Nghệ sĩ trẻ Lại Thanh Minh với niềm đam mê nghệ thuật chèo truyền thống

Để có kiến thức chuyên sâu về nghệ thuật chèo, anh luôn chủ động học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ sĩ đi trước giàu kinh nghiệm, học ở các đồng nghiệp, và đặc biệt chủ động 'tầm sư học đạo'.

Nam Định là một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo truyền thống Việt Nam. Trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy chèo cổ của đất Thành Nam hôm nay, không thể không nhắc tới vai trò của nhiều thế hệ nghệ sĩ, diễn viên trẻ đam mê, tâm huyết trong hoạt động nỗ lực thể nghiệm sáng tạo, đưa nghệ thuật chèo truyền thống đến với công chúng.

Nghệ sĩ trẻ Lại Thanh Minh, hiện đang công tác tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định, là một trong những nghệ sĩ trẻ tiêu biểu.

Chân dung nghệ sĩ Lại Thanh Minh.

Từ cái nôi truyền thống

Nghệ sĩ trẻ Lại Thanh Minh hiện là nhạc công Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định, tên thật là Lại Hồng Toan, sinh năm 1989 ở làng Hướng Thiện, xã Hải Long, huyện Hải Hậu.

Năm 2004, vừa tròn 15 tuổi, Minh đã xin vào học lớp nhạc dân tộc của dòng họ. Sẵn có năng khiếu và lòng đam mê âm nhạc dân tộc nên Minh tiếp thu rất nhanh, được các bậc cao niên trong họ khen ngợi và động viên.

Vừa học nhạc, Minh còn được các cụ trong họ truyền dạy cho chữ Hán. Đây chính là vốn kiến thức rất hữu ích để anh phục vụ cho việc nghiên cứu, tìm hiểu nghệ thuật chèo cổ sau này.

Năm 2007, Lại Thanh Minh thi đỗ vào trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Nam Định (nay là trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Nam Định), chuyên ngành Nghệ thuật biểu diễn nhạc cụ truyền thống và theo học 4 năm tại đây.

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc, anh chính thức được nhận về công tác tại Nhà hát chèo Nam Định (nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) và biên chế trong dàn nhạc của Nhà hát cho đến nay.

Trở thành nghệ sĩ biểu diễn và người thầy tâm huyết

Về Nhà hát chèo tỉnh công tác, với khả năng chuyên môn khá toàn diện về hát, nhạc, biểu diễn, rồi tích lũy và tự học thêm tại trường, Lại Thanh Minh đã tham gia nhiều hoạt động của Nhà hát và tỏ ra xuất sắc trên nhiều lĩnh vực.

Ngoài nhiệm vụ chính trong dàn nhạc, anh còn được phân công làm công tác hướng dẫn hát truyền thống cho các diễn viên trẻ, tham gia lồng hát cho các vở diễn. Đây là những nhiệm vụ đòi hỏi phải có chuyên môn cao, không phải nhạc công nào cũng làm được.

Để có kiến thức chuyên sâu về nghệ thuật chèo, anh luôn chủ động học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ sĩ đi trước giàu kinh nghiệm, học ở các đồng nghiệp, và đặc biệt chủ động “tầm sư học đạo”.

Anh đã được các nghệ sĩ tên tuổi của làng chèo Việt Nam như: NSND Thanh Bình, NSƯT Vũ Ngọc, NSƯT Xuân Theo, NSƯT Thanh Hải, NSƯT Quý Bôn... tâm huyết truyền thụ kinh nghiệm và cả những “bí quyết” nghề nghiệp.

Mỗi khi nhận được tin các thầy cô có vở diễn mới, anh không quản ngại đường xa, “lặn lội” từ Nam Định lên thủ đô Hà Nội xem và học hỏi cách diễn, cách hát, cách biểu diễn của các bậc thầy.

Nghệ sĩ Lại Thanh Minh biểu diễn chèo tại đình So (làng Sơn Lộ, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội).

Lại Thanh Minh còn say mê sưu tầm, tìm hiểu các tích, các làn điệu trong các vở chèo cổ, tìm hiểu các lối hát, cách hát của các nghệ nhân xưa qua các tư liệu sách, báo, phim ảnh, băng đĩa ghi âm lưu trữ, đặc biệt là các điển tích, các từ Hán trong các làn điệu để hiểu đúng nghĩa của ca từ, của làn điệu, từ đó thấy được cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật chèo của ông cha ta và vận dụng vào quá trình tập luyện cho các vở diễn của Nhà hát.

Nhờ vậy đã giúp anh ngày càng trưởng thành, tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong nghề, giúp anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn.

Từ năm 2015 trở lại đây, Lại Thanh Minh liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Cùng với tập thể nhạc công và diễn viên, anh đã dành 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc cho các vở diễn của Nhà hát.

Ngoài nhiệm vụ biểu diễn, Minh còn tham gia mở các lớp dạy hát chèo, dạy nhạc lý cơ bản và nâng cao cho nhiều thế hệ học sinh có năng khiếu âm nhạc và say mê chèo, các thí sinh dự thi vào các trường nghệ thuật như trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương…

Đến nay, số học sinh do anh đào tạo thi đỗ vào các trường đại học nghệ thuật lên tới gần 100 em. Đây chính là nguồn tài năng trẻ của quê hương Nam Định trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy nghệ thuật chèo truyền thống.

Em Nguyễn Xuân Tùng - Sinh viên năm thứ nhất, khoa Kịch hát dân tộc, chuyên ngành Diễn viên chèo, trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, từng được Lại Thanh Minh đào tạo, ôn luyện về chèo cho biết:

“Nét nổi bật mà các thế hệ học sinh và người học chúng em cảm nhận được ở thầy Minh là ngoài vốn kiến thức chuyên sâu về chèo, về cả nhạc lý cơ bản, thầy còn có phong cách giản dị, gần gũi, sự nhiệt tình, tận tâm và sáng tạo trong cách truyền thụ kiến thức, kỹ năng để người học như chúng em thấy dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hành”.

Bên cạnh đó, đáp ứng nhu cầu khôi phục âm nhạc cổ truyền của các địa phương, anh còn tham gia giảng dạy nhạc cụ dân tộc và nghi thức tế lễ cho nhiều dòng họ trong tỉnh. Đến nay, anh đã tham gia mở được bốn lớp âm nhạc cổ truyền và nghi thức tế lễ cho các dòng họ.

Lại Thanh Minh chia sẻ đây cũng là niềm vinh dự, tự hào vì anh đã được đóng góp một phần nhỏ bé vào việc khôi phục và giữ gìn nghệ thuật cổ truyền của quê hương.

Nghệ sĩ Lại Thanh Minh dạy hát chèo cho học sinh.

Sáng tạo đưa nghệ thuật chèo đến gần hơn với công chúng

Đối với người nghệ sĩ biểu diễn chèo truyền thống, điều quan trọng nhất là tìm mọi cách đưa nghệ thuật đến với đông đảo khán giả, đến với các tầng lớp nhân dân, nhất là trong bối cảnh hiện đại hóa và nền kinh tế thị trường hiện nay, phần đông lớp trẻ hiện nay đang có xu hướng chạy theo các dòng nhạc hiện đại mà có phần xa rời âm nhạc truyền thống.

Ý thức được điều này, cùng với các nghệ sĩ trẻ của nhà hát, Lại Thanh Minh không bỏ lỡ một cơ hội nào để có dịp đến các trường THPT trên địa bàn thành phố và các huyện giao lưu biểu diễn chèo, nói chuyện giúp các em học sinh hiểu về cái hay cái đẹp của nghệ thuật chèo, từ đó giúp các em thêm hiểu, thêm yêu nghệ thuật chèo truyền thống, đồng thời cũng khơi dậy và thắp sáng cho các em ước mơ, niềm đam mê, phát huy năng khiếu hát chèo, diễn chèo.

Bên cạnh đó, anh cũng luôn trăn trở, suy nghĩ, sáng tạo trong việc tìm ra các hình thức quảng bá, đưa nghệ thuật chèo đến gần với công chúng.

Từ năm 2015, anh cộng tác với trang facebook Đình làng Việt, tham gia biểu diễn chèo tại các ngôi đình nổi tiếng trên miền Bắc phục vụ bà con xem chèo miễn phí, tạo cơ hội cho người dân được tiếp cận trực tiếp với sân khấu chèo, hiểu và yêu mến nghệ thuật chèo hơn.

Nghệ sĩ Lại Thanh Minh nói chuyện và giao lưu về nghệ thuật chèo với học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định).

Vào tháng 9/2021 vừa qua, Lại Thanh Minh đã có sáng kiến tập hợp một nhóm học sinh, sinh viên trẻ để anh giảng dạy, luyện tập một số làn điệu chèo cổ, tiến hành quay video clip đăng tải trên mạng internet.

Ngay sau khi video clip đầu tiên với làn điệu “Đò đưa” do 5 bạn trẻ tại thành phố Nam Định (Lại Thanh Minh, Nguyễn Xuân Tuấn, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Thanh Quý) thể hiện, đăng tải, đã được “dân mạng” đón nhận và cổ vũ nồng nhiệt bằng hàng nghìn like, “thả tim”, chia sẻ.

Kể từ đó, bạn đọc, khán thính giả vẫn chờ đón nghe các video clip “Đào liễu”, “Sa lệch chênh chuyển xếp” và mới đây nhất là làn điệu “Vỡ nước” (hay Đường trường nhân khang).

Bằng phong cách thể hiện tươi mới, trẻ trung, tâm hồn trong sáng của những “hot boy” thời 4.0, Lại Thanh Minh và các chàng trai trẻ đất Thành Nam đã làm sống lại hồn xưa của dân tộc qua những làn điệu chèo cổ với sông nước mênh mang, “phách nhì chưa có vợ”, “phách ba chưa chồng”, những thiếu nữ “răng đen”, “yếm điều hãy còn mầu” dịu dàng, tình tứ, sống động và ngộ nghĩnh. Đó là điều khiến khán thính giả đi từ cảm xúc ngạc nhiên đến cảm phục yêu mến.

Điều cảm động hơn qua từng lời hát của các bạn trẻ, người nghe còn được củng cố thêm niềm tin yêu với chèo, một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của ông cha, tưởng chừng như đã bị lãng quên, phai nhạt trong cuộc sống xô bồ, ồn ã, náo nhiệt hôm nay.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/nghe-si-tre-lai-thanh-minh-voi-niem-dam-me-nghe-thuat-cheo-truyen-thong-o8l0cscng.html