Nghề lợp ngói

Làng quê đã và đang thay đổi với những ngôi nhà tầng thấp tầng cao, tôn hóa, bê tông hóa. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều những ngôi nhà cũ, mái ngói cổ truyền đang góp phần giữ hồn cốt những ngôi làng Việt. Chủ nhân của những ngôi nhà ấy phần nhiều là những 'người cũ' của làng, những người mà bây giờ tuổi đã cao, sức đã cạn… Ngôi nhà ấy từng gắn bó với họ từ thời thơ bé, cũng có khi đó là ngôi nhà do mồ hôi và công sức họ tạo dựng từ những năm 80 - 90 của thế kỷ trước.

Trước khi mùa mưa đến, nhiều gia đình lại lo lợp lại mái ngói để tránh bị dột.

Bây giờ, những ngôi nhà mái ngói ấy như những “dấu xưa” của làng, kể những câu chuyện về một thời mà với nhiều người, có chút gì đó như “khó tin”.

Với khách đường xa, về làng Việt bây giờ, gặp lại những ngôi nhà mái ngói thâm nâu, vẫn thấy sự gần gũi ấm áp và thương mến. Bước chân vào bên trong ngôi nhà, bên bộ tràng kỷ cũng thâm nâu, ngồi uống chén nước trà xanh và chuyện trò với chủ nhà bao giờ cũng thấy thú vị và da diết.

Nhưng ít ai biết rằng, để gìn giữ được những ngôi nhà mái ngói ấy, ngoài sự quyết tâm của gia chủ còn phải lo lắng cho công việc bảo tồn. Lo là bởi, những viên ngói cũ ấy, trải qua thời gian mưa nắng, rất dễ bị vỡ, bị mục, bị xô lệch...

Và khi mùa mưa đang đến, nỗi lo nhà dột vẫn hiện hữu. Vì thế họ thường phải tìm thuê những người thợ thông thạo nghề lợp ngói về lợp lại mái nhà. Chỉ có điều, những người thợ khéo tay, biết cách lợp ngói ngày một ít đi. Những người thợ già, có kinh nghiệm thì mỗi năm một yếu. Những người trẻ thì không mấy ai mặn mà với công việc khá chênh vênh như nghề lợp ngói mái nhà cũ. Thành ra, ở nhiều vùng quê bây giờ, tìm thợ lợp ngói để duy tu, bảo dưỡng mái nhà rất khó, phải đặt lịch trước vài tháng, dù công thợ cũng dao động trong khoảng 700.000 - 800.000 đồng/ngày.

Giữ gìn vẻ đẹp những ngôi nhà truyền thống, vì thế, đang là nỗi băn khoăn, trăn trở và trở thành bài toán của nhiều gia chủ ở làng quê.

Lợp ngói không khó, nhưng đòi hỏi sự khéo tay và một số kỹ năng để mái nhà không nhanh bị xô, bị dột.

Thường chỉ những người thợ già mới nhận làm công việc lợp, đảo mái ngói những ngôi nhà cũ ở làng quê.

Phút nghỉ ngơi của người thợ lợp ngói.

Dụng cụ của người thợ lợp ngói thường rất đơn giản. Có khi chỉ với cuộn dây dù, họ buộc thêm viên ngói vỡ để lợp cho thẳng hàng.

THẠCH THẾ VINH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nghe-lop-ngoi-5725841.html