Nghệ An - ứng phó nguy cơ thiếu điện

Tỉnh Nghệ An hiện đang đối diện với nguy cơ thiếu hụt nguồn điện do nguyên nhân nắng nóng khắc nghiệt kéo dài. Công ty Điện lực Nghệ An và các cấp chính quyền đã đưa ra nhiều giải pháp cấp bách trước mắt và hướng đến đầu tư, xây dựng, sử dụng năng lượng tái tạo.

Hồ thủy điện về mực nước chết

Theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc, tình trạng nắng nóng, hạn hán tính đến thời điểm hiện tại, 12/12 hồ thủy điện lớn ở khu vực miền Bắc có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về ở nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua. Riêng tháng 4 và đầu tháng 5-2023, nước về các hồ chỉ đạt dưới 50%, một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 22 nhà máy thủy điện hoạt động với tổng công suất thiết kế 935,9MW, sản lượng điện phát khoảng 3 tỷ kWh/năm. Tuy nhiên, đến thời điểm đầu tháng 6-2023, hầu hết các hồ chứa của các nhà máy thủy điện đã về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết.

Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương) được xây dựng với hai tổ máy, tổng công suất thiết kế 320MW và có nhiều đóng góp vào việc điều hành hệ thống lưới điện của địa phương. Đến thời điểm này, lượng nước đổ về lòng hồ chứa rất thấp và chỉ đủ vận hành một tổ máy, công suất sản xuất điện chỉ đạt gần 50% so với thiết kế. “Bên cạnh sản xuất điện, nhà máy chúng tôi cũng tham gia vận hành việc xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nếu không có lượng mưa đột biến trong thời gian tới, nhiều khả năng, khoảng ngày 10-6, hồ thủy điện Bản Vẽ sẽ về mực nước chết và hoạt động gián đoạn”, ông Tạ Hữu Hùng, Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ cho biết. Tình hình thiếu nước ở Nhà máy Thủy điện Hủa Na (huyện Quế Phong) còn diễn ra phức tạp hơn. Nhà máy Thủy điện Hủa Na được xây dựng với hai tổ máy, tổng công suất thiết kế 180MW nhưng từ giữa tháng 5-2023, nước trong lòng hồ chứa đã về mực nước chết và chỉ hoạt động đạt 30% công suất thiết kế.

Khi các nhà máy thủy điện gặp khó khăn, hệ thống điện miền Bắc đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600MW đến 4.900MW. Theo kịch bản phụ tải tăng trưởng cao (15%), toàn bộ hệ thống điện miền Bắc phải tiết giảm 1.000-2.400MW, riêng tỉnh Nghệ An sẽ phải tiết giảm từ 53MW đến 124MW trên tổng công suất toàn tỉnh dự kiến 920MW-950MW, vào các khung giờ từ 11 giờ đến 16 giờ và từ 20 giờ 30 phút đến 24 giờ trong những ngày khi nền nhiệt trên 38oC. Trong những ngày nắng nóng, dự kiến sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh Nghệ An đạt xấp xỉ 17,5 triệu kWh, trong khi đó sản lượng được phân bổ chỉ đáp ứng khoảng 90%.

Theo thống kê của Công ty Điện lực Nghệ An, sản lượng điện tiêu thụ tháng 5-2023 trên địa bàn toàn tỉnh đạt 437,9 triệu kWh, bằng 119% cùng kỳ năm 2022, sản lượng ngày cao nhất là 17,72 triệu kWh, bằng 128% sản lượng ngày cao nhất của tháng. Các địa phương tiêu thụ điện năng nhiều nhất bao gồm TP Vinh và các huyện: Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Diễn Châu... bởi đây là những địa bàn có mật độ dân số cao, nhiều cơ sở kinh doanh, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, nhà máy. UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành, địa phương... tập trung tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ, công nhân, viên chức và người dân nâng cao nhận thức sử dụng điện tiết kiệm; đưa nội dung tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hằng năm của đơn vị. Các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền tới các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, cơ sở lưu trú và tòa nhà chung cư trên địa bàn giảm công suất chiếu sáng quảng cáo, trang trí ngoài trời, thiết bị điện có tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm. Những ngày nắng nóng, căng thẳng về nguồn điện thực hiện tắt 100% đèn chiếu sáng, các thang máy chỉ dùng cho tầng 4 trở lên...

 Thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An). Ảnh: LAN CHI

Thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An). Ảnh: LAN CHI

Hướng đến năng lượng tái tạo

Trước khi bước vào giai đoạn nắng nóng, các đơn vị thuộc Công ty Điện lực Nghệ An đã chủ động lập phương án chống quá tải, tập trung thực hiện các công trình đầu tư xây dựng trạm biến áp, cải tạo, nâng cấp đường dây. Mặt khác, các đơn vị trực thuộc còn xử lý kịp thời những nguy cơ gây sự cố và điều chỉnh tiết giảm phụ tải phù hợp, đúng quy định để duy trì vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định. Điện lực Nghệ An tăng cường áp dụng công nghệ sửa chữa nóng lưới điện đang mang điện (hotline) để hạn chế thấp nhất tình trạng mất điện của khách hàng trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng, thi công các công trình lưới điện; đồng thời có giải pháp cấp điện dự phòng phù hợp. Tính từ đầu năm đến nay, Công ty Điện lực Nghệ An đã thực hiện 252/228 phiên làm việc sửa chữa điện hotline trên địa bàn, tương đương giảm khoảng 320 giờ mất điện cho khách hàng.

Ông Phạm Văn Nga, Phó giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An cho biết: “Ngành điện lực Nghệ An đã làm việc với các doanh nghiệp lớn, có mức tiêu thụ điện cao trên địa bàn, như: Nhà máy sản xuất xi măng The Vissai Ninh Bình, Vicem Hoàng Mai, Tân Thắng... đề nghị dời dây chuyền sản xuất tránh các giờ cao điểm, bảo đảm cấp điện phục vụ đời sống sinh hoạt cho nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và cơ quan hành chính sự nghiệp. Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương vận hành hệ thống máy bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tránh vào các giờ cao điểm”.

Dự tính, mức tiêu thụ điện năng của tỉnh Nghệ An tính đến năm 2025 là 6,75 tỷ KW và năm 2030 là 9,55 tỷ KW. Nghệ An được đánh giá có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng mặt trời với số giờ nắng trung bình đạt khoảng 1.700-2.000 giờ/năm, thuộc nhóm khu vực có số giờ nắng cao trên cả nước và lượng bức xạ mặt trời trung bình khoảng 4,73kWh/m2/ngày. Tiềm năng năng lượng tái tạo ở Nghệ An đạt trên 17.400MW, có thể thực hiện được điện mặt trời áp mái, điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời trên mặt nước và điện gió trên bờ. Trong khi đó, năm 2021, đối với các dự án điện mặt trời áp mái, trên địa bàn tỉnh Nghệ An mới có 790 khách hàng sử dụng với tổng công suất 91,93MWp (tương đương 73,54MW). Số khách hàng doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời áp mái có công suất 100kWp trở lên là 94 doanh nghiệp với tổng công suất 85,1MWp (tương đương 68,08MW). Đó là những con số quá nhỏ, phản ánh việc đầu tư, xây dựng và sử dụng năng lượng tái tạo tại Nghệ An chiếm tỷ lệ chưa cao.

Tháng 3-2022, UBND tỉnh Nghệ An đã chấp thuận chủ trương đầu tư hai dự án sản xuất điện bằng năng lượng mặt trời tại huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai với tổng công suất 450MWp, tổng mức đầu tư 7.800 tỷ đồng. Trước khi phát triển điện mặt trời công suất lớn, Nghệ An đã ưu tiên lắp đặt điện mặt trời công suất nhỏ. Ngoài ra, Nghệ An cũng đang đề xuất đưa 7 dự án điện mặt trời nối lưới vào dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với tổng công suất 680MWp.

TRẦN HOÀI - VIẾT LAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nghe-an-ung-pho-nguy-co-thieu-dien-730326