Nghệ nhân Kiều Đức Thưởng say sưa phục dựng bảo vật quốc gia

Không mấy người dân biết đến bảo vật quốc gia duy nhất của tỉnh Vĩnh Phúc có tên gọi Tháp gốm men Chùa Trò, cho đến khi nghệ nhân-doanh nhân Kiều Đức Thưởng phục dựng, tái tạo bảo vật này thành các sản phẩm văn hóa độc đáo.

Tháp gốm men Chùa Trò (được phục dựng tỷ lệ 1:1) thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Tháp gốm men Chùa Trò có 9 tầng, cao 1,45m, rộng đế 0,5m, lòng tháp rỗng. Tháp được làm bằng gốm, có dạng một khối hộp hình vuông, thu nhỏ dần về phía đỉnh. 4 mặt đều có cửa hình tò vò. Men phủ gồm 3 màu xanh ngọc, trắng và nâu. Tháp có 446 tượng phật bố trí từ trên xuống dưới, mang đặc trưng của Phật giáo Thiền tông.

Trên thân tháp có rất nhiều hoa văn như tượng phật, hoa sen, lá đề, hoa cúc, bảo tháp, hoa lá dây, sừng tê giác, mây, rồng, ngọc báu, kinari (tượng đầu người mình chim) … Thân tháp là một khối hộp vuông, được làm rời nhau, nay còn lại 9 tầng.

Tháp có niên đại thời Trần (thế kỷ XIV), là tác phẩm độc bản, hình thức độc đáo, có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và khoa học trong kho tàng di sản văn hóa nước ta. Tháng 12/2018, Tháp gốm men Chùa Trò của tỉnh Vĩnh Phúc được công nhận là bảo vật quốc gia. Bản gốc hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc.

Nghệ nhân Kiều Đức Thưởng (bên trái) giới thiệu các sản phẩm du lịch lấy ý tưởng từ bảo vật quốc gia.

Nghệ nhân Kiều Đức Thưởng là người đam mê với gỗ. Khi còn nhỏ, ngày ngày cậu bé Thưởng đi theo bố làm nghề mộc tại làng Thủ Độ, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường. Khi trưởng thành, ông thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng và sản xuất Hải Âu tập trung sản xuất các sản phẩm gỗ.

Cũng là người say sưa với văn hóa, cổ vật, ông Thưởng quyết tâm đưa bảo vật quốc gia Tháp gốm men Chùa Trò đến với công chúng. Ông tập hợp những người thợ lành nghề của làng mộc Thủ Độ, mua máy quét 3D để hỗ trợ việc thiết kế và sản xuất, phục dựng lại đầy đủ các chi tiết của Tháp gốm men Chùa Trò.

Mong ước lớn nhất của ông Thưởng là lưu giữ cho quê hương, cho làng nghề vốn tinh hoa của các cổ vật, bảo vật, di tích. Mong ước ấy trùng với nhu cầu cần có một sản phẩm văn hóa đại diện cho Vĩnh Phúc, có thể trưng bày hoặc làm quà tặng cho du khách. Ông Thưởng quan niệm, khi phục chế, phục dựng một cổ vật, nghệ nhân cần trau dồi 3 yếu tố là nghệ thuật, tâm linh và khoa học để làm nổi bật giá trị lịch sử, văn hóa, chiều sâu tư tưởng và vẻ đẹp thẩm mỹ của cổ vật.

Sau rất nhiều tìm tòi, thử nghiệm, đến nay, các bản sao Tháp gốm men Chùa Trò với nhiều kích cỡ và nguyên liệu khác nhau được sản xuất và phục dựng thành công bằng nguyên liệu gỗ như mít, gỗ sưa, gỗ xoan đào, được phủ sơn và dát vàng truyền thống. Phiên bản nhỏ hơn được làm là gỗ và sứ để làm quà tặng, đồ lưu niệm, góp phần quảng bá truyền thống văn hóa của vùng đất cổ Vĩnh Phúc.

Các phiên bản tỷ lệ 1:1 của tháp được người dân và du khách rất chú ý, được đặt trang trọng tại các trung tâm hội nghị, hội thảo, được trưng bày tại các sự kiện văn hóa lớn như lễ hội Tây Thiên, các làng văn hóa kiểu mẫu, cuộc thi Hoa hậu du lịch thế giới 2022, Hội thảo quốc gia về xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, tặng các đoàn khách quốc tế …

Tâm huyết với đề tài này, ông Thưởng nảy ra ý tưởng độc đáo là đặt Tháp gốm men Chùa Trò trên hòn đảo thuộc khu vực hồ Quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc. Dự kiến tháp sẽ cao hơn 30m để phù hợp với tỷ lệ không gian của khu vực quảng trường. Phần bệ tháp sẽ là một bảo tàng nhỏ giới thiệu các sản phẩm văn hóa đặc trưng của tỉnh Vĩnh Phúc.

Bản sao Tháp gốm men Chùa Trò làm từ gỗ mít, được dát vàng trưng bày tại các hội thảo lớn.

Toàn bộ tháp sẽ được chiếu sáng bởi hệ thống đèn LED đổi màu hiện đại. Du khách có thể đi theo bậc thang hoặc thang máy lên các tầng trên để ngắm trung tâm thành phố Vĩnh Yên, xa xa là dãy Tam Đảo hùng vĩ. Kỳ vọng nơi đây trở thành điểm tham quan, check-in của người dân và du khách.

Sau khi nghiên cứu ý tưởng của ông Thưởng và tiến hành khảo sát, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xin chủ trương thực hiện Dự án Xây dựng biểu tượng bảo vật quốc gia Tháp gốm men Chùa Trò tại Quảng trường tỉnh nhằm tạo điểm nhấn về không gian du lịch-văn hóa cho tỉnh Vĩnh Phúc.

Biểu tượng Tháp gốm men Chùa Trò đặt tại Quảng trường tỉnh sẽ tạo nên một không gian cảnh quan hài hòa, kết nối với toàn bộ cảnh quan công trình kiến trúc tại Quảng trường là Nhà hát, Nhà thi đấu và Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ. 4 điểm đến trong quần thể Quảng trường tạo thêm một tour tham quan du lịch văn hóa mới của tỉnh Vĩnh Phúc.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nghe-nhan-kieu-duc-thuong-say-sua-phuc-dung-bao-vat-quoc-gia-post778854.html