Nghề dệt chiếu ở Hàm Tân

Hàm Tân là xã vũng sâu của huyện Trà Cú, là địa phương có đồng bào Khmer chiếm 81,52% dân số. Xã gồm 07 ấp, có 2.389 hộ, với 10.555 nhân khẩu. Là xã thuần nông, người dân địa phương chuyên sản xuất lúa, mía, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt, địa phương có nghề trồng lác, dệt chiếu.

Bà Diệp Thị Som và con gái út dệt chiếu thủ công theo lối truyền thống tại gia đình.

Bà Diệp Thị Som và con gái út dệt chiếu thủ công theo lối truyền thống tại gia đình.

Xã Hàm Tân có diện tích tự nhiên trên 2.161ha, đất nông nghiệp trên 1.482ha, chiếm 68,60% diện tích đất tự nhiên, trong đó, diện tích lác 16,5ha, với tổng sản lượng lác khô là 90,75 tấn/năm, đáp ứng khoảng 80% nguyên liệu cung ứng cho nghề dệt chiếu tại địa phương.

Nghề dệt chiếu ở xã Hàm Tân vốn có từ lâu đời theo hình thức cha truyền con nối, tập trung ở 03 ấp: Chợ, Cà Hom và Bến Bạ. Đặc biệt, nghề dệt chiếu truyền thống ở Hàm Tân được lưu truyền qua nhiều thế hệ nhưng người làm nghề vẫn gắn bó và tâm huyết với nghề, cho ra đời những đôi chiếu vừa đẹp, vừa bền. Trãi qua bao thăng trầm, nhưng sản phẩm chiếu lác Hàm Tân luôn giữ được người tiêu dùng ưa chuộn. Nghề dệt chiếu của xã Hàm Tân, huyện Trà Cú được UBND tỉnh công nhận làng nghề vào tháng 12 năm 2014.

Hiện, xã Hàm Tân có 58 hộ dệt chiếu thường xuyên, với 121 lao động tham gia và 37 hộ dệt chiếu theo thời vụ, với 74 lao động. Nghề dệt chiếu ở xã Hàm Tân hầu hết là dệt thủ công truyền thống; ngoài ra, có 04 hộ dệt bằng máy, với 07 chiếc máy dệt chiếu. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra chủ yếu cung ứng tiêu dùng trong tỉnh bằng hình thức bán lẻ, một phần được bán sang tỉnh Sóc Trăng. Sản phẩm chiếu của làng nghề ở xã Hàm Tân có các mặt hàng, gồm: chiếu trắng, chiếu màu, chiếu hoa và chiếu nhấn chữ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong hộ gia đình, cơ sở thờ tự, phục vụ các ngày lễ cổ truyền của đồng bào, với nhiều kích cỡ: 50cm, 100cm, 120cm, 140cm, 160cm, 180cm. Làng nghề chủ yếu sản xuất thủ công, theo quy mô hộ gia đình, bằng nguyên liệu từ lác được người dân địa phương trồng để cung ứng cho nghề dệt chiếu.

Đối với các hộ dệt chiếu thủ công theo lối truyền thống, trung bình mỗi ngày 02 lao động dệt được 01 đôi chiếu, tổng chi phí dệt 01 đôi chiếu khoảng 120.000 đồng, giá bán 450.000 đồng/đôi chiếu, lãi 190.000 đồng/đôi chiếu, thu nhập bình quân khoảng 1,3 triệu đồng/người/tháng.

Dệt máy, tổng chi phí cho 01 đôi chiếu là 130.000 đồng, bán ra được 240.000 đồng/01 đôi chiếu, lãi 110.000 đồng, thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng. Trong năm, làng nghề dệt chiếu xã Hàm Tân sản xuất ra thị trường khoảng 50.000 chiếc chiếu các loại, tổng giá trị sản xuất đạt 5,46 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2,465 tỷ đồng.

Ấp Cà Hom, địa phương có 95% đồng bào Khmer, ấp có 25 hộ dệt chiếu, với diện tích lác trồng là 05ha. Hộ bà Diệp Thị Som, 74 tuổi, gia đình trồng 01ha lác cung ứng nguyên liệu dệt chiếu cho gia đình. Đây là một trong những gia đình có truyền thống lâu đời làm nghề dệt chiếu tại địa phương, sản xuất theo lối khép kín. Từ khâu trồng lác đến thu hoạch, phân cỡ, chẻ, phơi, nhuộm màu và dệt thành sản phẩm cung ứng cho người tiêu dùng.

Bà Diệp Thị Som cho biết, nghề dệt chiếu của gia đình đã truyền nối qua nhiều đời. Từ nhỏ, bà học từ bà ngoại và mẹ rồi đến đời bà dạy lại cho các con. Bà Som trăn trở: “bây giờ tuổi đã cao nhưng hàng ngày tôi dẫn dệt chiếu, quen rồi, không làm buồn lắm. Không biết sau này các con còn giữ được nghề này không nữa”.

Ông Trương Trung Hoàng, Trưởng Ban nhân dân ấp Chợ, xã Hàm Tân cho biết, do nhu cầu phát triển của nghề dệt chiếu nhằm đáp ứng nhu cầu cung ứng hàng hóa cho thị trường. Hiện ấp Chợ có 04 hộ dệt chiếu bằng máy, trong đó, có 02 hộ hoạt động thường xuyên và 02 hộ hoạt động theo thời vụ, trên địa bàn ấp không còn hộ dệt chiếu theo lối thủ công truyền thống.

Thăm cơ sở dệt chiếu Trúc Mai, ấp Chợ, xã Hàm Tân có 02 chiếc máy dệt chiếu. Ngày thường cơ sở hoạt động 01 máy, sản xuất ra 05 đôi chiếu. Những tháng cận tết, cơ sở hoạt động 02 máy. Anh Trầm Văn Phong, 30 tuổi, chủ cơ sở dệt chiếu Trúc Mai cho biết, “tôi tập và tham gia nghề dệt chiếu từ đời bà ngoại đến đời mẹ được dệt theo lối thủ công truyền thống”.

Những năm 2010, hợp tác xã dệt chiếu của xã hoạt động, mẹ anh (bà Sơn Thị Kích La) tham gia hợp tác xã phụ trách kỹ thuật. Năm 2017, được sự hỗ trợ của Sở Công thương tỉnh gia đình anh Phong mở cơ sở dệt chiếu và hoạt động cho đến nay. Lúc đầu cơ sở hoạt động 01 máy, sau 01 năm, cơ sở phát triển lên 02 máy đẹt chiếu. Hiện nay, anh Phong cùng vợ (chị Lý Bích Thủy) quản lý cơ sở và là thợ đứng máy dệt chiếu, đồng thời kiêm các khâu nhuộm, phơi lác… cung ứng nguyên liệu cho cơ sở dệt chiếu của gia đình.

Theo ông Tăng Duy Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Tân, địa phương đang củng cố và thành lập các tổ hợp tác, đa dạng hóa sản phẩm, tìm đầu ra cho sản phẩm, hợp đồng trao đổi, mua bán, gia công sản phẩm. Mở rộng diện tích lác, cải thiện năng suất và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu dệt chiếu tại địa phương.

Để làng nghề dệt chiếu xã Hàm Tân được duy trì và phát triển, các hộ dệt chiếu ở địa phương cần có hướng hoạt động theo tổ hợp tác sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm. Khuyến khích doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm; các ban, ngành huyện, tỉnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường và tìm đầu ra cho sản phấm. Hỗ trợ các chính sách cho làng nghề dệt chiếu xã Hàm Tân phát triển bền vững.

Bài, ảnh: HUỲNH NỔI

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/nghe-det-chieu-o-ham-tan-28732.html