Nghề làm đẹp cảnh, đẹp làng

Nằm ven sông Đuống, xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) là địa danh cổ gắn liền truyền thuyết về người anh hùng huyền thoại làng Gióng đánh giặc, cứu nước. Nơi đây hơn 30 năm qua, các nghệ nhân đã dày công xây dựng nghề hoa, cây cảnh với các sản phẩm vang danh khắp cả nước.

Trong lần về thăm khu trưng bày sản phẩm của Hiệp hội làng nghề làm vườn, sinh vật cảnh và trang trại Phù Đổng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những tác phẩm nghệ thuật của các nghệ nhân. Hơn 100 chậu hoa, cây cảnh đã đánh dấu tên tác phẩm và nghệ nhân được xếp đặt trang trọng. Chúng tôi đến đúng lúc nghệ nhân Nguyễn Xuân Việt đang giới thiệu cây si cổ gần 70 năm tuổi của nghệ nhân Đặng Trần Hùng với khách tham quan: “Nghề chơi cây cũng giống như các cụ xưa làm thơ Đường, khi tạo tác phải có liêm luật chặt chẽ. Nhưng với “bài thơ” này, nghệ nhân Đặng Trần Hùng đã phá liêm luật một cách độc đáo. Cây si được tạo dáng trực, đưa ngọn sang một phía làm thành trực siêu. Điểm nổi bật của tác phẩm là 3 cành hội tụ tôn phò một ngọn vượt cao đầy uy nghi. Điều này thể hiện tầm khoáng đạt, không gò bó nhưng vẫn mang đầy đủ nét “cổ, kỳ, mỹ, văn” trong tạo tác”.

Các hội viên xã Phù Đổng bên sản phẩm làng nghề.

Các hội viên xã Phù Đổng bên sản phẩm làng nghề.

Qua trao đổi với ông Nguyễn Bá Ngơi, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề làm vườn, sinh vật cảnh và trang trại Phù Đổng, chúng tôi được biết, hoạt động trưng bày sản phẩm được hiệp hội tổ chức định kỳ 3 tháng/lần. Các hoạt động nhằm hướng tới việc trao đổi, học tập, nâng cao kinh nghiệm cho các nghệ nhân, đồng thời quảng bá sản phẩm đến du khách tham quan. Ngoài ra, hiệp hội cũng thành lập tổ tư vấn kỹ thuật trực tiếp dạy và sửa cây giúp hội viên. Phối hợp với Trạm khuyến nông huyện Gia Lâm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức dạy nghề cấp chứng chỉ cho hội viên.

Trong dòng hồi ức, ông Nguyễn Bá Ngơi vẫn nhớ khoảng thời gian khó khăn ban đầu khi mới thành lập. Đó là vào năm 1987, các ông: Đặng Trần Tài, Nguyễn Xuân Sản, Trần Huy Giảng và một số gia đình có truyền thống chơi cây cảnh đã làm đơn đề nghị UBND xã Phù Đổng cho phép thành lập Chi hội làm vườn xã Phù Đổng với 12 thành viên. Trên tinh thần vừa làm, vừa học, các thành viên trong chi hội đã ngược xuôi khắp từ Nam ra Bắc để học hỏi kinh nghiệm, sưu tầm các loại cây, con giống, tìm đầu ra cho sản phẩm. Sau hơn 30 năm, chi hội đã đổi tên thành Hiệp hội làng nghề làm vườn, sinh vật cảnh và trang trại Phù Đổng, có sự phát triển mạnh cả về số lượng thành viên và chất lượng hoạt động. Hiện nay, hiệp hội đang có gần 200 hội viên sinh hoạt ở 5 chi hội, thu hút 75% số hộ trên địa bàn xã Phù Đổng tham gia. Các sản phẩm chủ lực của hiệp hội có thể kể đến, như: Cây thế, cây cảnh nghệ thuật, hoa giấy, trúc quân tử, lan, cây bóng mát...

Không chỉ mang tính nghệ thuật, làm đẹp cho đời, nghề hoa, cây cảnh dần trở thành ngành kinh tế quan trọng của xã Phù Đổng. Trong câu chuyện của mình, ông Ngơi nhắc đến những hội viên là tỷ phú trẻ, như: Anh Nguyễn Xuân Yên, Lê Văn Dục. Đặc biệt hơn là trường hợp hội viên Vương Đình Hoàng bị khuyết tật não nhưng đã vươn lên thoát nghèo nhờ sản phẩm làng nghề.

Được biết, xã Phù Đổng đã có kế hoạch phát triển bền vững cho làng nghề hoa, cây cảnh. Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Xuân Việt, Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng cho biết: “Chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ về nguồn vốn và quảng bá sản phẩm làng nghề. Ngoài ra, trong đề án phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, du lịch tham quan, trải nghiệm các sản phẩm hoa, cây cảnh làng nghề là một trong hai dòng khai thác chính của xã Phù Đổng”.

Bài và ảnh: NGUYÊN ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nghe-lam-dep-canh-dep-lang-650312