Nghệ nhân già Tây Nguyên và nỗi lo kế tục

Ghé thăm gia đình nghệ nhân dân gian Y Mip Ayun (sinh năm 1942) tại buôn Kô Siêr, phường Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk vào dịp cuối năm. Trong ngôi nhà sàn cũ đơn sơ mang đậm nét đặc trưng của đồng bào Ê Đê, được nghệ nhân giới thiệu hàng chục loại nhạc cụ dân tộc do chính mình chế tác và biểu diễn, chúng tôi mới “mục sở thị” về cái tài, cái tâm cũng như những trăn trở, lo lắng về văn hóa truyền thống của vị lão làng ở Tây Nguyên.

Nghệ nhân Y Mip Ayun giới thiệu nhạc cụ dân tộc Ê Đê do chính mình chế tác

CôngThương - Người lưu giữ “hồn” âm nhạc Tây Nguyên

Chia sẻ với chúng tôi, nghệ nhân Y Mip Ayun cho biết: “Sinh ra và lớn lên giữa buôn làng Tây Nguyên, được tham gia nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào nên ngay từ nhỏ mình đã thấy thích thú với các loại cồng chiêng, với các loại nhạc cụ của dân tộc mình, từ đó mình tự mày mò học đánh chiêng, học chế tác nhạc cụ từ các thế hệ đàn anh. Trước đây cha mình cũng là người biết chế tác các nhạc cụ nên mình cũng học được ở ông nhiều điều… Khi mới bắt đầu chế tác, mình mới chỉ học chế tác những loại nhạc cụ đơn giản như: Đing bút, tắc ta… dần dần quen mình học chế tác các loại nhạc cụ khó hơn như đàn gông, chiêng kram, đing năm…”.

Từ một người đam mê chế tác nhạc cụ, rồi biểu diễn sành sỏi các loại nhạc cụ, tiếng tăm của Y Mip Ayun đã vang không chỉ ở buôn làng mà còn lan ra khắp núi rừng Tây Nguyên. Ngoài việc tham gia thành viên đội chiêng ở Buôn Kô Siêr ra, ông còn tham gia nhiều chương trình biểu diễn của địa phương, đến tham gia biểu diễn ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước, rồi biểu diễn ở một số nước Đông Nam Á. Đặc biệt hơn ông còn là người được lựa chọn đi biểu diễn tại Pháp, Đức, Phần Lan, Thụy Điển, Ý…, từ đó góp phần quảng bá bản sắc văn hóa Tây Nguyên đến bạn bè quốc tế.

Anh Y Thim- phòng Văn nghệ quần chúng, Trung tâm Văn hóa tỉnh Đăk Lăk- cho biết: Nghệ nhân Y Mip Ayun được xem là “cây đại thụ” về chế tác cũng như trình diễn nhạc cụ dân tộc của người Ê Đê. Nhạc cụ do ông chế tác âm phát ra chuẩn, hình thức được cải tiến trông đẹp mắt phù hợp với quá trình biểu diễn nhưng vẫn giữ được nét hoang sơ ban đầu của nhạc cụ Tây Nguyên.

Với niềm đam mê và tài năng của mình, Y Mip Ayun từng đoạt nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý như: Nghệ nhân xuất sắc tại Liên hoan Văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên; giải Bông sen Vàng, Liên hoan Hòa tấu âm nhạc dân tộc TP.Hồ Chí Minh lần thứ 2; giải Nhất môn đánh chiêng của Buôn Ma Thuột năm 1997; Huy chương Vàng tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng toàn quốc; Huy chương Vàng các tiết mục hòa tấu nhạc cụ đing năm, đing pă, đinh bút, đinh tắc... Năm 2007, ông được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.

Những nỗi lo kế tục

Ở tuổi 72, nghệ nhân Y Mip Ayun còn là người tình nguyện mở lớp dạy đánh chiêng, chơi nhạc cụ dân tộc Ê Đê cho thế hệ trẻ, thanh niên các buôn làng. Ông còn được mời đi dạy đánh chiêng ở các buôn làng xa khac. Tuy nhiên, “đa phần các cháu là học để biết thôi, may ra các cháu cũng chỉ chơi được một số nhạc cụ đơn giản hoặc đánh bộ chiêng kram thôi, còn chuyện chế tác nhạc cụ thì ít cháu theo học lắm”-người nghệ nhân già buồn rầu nghĩ ngợi. Ông tâm sự: “Điều mình lo lắng đó là truyền thống văn hóa của dân tộc mình bị mai một, không có người kế tục, phát huy. Bởi hiện nay lớp trẻ “thiếu lửa”, thiếu đam mê với bản sắc văn hóa của dân tộc mình, chúng thích đi hát karaoke, nhạc trẻ, chơi điện tử…”. Điều càng khiến ông day dứt hơn là 4 người con của ông (2 trai, 2 gái) không đứa nào chịu kế tục, học cách diễn tấu và chế tác nhạc cụ dân tộc của cha, ông mình. “Chúng không đam mê, hứng thú với nghề này như mình hồi xưa, con trai lớn của mình cũng chỉ biết đánh cái chiêng kram còn diễn tấu cũng như chế tác nhạc cụ thì không muốn học…”- ông than thở.

Cuộc sống hiện đại, chuyện giao thoa văn hóa là điều không tránh khỏi nhưng ông chỉ mong muốn nhà nước nên có nhiều chính sách đầu tư cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa, đưa chúng quay trở lại và thấm sâu hơn vào “máu thịt” đồng bào dân tộc các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Bá Thăng

Nghệ nhân Y Mip Ayun giới thiệu nhạc cụ dân tộc Ê Đê do chính mình chế tác

PHẢN HỒI

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/vanhoa/48597/nghe-nhan-gia-tay-nguyen-va-noi-lo-ke-tuc.htm