Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang: Tri thức dân gian là bài học lớn của tôi

Trở về từ chuyến đi điền dã Tây Bắc tháng 10/2022, Ngô Hồng Quang hào hứng chia sẻ câu chuyện mới mẻ về âm nhạc dân gian mà anh thu nạp được

Tôi có dịp trò chuyện với Ngô Hồng Quang khi anh đang đưa dự án âm nhạc "Tình đàn" đến với công chúng. Sau thời gian quá dài giới yêu thích âm nhạc dân gian đương đại bị "giam hãm" vì dịch giã, "Tình đàn" ào đến với công chúng yêu nhạc trong trẻo như âm thanh nước chảy từ suối nguồn Tây Bắc – nơi đồi non, nơi tiếng gió hát như tiếng ru.

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang, nghệ nhân Lý Seo Phỏng (ở giữa) và các em nhỏ trong lớp học nhạc ở Bản Phố, Bắc Hà, Lào Cai, tháng 10/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang, nghệ nhân Lý Seo Phỏng (ở giữa) và các em nhỏ trong lớp học nhạc ở Bản Phố, Bắc Hà, Lào Cai, tháng 10/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sáng tạo sinh ra dưới bước chân điền dã

Tháng 10/2022, để tiếp tục cho dự án âm nhạc mới, Ngô Hồng Quang lại đi điền dã Tây Bắc. Lần này anh đi sáng tác cho đoàn nghệ thuật Lào Cai đồng thời có dịp dạo quanh cao nguyên Bắc Hà. Trong hành trình tìm kiếm nghệ nhân cho các dự án âm nhạc mới, anh đã gặp lớp học của nghệ nhân Lý Seo Phỏng, dân tộc Mông ở xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, Lào Cai.

"Lớp học mới thành lập được 2 tháng nay nhưng quy tụ được khá nhiều em nhỏ ở địa phương. Nghệ nhân dạy các em múa khèn, thổi sáo, múa gậy xinh tiền, hát bài ca cổ. Đây là cách mà các cộng đồng dân tộc thiểu số truyền đời, giữ gìn văn hóa dân gian của họ" - Ngô Hồng Quang hào hứng chia sẻ.

Hoàn toàn phi lợi nhuận và vì cộng đồng, không những thế các lớp học này còn hơn cả một trường học văn hóa dân gian. Ở đó có lịch sử, tập quán và đặc tính dân tộc được truyền dạy bởi nghệ nhân. Điều xúc động là các nghệ nhân truyền dạy với tinh thần cống hiến. Tôi học được vài bài ca cổ của người Mông từ bác Lý Seo Phỏng.

Ngô Hồng Quang khoe anh còn được mở mang cái nhìn ra cả một đời sống âm nhạc phong phú, độc đáo và giá trị. "Tôi ghi âm lại và sẽ sử dụng cho công việc sáng tác của mình" - anh nói.

Ngô Hồng Quang (bên phải) học múa khèn từ các nghệ nhân người Mông Bắc Hà, Lào Cai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngô Hồng Quang (bên phải) học múa khèn từ các nghệ nhân người Mông Bắc Hà, Lào Cai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Kho tri thức ở trong dân gian

Sử dụng vốn quý âm nhạc dân tộc vào sự nghiệp sáng tác, Ngô Hồng Quang, một nghệ sĩ trẻ, nhạc sĩ, người chơi nhạc cụ dân tộc, một chuyên gia nghiên cứu âm nhạc đúng nghĩa đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Với nỗ lực tu nghiệp nước ngoài ở lĩnh vực này, mang theo sự say mê âm nhạc dân tộc ra thế giới hòa nhập với nhiều nền văn hóa khác nhau, anh đã làm mới kho tàng âm nhạc dân gian theo cách riêng.

Là một nghệ sĩ rất chịu khó đi, đi để tắm trong hơi thở văn hóa dân gian. Trên những hành trình Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... anh coi nơi đến là trường học và nghệ nhân là thầy.

Ngô Hồng Quang dành hết ưu ái cho những cây đàn trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam từ đàn nhị, đàn bầu, đàn môi đến đàn tính, chiêng dây và đàn k'ny.

Ngô Hồng Quang là ca sĩ, nhạc sĩ theo đuổi dòng nhạc dân gian đương đại. Năm 2010, Ngô Hồng Quang bắt đầu học thạc sĩ chuyên ngành sáng tác tại Học viện Âm nhạc quốc gia Hà Lan sau khi tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Anh có thể hát, sử dụng nhạc cụ đàn nhị, đàn bầu, k'ny, goòng, đàn môi, đàn tính, đàn hồ, bộ gõ và là người có công phục dựng, phổ biến đàn chiêng dây, đã biểu diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tôi hỏi Ngô Hồng Quang thích cây đàn nào nhất? Quang nói: "Vẫn là đàn tính thôi chị. Tôi bị thôi miên bởi cây đàn tính của người Tày. Tôi đã mang theo nó đến khắp nơi trên thế giới. Tôi có những sáng tác riêng cho cây đàn tính".

Ngô Hồng Quang có thể nói rất nhiều về đàn tính. Tuy nhiên, tôi lại thấy anh bộc lộ nét hào hoa nghệ sĩ hơn cả khi đồng hành với đàn môi của Mông. Cũng bởi lẽ đàn môi là nhạc cụ độc đáo duy nhất trên thế giới này phát ra âm thanh mô phỏng tiếng nói của ngôn ngữ dân tộc Mông, chỉ tìm thấy ở Tây Bắc Việt Nam.

Ngô Hồng Quang giải thích, nếu một chàng trai trẻ người Mông muốn tỏ tình và rủ cô gái nhà bên đi chơi thì anh chàng này có thể ngượng ngập khi nói ra. Tuy nhiên, khi anh ta thổi một điệu đàn môi, thì cô gái nhà bên sẽ nhận được thông điệp ngay. Bản thân nhạc cụ dân tộc đã có riêng đời sống trường tồn của nó.

Cũng giống như công cụ lao động, cuốc xẻng cày bừa là thêm tay, thêm chân cho con người trong lao động, nhạc cụ là thêm tiếng nói, ngôn ngữ cho văn hóa tinh thần của đồng bào.

Ngô Hồng Quang trong một hội thảo về đàn môi. Ảnh: Phố bên đồi

Ngô Hồng Quang trong một hội thảo về đàn môi. Ảnh: Phố bên đồi

Ngoài những loại đàn quen thuộc, Ngô Hồng Quang còn mang đến điều ngạc nhiên với âm thanh độc đáo của đàn chiêng dây - một nhạc cụ dân tộc mà chính anh đã tìm tòi và đang nỗ lực phổ biến gần đây. Người nghe bất ngờ khi có một thứ nhạc cụ Việt Nam có thể truyền tải nhiều màu sắc âm thanh vừa có vai trò của một nhạc cụ dây, vừa có thể chuyên chở những âm sắc của một nhạc cụ bộ đồng.

Ngô Hồng Quang có năng khiếu đặc biệt về việc học chơi các loại nhạc cụ dân tộc mà chủ yếu là tự học. Anh sở hữu giọng hát trời phú, mộc mạc, quãng âm rộng và tự nhiên mà không qua một lớp học kỹ thuật thanh nhạc nào. Tất cả là sự cảm nhận của bản năng, nghe và hát theo. Phát hiện ra giọng hát độc đáo của anh, các giảng viên âm nhạc nước ngoài khuyên anh nên trau dồi thêm kỹ thuật thanh nhạc. Tuy nhiên Ngô Hồng Quang muốn giữ bản năng cho giọng hát của mình.

Kho tàng văn hóa ẩn chứa trong các loại nhạc cụ dân tộc đời thường ở vùng Tây Bắc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cũng như vậy, dự án âm nhạc "Tình đàn" của Ngô Hồng Quang là một câu chuyện văn hóa dân gian được kể bằng ngôn ngữ âm nhạc dân tộc đương đại, đưa tri thức dân gian đến ngưỡng huyền diệu.

Âm nhạc chứa cảm xúc trong sáng, mộc mạc và chân thành nhưng chứa đựng nội lực rất lớn của một nghệ sĩ trẻ khi xâm nhập vào vốn văn hóa dân tộc. Ngô Hồng Quang bộc lộ khả năng sử dụng âm nhạc dân gian đáng nể, mới mẻ trên nền chất liệu căn bản là âm nhạc dân gian, nhưng anh tái sinh lại, trẻ hóa những giá trị cốt lõi của văn hóa dân gian nguyên gốc.

Đối với nghệ sĩ trẻ, việc sử dụng chất liệu văn hóa dân gian trong sáng tác là một thách thức. Ngô Hồng Quang không chỉ là một nhạc sĩ, một người am hiểu nền tảng âm nhạc, anh là người chơi nhạc cụ đúng nghĩa và là người mang tâm hồn thuần Việt.

Trình diễn văn hóa Việt Nam ra quốc tế - khó mà dễ

Không chỉ khán giả trong nước thích thú vì âm nhạc của anh mà bạn bè quốc tế đã từng quen với gương mặt âm nhạc Ngô Hồng Quang cũng phải trầm trồ. Các nghệ sĩ trẻ Việt Nam đều khao khát tìm ra con đường đưa văn hóa dân gian hòa nhập thế giới và Quang đã làm được. Giữa trăm ngàn sự phong phú và đa dạng của các nền văn hóa nhân loại, âm nhạc dân gian Việt Nam xuất hiện như một bản thể sâu sắc, nhân văn, giàu tính nghệ thuật.

Ngô Hồng Quang muốn chứng tỏ một điều, âm nhạc không có biên giới, con đường để âm nhạc đi vào tâm hồn có chung một loại ngôn ngữ. Bao trùm trong âm nhạc của anh là truyền thống hòa quyện với hiện đại, sự tương tác khéo và duyên giữa các nền văn hóa.

Nhiều tác phẩm của Ngô Hồng Quang được sáng tác mới và phối khí, biểu diễn với sự kết hợp của các nhạc cụ quốc tế. Trường hợp của đàn santur và bộ gõ của Senegal trong "Tình đàn" là một ví dụ. Ngô Hồng Quang tham vọng mỗi dự án âm nhạc của anh là một hành trình văn hóa, ở đó, khán giả có thể trải nghiệm nhiều thanh âm từ đàn tính, đàn nhị, đàn bầu, tiếng ru hời, tiếng hú của núi, tiếng reo của nước, mây, cây cỏ... sự hòa quyện và tung tẩy đạt đến nghệ thuật biểu diễn đỉnh cao xuất phát từ gốc văn hóa dân gian hết sức thân thuộc, giản dị.

Sau nhiều ngày trở về từ vùng đồng bào thiểu số, Ngô Hồng Quang nói, dường như anh vẫn muốn sống, muốn đắm chìm trong không gian sống đó, miên man trong đời sống đầy chất nhạc đó.

Khi ra nước ngoài, và có dịp lưu diễn nhiều nước trên thế giới, Ngô Hồng Quang muốn khoe với bạn bè quốc tế chất liệu âm nhạc dân gian của các dân tộc Việt Nam qua con mắt của anh, tâm hồn anh. Cơ hội va chạm với nhiều nền văn hóa trên thế giới còn giúp anh chắt lọc, tìm ra sự đồng điệu của ngôn ngữ âm nhạc.

"Rồi đây, văn hóa của loài người sẽ hòa nhịp chung, câu chuyện sinh tồn chung mà riêng, bản địa nhưng hòa nhập, liên kết để chung một dòng chảy tương lai" - Anh nói.

Việc phát triển văn hóa từ kho tàng âm nhạc dân gian là cách hữu hiệu nhất để bảo tồn vốn quý này. Với xu hướng số hóa nghệ thuật hiện nay, văn hóa dân gian càng có nhiều cơ hội được phổ biến lan tỏa trên thế giới với điều kiện là nền văn hóa đó phải mạnh mẽ, bản sắc.

Cùng với xu hướng này, những người trẻ cũng đã tiếp nhận âm nhạc dân tộc theo một xu thế mới, loại bỏ dần cái cũ, đánh giá đúng sáng tạo của nghệ sĩ và tự hào với kho tàng văn hóa dân gian các vùng miền Việt Nam.

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn//nghe-si-ngo-hong-quang-tri-thuc-dan-gian-la-bai-hoc-lon-cua-toi-179221020145156575.htm