Nghề mới, nguy cơ mới

Cùng với xu hướng phát triển của xã hội, nhiều ngành nghề mới xuất hiện. Trong đó có nghề giao hàng nhanh (shipper), tài xế xe công nghệ (grab)... đang gia tăng về số lượng lao động, đồng thời cũng đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bị hành hung, xâm hại tài sản...

Shipper được xem là một nghề mới đang tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động

Lâu nay, ngành xây dựng nói chung và những ngành nghề liên quan đến sản xuất, chế biến, khai khoáng, vận hành máy móc, vệ sinh môi trường... được xếp hàng đầu về nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nhưng nay có những nghề mới đáp ứng phục vụ yêu cầu phát triển của xã hội như nghề giao hàng, tài xế xe công nghệ chở khách, tài xế đường dài... cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn lao động.

Chuyên bán hàng online, mỗi khi cần giao hàng cho khách, chị Kim Tiên, ở phường Thủy Xuân, TP. Huế chỉ cần bấm cuộc gọi cho shipper "ruột" là 5, 10 phút sau anh shipper này đã có mặt để nhận hàng và chạy giao hàng theo địa chỉ ghi trên đơn. Rất thuận lợi cho công việc, nên chị Trang thường kết nối khoảng 2, 3 shipper quen thuộc để khi cần là chị alo đi giao hàng.

Anh Thành Nhân, hành nghề shipper từ trước mùa dịch COVID-19 năm 2020, bình quân mỗi ngày anh chạy giao gần cả trăm đơn hàng nội, ngoại thành phố. Khi hỏi đã từng gặp rủi ro trong lúc đi giao hàng, anh Nhân chia sẻ: "Chưa kể phải đi sớm về khuya, chuyện bị "bom" hàng, bị va quệt xe, hư xe vẫn thường xảy đến. Có đợt em bị tông xe, phải khâu mấy mũi ở chân, nằm nhà thất nghiệp hơn cả tháng trời".

Tiếp xúc, trò chuyện cùng một số shipper, được biết, có nhiều vụ tai nạn nhỏ xảy ra là do người khác gây cho mình, nhưng cũng có những vụ va quệt do "thùng hàng" cồng kềnh vướng phải người đi đường. Những lúc như thế, shipper phải tự "móc" tiền túi ra đền, có khi bay mất toi hơn cả tháng tiền công chạy đơn hàng. Còn rất nhiều câu chuyện bi hài, rủi ro khác mà các shipper, tài xế grab đang đối mặt. Có những trường hợp không may mắn đã hoàn toàn mất đi khả năng lao động kiếm tiền. Mọi lo toan gánh nặng đều đổ lên vai người thân.

Theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, trong năm 2023, cả nước đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động, làm 7.553 người bị nạn, giảm 370 người so với năm 2022. Con số này bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Bộ LĐTB&XH cũng cho biết, khu vực có quan hệ lao động giảm về số người chết và số vụ tai nạn lao động chết người. Tuy nhiên, khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tăng về số người chết và số vụ tai nạn lao động chết người so với năm 2022, thiệt hại về vật chất và tài sản do tai nạn lao động lên tới hơn 17.000 tỷ đồng.

Những người hành nghề shipper, chạy grab... đa phần đều thuộc khu vực quan hệ lao động phi chính thức, nghĩa là làm việc không theo hợp đồng lao động. Nên khi xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, những đối tượng này sẽ không được hỗ trợ thanh toán về chi phí y tế, không được trả đủ tiền lương trong thời gian nghỉ làm do bị nạn và cũng không được bồi thường, trợ cấp, hưởng chế độ như những người có quan hệ hợp đồng lao động chính thức.

Theo quan điểm của đại diện Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động tỉnh, những người đang làm việc không theo hợp đồng lao động cần tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật, đề phòng khi xảy ra bất trắc trong lao động để được hưởng các chế độ, giảm gánh nặng chi phí cá nhân. Bên cạnh đó, những người hành nghề tự do cũng cần được đưa vào hội nghề nghiệp để quản lý, được tập huấn, huấn luyện, trang bị kỹ năng, kiến thức cần thiết về ATVSLĐ và các quy định của pháp luật liên quan.

Bài, ảnh: Song Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/nghe-moi-nguy-co-moi-140653.html