Nghe con đường kể chuyện

Nơi con đường đi qua có những địa danh lịch sử, có người chiến sĩ cảm tử từng ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch. Đây cũng là con đường được nhắc đến trong bài thơ (sau này được phổ nhạc) Con đường xưa em đi. Con đường ấy nằm ở phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa...

Đường Nguyễn Văn Hoa (phường Thống Nhất) - khu vực gần Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai tấp nập người qua lại vào mỗi sáng. Ảnh: Đức Vinh

1. Đó là con đường từ UBND phường Thống Nhất đến nhà máy giấy Tân Mai (thành phố Biên Hòa). Ngay đầu con đường ta thấy ngôi nhà xanh (nhân dân thường gọi là Nhà Xanh) bên những cây bông sứ trắng. Ngôi nhà nằm trong khuôn viên Trường công nhân kỹ thuật Đồng Nai (nay là Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai).

Nơi đây, vào lúc 19h ngày 7-7-1959 quân ta đã bất ngờ nổ súng đánh vào đoàn cố vấn quân sự Mỹ MAAG (Mission Army American Group) đang có mặt tại căn nhà. Trận đánh đã diệt được hai cố vấn Mỹ là thiếu tá Bael Buis và trung sĩ Chester Ovmand. Đây là hai cố vấn Mỹ bị diệt đầu tiên ở Miền Nam, đứng đầu trong danh sách trên 58 ngàn lính Mỹ chết trận ở Việt Nam.

Trận đánh đã ghi chiến công lịch sử của quân và dân Đồng Nai. Đây là trận đánh do đồng chí Năm Hoa (Nguyễn Văn Hoa), Đại đội phó Đại đội 250 chỉ huy. Quân ta hóa trang thành đội lính tuần tra đột nhập vào Nhà Xanh. Trong trận đánh này, đồng chí Nguyễn Văn Huề đã cảm tử ôm trái mìn lao vào quân địch. Đồng chí đã hy sinh anh dũng, được Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Di tích Nhà Xanh đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay, vào mỗi buổi sáng thứ hai, các học sinh, sinh viên Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai xếp hành ngay ngắn chào cờ bên ngôi Nhà Xanh, ngôi nhà đã ghi dấu ấn lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

2. Đi qua Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai là tới Nhà máy giấy Tân Mai. Nhà máy này hiện đã chuyển đi để tránh gây ô nhiễm cho sông Đồng Nai nhưng những bức tường bao quanh khu vực nhà máy vẫn còn. Cạnh bức tường là một con đường, nay đã trải nhựa, một bên là khu cư xá của công nhân Nhà máy giấy Tân Mai.

Con đường xưa em đi đã trở thành ca khúc trữ tình nổi tiếng, đến nay vẫn được giới mộ điệu âm nhạc yêu thích. Bài ca có đoạn: Con đường xưa em đi/ Thời gian có quên gì/ Đá mòn kia vẫn ghi.

Nơi đây, khi xưa nhà cửa còn thưa thớt. Có một con đường nhỏ đi từ khu nhà nghỉ đến cổng nhà máy giấy. Bà Kha Thị Vàng là vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ, làm kế toán cho nhà máy. Bà thường xuyên đi từ khu nhà nghỉ đến nơi làm việc. Con đường này hồi ấy đi qua một vạt lúa xanh rờn. Hàng cây bên đường rung rinh theo bóng nắng vàng, con đường rất nên thơ. Chính con đường và hình bóng người phụ nữ đã tạo cảm xúc cho nhà thơ Hồ Đình Phương, khi đó là Phó giám đốc hành chính của nhà máy, sáng tác bài thơ Con đường xưa em đi. Bài thơ mở đầu: Con đường xưa em đi/ Vàng lên mái tóc thề.

Vợ chồng nhạc sĩ Châu Kỳ là bạn thân của nhà thơ Hồ Đình Phương. Vào khoảng năm 1967-1968, nhạc sĩ Châu Kỳ đã phổ nhạc bài thơ này và vẫn giữ nguyên tên bài hát là Con đường xưa em đi.

Con đường xưa em đi, là một con đường nhỏ nằm trong địa phận của khu phố 1, thành phố Biên Hòa. Một con đường đã đi vào thơ ca được thời gian lưu giữ. Con đường đã được mọi người biết đến và yêu mến, còn mãi cùng thời gian.

3. Nằm bên Con đường xưa em đi là nhà của kỹ sư Nguyễn Ngọc Viên, nguyên cán bộ kỹ thuật của Nhà máy giấy Tân Mai. Vào những năm đầu chống Pháp, ông là chiến sĩ quyết tử ôm bom ba càng bảo vệ thủ đô Hà Nội. Khi ấy, ông ở đơn vị Trung đội 5, đại đội 2, Tiểu đoàn 77 cảm tử. Mỗi chiến sĩ được trang bị một quả bom ba càng, một loại bom tự chế gồm xăng và chất dễ cháy trộn lẫn. Khi xe tăng địch xuất hiện, người chiến sĩ ôm bom ba càng lao vào xe địch rồi ném lựu đạn cho trái bom phát nổ diệt xe tăng. Mỗi chiến sĩ là một người lính cảm tử, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ thủ đô Hà Nội.

Đường Nguyễn Văn Hoa (phường Thống Nhất) - khu vực gần Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai tấp nập người qua lại vào mỗi sáng. Ảnh: Đức Vinh

Trong một trận đánh, khi xe tăng địch xuất hiện, ông Viên được lệnh ôm bom ba càng lao lên. Không may, ông bị trúng đạn, vết thương nặng. Ông nằm bất tỉnh, được đồng đội đưa về trạm quân y. Vết thương của ông phải phẫu thuật, cắt bỏ hai xương sườn bị gãy và cắt phần thịt đã hoại tử. Vì bệnh viện dã chiến thiếu thuốc gây mê, bác sĩ hỏi ông: “Mổ không gây mê, lính cảm tử có chịu được không?”. Ông nhìn bác sĩ rồi đáp: “Tôi chịu được”. Ông nén chịu đau đớn để bác sĩ cưa cắt từng đoạn xương và thớ thịt còn rớm máu. Thật là sự can đảm phi thường của người chiến sĩ cảm tử.

Trong cuộc đời của mình, ông Nguyễn Ngọc Viên thấy tự hào và nhớ nhất là một lần ông được gặp Bác Hồ trong chiến dịch Cao - Bắc - Lạng. Khi ấy trời rét, vết thương của ông tái phát. Ông đã được Bác Hồ ân cần trao chiếc áo trấn thủ để mặc cho ấm. Tình thương của Bác đã làm ông rất cảm động và nhớ mãi...

Có những câu chuyện, những con người để lại cho ta bao cảm xúc trào dâng. Có những mảnh đất, con đường thời gian còn lưu giữ cả màu xanh để nó đi vào thơ ca cho ta nhớ mãi. Sống trên mảnh đất giàu truyền thống và cả nét đẹp thơ ca, ta càng thấy tự hào về mảnh đất và con người Đồng Nai thân yêu.

Vũ Đức Vinh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202403/nghe-con-duong-ke-chuyen-7b21bad/