lịch sử nghệ thuật An Nam.

Cuốn sách Tiểu luận về nghệ thuật An Nam. Ảnh: Nhã Nam.

Điều đáng lưu ý trong luận điểm của Bezacier đó là phác thảo về một nền nghệ thuật tôn giáo, đúng hơn là nghệ thuật đa tôn giáo của Việt Nam thời kỳ tiền hiện đại.

Trong đó, nghệ thuật quân sự, tang lễ, và Thái miếu, lăng mộ thuộc về Nho giáo. Tháp Phật, tháp mộ, và tượng pháp thuộc nghệ thuật Phật giáo. Với góc nhìn từ chủ thể văn hóa, Bezacier coi các công trình nghệ thuật (dù là kiến trúc, điêu khắc, hay hội họa, nghi lễ,…) như là những dạng thức thể hiện khác nhau của thực hành tôn giáo và tín ngưỡng dân gian.

Ông cũng đã đưa ra một nhận định quan trọng về đình làng. Đó là loại hình kiến trúc An Nam duy nhất dựng trên cột trụ nhà sàn, nó khác với truyền thống kiến trúc Trung Hoa, và gần với kiến trúc bản địa Nam Á, như kiến trúc của người Mọi ở Tây Nguyên, người Mường, nó giống những hình mẫu cổ xưa còn bảo lưu ở Indonesia, như Goloubew và Nguyễn Văn Huyên từng đưa ra.

Ngoài Tiểu luận về nghệ thuật An Nam, Bezacier đã công bố nhiều tác phẩm: L’Architecture religieuse au Tonkin (Kiến trúc tôn giáo ở Bắc Kỳ, 1938), L’art et les constructions militaires annamites (Nghệ thuật và các công trình quân sự An Nam, 1941), Le panthéon bouddhique des pagodes du Tonkin (Điện thờ Phật giáo trong các chùa ở Bắc Kỳ, 1943), L’art vietnamien (Nghệ thuật Việt Nam, 1955).

Ánh Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/nghe-thuat-an-nam-qua-nghien-cuu-mot-hoc-gia-phap-post1461698.html