Nghệ sĩ piano Nguyễn Việt Trung: Tiếng dương cầm chạm tới trái tim Hà Nội

Du dương trầm bổng, những ngón tay phiêu của Nguyễn Việt Trung trong 24 biến tấu kinh điển khiến cả nhà hát không một tiếng động.

Tài năng piano Nguyễn Việt Trung đã có một đêm diễn đầy cảm xúc với bản Rhapsody trên chủ đề Paganini, Op. 43 của Sergei Rachmaninoff.

Công chúng nhắm nghiền mắt, tận hưởng cảm giác thăng hoa của âm nhạc cổ điển như thể tiếng dương cầm đã chạm tới nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn.

Tối 30/3 vừa qua, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Pháp - Olivier Ochanine, buổi hòa nhạc được trông đợi từ lâu đã diễn ra. Nguyễn Việt Trung - một pianist trẻ nổi tiếng cùng 80 nghệ sĩ quốc tế trong Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời đã có một đêm diễn đỉnh cao, để tôn vinh nhà soạn nhạc lỗi lạc S.Rachmaninoff.

Âm nhạc vì con người

Nguyễn Việt Trung sinh năm 1996 tại Hà Nội, nhưng sớm bộc lộ tài năng âm nhạc nên gia đình cho theo học piano, lên 7 tuổi đã theo học dưới sự dẫn dắt của Giáo sư Filomena Dziedzic tại Trường Âm nhạc Im Oskara Kolberga tại Warsaw (Ba Lan). Chỉ hai năm sau, vào lúc 9 tuổi đã đoạt Giải nhất Cuộc thi Emmy Alberg tại thành phố Lodz (Ba Lan).

Suốt từ đó đến nay, hầu như năm nào Nguyễn Việt Trung cũng giành giải thưởng ở các cuộc thi tài năng piano tổ chức tại Ba Lan (giải Nhì cuộc thi giành cho các Pianist trẻ (không có giải Nhất – 2006); giải Nhất cuộc thi biểu diễn các tác phẩm nhạc Chopin và giải “Nốt nhạc vàng” cho tay đàn trẻ thể hiện tác phẩm của Mozart xuất sắc nhất tại Sochaczew cùng năm.

Giải Ba tại Festival Piano quốc tế dành cho Pianist trẻ, đạt giải dành cho tay đàn trẻ thể hiện bản nhạc thế kỷ 20 hay nhất tại Glubczyce – 2007; Giải Nhì cuộc thi piano quốc tế mang tên Ludwik Stefanski và Halina Czerny Stefanska tại Plock - 2008. Giải Nhì tại Antonin – cuộc thi quốc tế mang tên “Chopin cho người trẻ tuổi” cũng tại Ba Lan…). Và rất nhiều giải khác trong các cuộc thi piano quốc tế...

Nguyễn Việt Trung tốt nghiệp bằng thạc sĩ xuất sắc tại Học viện Âm nhạc Bydgoszcz (Ba Lan) dưới sự dẫn dắt của Giáo sư Katarzyna Popowa - Zydron năm 25 tuổi. Hiện nay, Việt Trung đang theo đuổi học vị tiến sĩ dưới sự dẫn dắt của Giáo sư Kevin Kenner tại Học viện Frost School of Music (Mỹ).

Ngoài ra, Nguyễn Việt Trung từng học Master class rất nhiều giáo sư nổi tiếng như: Đặng Thái Sơn, Kevin Kenner, Tatiana Shebanova, Katarzyna Popowa - Zydron, Dmitri Alexeev, Andrzej Jasinski, Ewa Poblocka, Andrea Bonatta, Wojciech Switala, Peter Frank, Boris Berman, Stanislav Ioudenitch, William Grant Naboré.

Với tài năng của mình, Nguyễn Việt Trung đã giành được học bổng toàn phần do Bộ Văn hóa và Giáo dục Ba Lan trao tặng khóa học 2014 & 2015. Kinh nghiệm biểu diễn trên các sân khấu chuyên nghiệp của Nguyễn Việt Trung được ngưỡng mộ từ nhiều nơi trên thế giới: Đức, Pháp, Ukraine, Nga, Hungary, Ba Lan và Hoa Kỳ, Thái Lan cho tới Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Tại Triển lãm thế giới EXPO 2020, Việt Trung đã biểu diễn một series các buổi độc tấu tại nhà hát Ba Lan.

Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời diễn tại Nhà hát Hồ Gươm tối 30/3.

Được mời gọi từ nhiều nơi danh tiếng trên thế giới nhưng Nguyễn Việt Trung vẫn thường tham gia vào nhiều đêm nhạc gây quỹ từ thiện. Năm 2022, Việt Trung tham gia đêm diễn “Dream Concert” do Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức, với sự có mặt của Chủ tịch Quỹ là Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và nhiều nhà lãnh đạo của Việt Nam.

Quỹ đã tiếp nhận gần 2 tỷ đồng ủng hộ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, những đêm diễn với quy mô nhỏ hơn ở Việt Nam và ở Ba Lan, Việt Trung cũng tham gia để có thể đóng góp nhiều hơn cho quỹ ủng hộ trẻ em khó khăn và người già tại Việt Nam và Ba Lan.

Bản nhạc khó của một thiên tài

Rachmaninoff đưa sự sáng tạo và niềm đam mê đến một phạm vi rộng, khi ngoài piano, đã đưa cả một dàn nhạc lớn vào và tạo ra 24 biến tấu.

Trong sự nghiệp độc tấu piano, Nguyễn Việt Trung đã trình diễn với những dàn nhạc danh tiếng như Dàn nhạc Giao hưởng Warszawa, Dàn nhạc Đài phát thanh Ba Lan và Dàn nhạc Giao hưởng Lublin, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội và Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Hồ Chí Minh, dưới sự chỉ huy của các nhạc trưởng nổi tiếng như Wojciech Czepiel, Lê Phi Phi, Honna Tetsuji, Łukasz Borowicz, Marek Pijarowski, Wojciech Rodek, Jacek Rogala.

Anh từng hợp tác với những nhóm chơi nhạc chuyên nghiệp như Bộ tứ Ulysses, Bộ tứ Arod, Bộ tứ Arso….

Tác phẩm biểu diễn lần này tại Nhà hát Hồ Gươm cực hay nhưng cực khó, và cũng là tác phẩm được trông đợi từ lâu của công chúng yêu nhạc cổ điển tại Việt Nam. Nguyễn Việt Trung đã solo cùng Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời bản Rhapsody trên chủ đề Paganini, Op. 43 của Sergei Rachmaninoff, một thiên tài âm nhạc người Nga.

Rhapsody trên chủ đề Paganini dành cho piano và dàn nhạc, Rachmaninoff đã đưa sự sáng tạo và niềm đam mê đến một phạm vi rộng với 24 biến tấu trên chủ đề Caprice số 24. Đây là một trong những tác phẩm cuối cùng của Rachmaninoff. Sau này ông hầu như chủ yếu tập trung vào biểu diễn, chỉ sáng tác thêm hai tác phẩm là Giao hưởng số 3, Op. 44 và Những điệu nhảy giao hưởng, Op. 45.

Sau khi rời nước Nga vào năm 1917, để có thể nuôi sống gia đình, Rachmaninoff hầu như chỉ tập trung vào việc biểu diễn piano và sáng tác rất ít. Tác phẩm lớn đầu tiên của ông sau khi lưu vong là bản Concerto piano số 4 gặp phải sự đón nhận hờ hững càng khiến ông trở nên hoài nghi vào năng lực của mình.

Cuối cùng, ông cũng tìm thấy sự ổn định khi xây cho gia đình một ngôi nhà ven hồ Lucerne, Thụy Sĩ vào những năm 1930. Ở đây, vào mùa Hè năm 1934, ông đã tìm thấy nguồn cảm hứng để sáng tác ra một trong những kiệt tác của đời mình.

Trong tất cả các caprice của Paganini, Caprice số 24 có lẽ được các nhà soạn nhạc khác yêu thích hơn cả. Với Rhapsody trên chủ đề Paganini dành cho piano và dàn nhạc, Rachmaninoff đưa sự sáng tạo và niềm đam mê đến một phạm vi rộng, khi ngoài piano, đã đưa cả một dàn nhạc lớn vào và tạo ra 24 biến tấu.

Trên thực tế, Rhapsody không có gì nổi bật về mặt cấu trúc, nhưng trong đó ông đã có những suy nghĩ rất độc đáo khi đảo ngược chủ đề của Paganini thành một chủ đề mới, trữ tình hoặc kết hợp với chủ đề Dies irae chết chóc trong nhiều biến tấu của tác phẩm.

Tác phẩm được ra mắt vào ngày 7/11/1934 tại Lyric Opera House, Baltimore với tác giả chơi piano và Leopold Stokowski chỉ huy Philadelphia Orchestra và ngay lập tức nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt từ phía công chúng. Phản ứng tích cực đến nỗi Rachmaninoff đã sửng sốt nói rằng: “Bằng cách nào đó, thật đáng ngờ khi Rhapsody đã có được thành công tới tất cả mọi người”.

Ngón tay phiêu trên 24 biến tấu

Rhapsody bắt đầu với một đoạn giới thiệu ngắn và thật bất ngờ lại không dẫn đến chủ đề chính mà là biến tấu 1: một nét giai điệu của Paganini được tối giản. Sự khởi đầu độc đáo này có thể được lấy cảm hứng từ chương cuối bản Giao hưởng số 3 “Eroica” của Beethoven, khi chủ đề và các biến tấu được bắt đầu theo cùng một cách.

Sau đó, bè violin chơi chủ đề chính và piano chơi các nốt đơn giản của biến tấu đầu tiên. Tại thời điểm này, Rachmaninoff đã nói: “Paganini xuất hiện với chúng ta lần đầu tiên”. Các biến tấu tiếp theo mang đến cho nghệ sĩ piano cơ hội thể hiện trình độ kỹ thuật điêu luyện của mình.

Sau đó âm nhạc chậm lại, biến tấu 7 giới thiệu chất liệu âm nhạc mới: chủ đề “Dies irae” - một bản thánh ca truyền thống thời trung cổ của đạo Thiên chúa dành cho người chết được miêu tả là “ngày giận dữ”, phán quyết cuối cùng vào ngày tận thế.

Một cách tài tình, Rachmaninoff đã khám phá ra “Dies irae” có liên hệ với chủ đề Paganini theo cách mà cái này có thể là biến tấu của cái kia. Trong phiên bản ballet, ông cho biết: “Tất cả các biến tấu Dies irae đều dành cho linh hồn ác quỷ… Lần đầu tiên xuất hiện trong biến tấu 7”.

Ở đây, âm nhạc chậm lại và tiếng piano hài hòa của Dies irae được đệm với tiếng bassoon và cello chơi pizzicato. Các biến tấu tiếp theo ngày càng trở nên ma quái, với một biến tấu được bè dây chơi col legno (dùng phần gỗ của vĩ để kéo dây), tạo hiệu ứng rùng rợn đặc biệt.

Với tài năng và kinh nghiệm, nghệ sĩ Nguyễn Việt Trung đã thể hiện xuất sắc trong đêm diễn tối 30/3.

Nhạc trưởng người Pháp - Olivier Ochanine bắt tay cảm ơn nghệ sĩ Nguyễn Việt Trung.

Biến tấu 11 là sự biến đổi sang địa hạt của tình yêu, biến tấu 12 – khúc minuet – lần đầu tiên người phụ nữ xuất hiện… Biến tấu 11 bắt đầu với tiếng tremolo nhẹ nhàng của bè dây, đệm cho piano chơi hầu như là ứng tác và các quãng âm giai nửa cung cao. Phần minuet chậm rãi, duyên dáng được nghệ sĩ piano chơi trên tiếng đệm pizzicato tinh tế của bè dây. Toàn bộ phần giữa từ biến tấu 11 đến 18 là dành cho tình yêu.

Những biến tấu này chứa đựng những tính chất và tâm trạng đa dạng từ chủ nghĩa anh hùng của biến tấu 14 cho đến sự dịu dàng của biến tấu 18 - phần nổi tiếng nhất của toàn bộ Rhapsody. Biến tấu 19 là chiến thắng của nghệ thuật Paganini, những nốt pizzicato ma quỷ.

Trong các biến tấu sau, sự căng thẳng tăng lên khi nghệ sĩ độc tấu thực hiện những đoạn nhạc với độ khó kinh hoàng hơn bao giờ hết. Cuối cùng bị đánh bại, Paganini xuất hiện lần cuối cùng trong 12 ô nhịp đầu của biến tấu 23 và sau đó, cho đến cuối là chiến thắng của những kẻ chinh phục.

Biến tấu 23 bắt đầu với sự trở lại của chủ đề chính trên piano và sau 12 ô nhịp, bị dàn nhạc bất ngờ cắt ngang, điều này mở ra sự thay đổi giọng đột ngột, chói tai của chủ đề. Bản

Rhapsody kết thúc với một đoạn nhại lại khá kỳ quặc của chủ đề Dies irae chiến thắng trên toàn bộ dàn nhạc. Khi Paganini có thể đã ngã xuống, nghệ sĩ piano được cười cuối cùng, kết thúc tác phẩm bằng một cái nháy mắt và mỉm cười.

Trong một không gian lắng đọng, tinh tế đầy chất hàn lâm của âm nhạc cổ điển, Nguyễn Việt Trung và Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời đã có một đêm diễn trọn vẹn cảm xúc. Tiếng dương cầm vang xa, khiến người nghe cũng cảm giác nhà hát rộng lớn kia bỗng hóa “ngôi nhà nhỏ”. Và trùng hợp nữa, đêm 30/3 – cũng là đêm “vọng Phục sinh” trong đạo Công giáo khiến tiếng dương cầm hòa cùng tiếng chuông đêm từ Nhà thờ Lớn.

Từ một đêm diễn, những đôi mắt nhắm nghiền, những bản nhạc du dương mà ở đó sự tinh tế có thừa, sự ma mị cũng chẳng thiếu từ những khúc biến tấu của thiên tài. Trong một không gian của kinh kỳ lịch sử, tiếng dương cầm, tiếng chuông ngân và cả tiếng sóng Hồ Gươm như hòa làm một để chạm tới những sâu lắng nhất của kinh kỳ thanh lịch và Hà Nội hào hoa.

Trong thông điệp của mình, O.Ochanine nói: “Kỉ niệm 150 năm ngày sinh của Rachmaninoff, buổi hòa nhạc giới thiệu một nhà soạn nhạc nổi tiếng với dòng nhạc vô cùng trữ tình, giống như những bài hát Việt đã đồng hành trong đời sống tại nơi này.

Trên thực tế, một số giai điệu của Rachmaninoff đã được sử dụng làm giai điệu chính trong các bài hát nổi tiếng khắp thế giới như “Never Gonna Fall in Love Again”, “Trăng tròn và vòng tay trống rỗng”, “Tất cả bởi chính tôi” và nhiều hơn thế nữa!”.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nghe-si-piano-nguyen-viet-trung-tieng-duong-cam-cham-toi-trai-tim-ha-noi-post678170.html