Nghề cau Cao Nhân lao đao vì trượt giá

Xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng nổi tiếng với làng nghề trồng, thu mua, chế biến cau xuất khẩu.

Anh Hồng đang phân loại cau trước khi sơ chế đưa vào lò sấy.

Anh Hồng đang phân loại cau trước khi sơ chế đưa vào lò sấy.

Người Cao Nhân “xách bếp than” chạy khắp Đông Nam Á hành nghề tạo nên thương hiệu cau xuất khẩu nổi tiếng cả nước. Tuy nhiên, nhiều tháng nay giá cau rớt giá, cau thô không thể xuất khẩu khiến nhiều người dân, thương lái đang lao đao giữ, duy trì nghề truyền thống.

Giàu từ nghề

Xã Cao Nhân từng nổi tiếng là xã có truyền thống trồng cau, thu mua, chế biến cau xuất khẩu. Theo ông Hoàng Bảo Chung, Chủ tịch UBND xã, nghề trồng cau nơi đây đã có từ rất lâu đời, những kỹ thuật trồng cau được đúc kết và trao truyền qua các thế hệ từ đời này sang đời khác.

Ông Nguyễn Văn Hùng, một cao niên trong xã Cao Nhân cho hay, từ trước năm 2010, cau là cây trồng chính của Cao Nhân. Cả xã có đến trên 300 ha trồng cau, chiếm trên 50% diện tích đất nông nghiệp toàn xã, 100% hộ gia đình trồng cau với quy mô từ vài chục đến hàng nghìn cây. Cây cau mọc thành rừng, phủ kín khắp làng, nhiều người còn ví von như "xứ dừa Bến Tre".

Đặc thù chất đất, giống cau Cao Nhân cho chất lượng quả tốt, phù hợp với xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao. Cao Nhân đã được công nhận làng nghề truyền thống sản xuất và chế biến cau chất lượng hàng đầu cả nước.

Ông Hoàng Bảo Chung cho biết, không chỉ trồng mà người dân Cao Nhân nổi tiếng với thu mua, chế biến cau. Mọi người thường nói vui, người Cao Nhân “xách bếp than” chạy khắp Đông Nam Á hành nghề tạo nên thương hiệu cau xuất khẩu nổi tiếng cả nước.

Đến nay với tốc độ đô thị hóa, diện tích trồng cau bị thu hẹp. Hiện có khoảng trên 100 ha trồng cau. Toàn xã có 1,2 vạn dân thì 30% người dân liên quan đến trồng, thu mua, chế biến cau.

“Thời hoàng kim” của nghề trồng cau, đời sống của người dân khấm khá, kinh tế phát triển. Cao Nhân có nhiều ông chủ thu mua, chế biến cau nổi tiếng như các ông: Tô Đình Cường, Hoàng Văn Quang, Hoàng Văn Thạo…họ đầu tư làm cau từ vài chục, đến hàng trăm tỷ. Những ông chủ lớn này không chỉ có lò sấy, xưởng sản xuất tại địa phương mà còn vươn dài cánh tay tới nhiều địa phương toàn quốc như Quảng Nam, Buôn Mê Thuột, miền Tây. Thậm chí họ sang tận Thái Lan, Mianma thu mua, chế biến để xuất khẩu.

Bên cạnh đó có khoảng 50 ông chủ chuyên thu mua cau từ các vườn của người dân. Mỗi mối buôn đặt mua hàng trăm vườn cau khắp mọi nơi trong cả nước. Ngoài ra, còn có hàng trăm người chuyên thu mua cau dạo khắp nơi mà không mua vườn cố định.

Cao Nhân có trên 30 lò sấy cau, cao điểm, mỗi ngày 1 lò sấy có thể cho ra sản lượng từ 3-9 tấn cau khô, tùy quy mô. Thông thường 4kg cau tươi sau khi luộc, sấy sẽ được 1 cân cau khô.

Bà Hoàng Thị Nụ chia sẻ, thời điểm năm trước cau tăng đột biến, giá cao nhất thị trường là 40.000/1kg cau tươi. Không nói đến những ông chủ lớn, mà những người đi mua cau dạo cũng có thể kiếm 5-7 triệu/ngày. Tăng giá đột biến, người buôn lẻ họ càng có lời cao”.

Chủ tịch xã Cao Nhân cũng cho hay, nếu giá cau xuất khẩu ổn định, mỗi lò sẽ có 5-10 lao động ổn định, ngoài ra còn huy động lực lượng lớn lao động thời vụ, mỗi lao động thu nhập khoảng 10 triệu/ tháng. Tuy nhiên công việc chỉ đều và ổn định nhất vào các tháng cuối năm, từ tháng 8 âm lịch đến hết thanh minh năm sau.

Từ người thu mua cau lẻ đến ông chủ lớn đều lao đao vì giá cau lao dốc.

Từ người thu mua cau lẻ đến ông chủ lớn đều lao đao vì giá cau lao dốc.

Lao đao khi cau trượt giá

Anh Hoàng Vũ Hồng, thôn Nhân Lý, xã Cao Nhân có kinh nghiệm 18 năm làm cau xuất khẩu. Những năm trước giá cau ổn định thì kinh tế gia đình khấm khá. Nhưng năm nay, giá cau lao dốc đang từ 35-40 nghìn/kg xuống 5-7 nghìn/kg. Nguyên nhân là do bên nước ngoài đột ngột dừng không thu mua. Gia đình anh Hồng cũng như hàng trăm gia đình đang lao đao vì cau được mùa nhưng trượt giá.

“Gia đình đặt cọc tiền thu mua cau của hơn 100 vườn khắp Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định từ khi cau mới ra hoa với giá thành cao. Nhưng đến khi cau được thu hoạch thì trượt giá nên phải bỏ khoảng 80 vườn không dám đến lấy cau. Còn lại những vườn lân cận xung quanh thành phố thì cho thợ đến lấy về chế biến, duy trì lò sấy nhưng cũng lỗ nặng”, anh Hồng chia sẻ.

Do cau sấy không xuất khẩu được, phải bảo quản ở container lạnh, anh Hồng buộc phải bỏ ra mỗi tháng hơn 10 triệu đồng để thuê bảo quản. Nhẩm tính, anh Hồng cho hay, vụ cau này gia đình anh lỗ khoảng 4- 5 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Trâm, một chủ buôn lớn tại Cao Nhân cũng than thở: “Làm cau giờ kém lắm. Hàng ở biên giới không qua được, người thì vỡ nợ, người cầm chừng thì “thở bình ô xy” qua ngày. Nhà tôi còn hơn 20 tấn cau sấy, trước đây xuất với giá khoảng 200 nghìn/kg nhưng giờ chỉ còn mấy chục nghìn mà hàng còn không đi được”.

Ông Hoàng Bảo Chung cho rằng, người dân trong xã thời gian này không ai dám hỏi thăm nhau về giá cau. Hiện tại từ người buôn cau vườn đến người đi buôn cau xuất khẩu hiện giờ đều rất khó khăn. Nhất là những thương lái mua vườn vài năm trả tiền 1 lần càng khốn đốn.

Hàng ngày thương lái đi lấy cau về bán chỉ để trả công lao động cho bản thân chứ không thu được đồng lời, đồng gốc nào cả. Cau tươi vẫn túc tắc bán cho người tiêu dùng nhưng giá rẻ, những người làm nghề thấy “xót của” thì tích vào đó, mong biên mậu sớm mở cửa để xuất được hàng để vớt vát đồng tiền công.

Thảo Nguyên- Gia Hưng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nghe-cau-cao-nhan-lao-dao-vi-truot-gia-post634221.html