Nghệ An tuyên truyền hưởng ứng ngày Thalassemia thế giới

Ngày Thalassemia thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 8/5, giúp những người mắc bệnh này sống khỏe mạnh hơn, lâu hơn và hiệu quả hơn. Thông qua ngày Thalassemia người bệnh chia sẻ kiến thức, trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức có mục tiêu và giáo dục chất lượng về bệnh Thalassemia.

Hưởng ứng "Ngày Thalassemia Thế giới 8/5", sáng 7/5, tại huyện Con Cuông, Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển tỉnh Nghệ An phối hợp với Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển huyện Con Cuông tổ chức chương trình truyền thông về Ngày Thalassemia Thế giới.

Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển tỉnh Nghệ An phối hợp với Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển huyện Con Cuông đã tổ chức chương trình truyền thông về Ngày Thalassemia Thế giới.

Theo Chi cục Dân số tỉnh Nghệ An, Thalassemia (còn gọi là bệnh Tan máu bẩm sinh) là một bệnh lý huyết học di truyền phổ biến nhất trên toàn cầu. Đây là một trong những căn bệnh gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của con cháu. Một trong những nguyên nhân chính của bệnh là do hôn nhân trong dòng họ gần gũi. Việc xác định nguyên nhân, phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh là các biện pháp có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trẻ em, cũng như nâng cao chất lượng dân số hiện tại và tương lai.

Ở Nghệ An, cho đến nay vẫn chưa có cuộc khảo sát quy mô nào để thu thập số liệu cụ thể về số lượng và tình trạng bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, theo báo cáo từ Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh Nghệ An, hàng năm có khoảng 350 - 400 bệnh nhân đến điều trị tại trung tâm này.

Ông Phạm Trọng Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Con Cuông chia sẻ tại buổi truyền thông, năm 2023 địa phương có 107 người được phát hiện mắc bệnh chủ yếu ở các xã khó khăn như Môn Sơn, Lục Dạ, Bình Chuẩn Thạch Ngàn... và đang điều trị tại các bệnh viện.

Cùng dự có ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cùng các đại biểu đại diện các phòng, ban trong cục.

Ngoài ra, trong cộng đồng còn có rất nhiều người mang gen bệnh nhưng không biết mình mang gen. Do đó, tỷ lệ hai người cùng mang gen bệnh Thalassemia kết hôn với nhau ngày càng cao, điều này đã và đang ảnh hưởng xấu tới chất lượng dân số và sự phát triển giống nòi nhất là ở các huyện miền núi như Con Cuông. "Căn bệnh này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, là gánh nặng cả về vật chất và tinh thần cho những gia đình có con em mắc bệnh và toàn xã hội. Chính vì vậy, việc phòng ngừa tiến tới đẩy lùi bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia là hết sức cần thiết", ông Bình nhấn mạnh.

Trong khi đó, chi phí điều trị bệnh Thalassemia đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của mỗi gia đình, đặt áp lực nặng nề lên ngân hàng máu và tài chính xã hội. Đây cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nâng cao chất lượng dân số và giống nòi của Việt Nam.

Tại buổi lễ phát động, ông Phan Văn Huê, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nghệ An cảnh báo về những nguy hại của bệnh Thalassemia. Hiện nay, đây là vấn đề được quan tâm rộng rãi trên toàn cầu, khi có hơn 7% dân số thế giới mang gen bệnh này và có hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ chịu ảnh hưởng, trong đó có Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Dân số Phạm Vũ Hoàng phát biểu tại buổi lễ.

Từ thực tế trên, việc triển khai chương trình truyền thông Ngày Thalassemia Thế giới là dịp để mọi người, mọi nhà hiểu biết hơn về bệnh tan máu bẩm sinh. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, các bậc làm cha làm mẹ hiểu rõ và có trách nhiệm hơn trong việc đẩy lùi căn bệnh này. Đây cũng được xem là điểm mốc, là dấu ấn bước đầu để huy động cả xã hội tập trung vào giải quyết vấn đề Thalassemia tại Nghệ An.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, việc phòng bệnh có thể hiệu quả tới 90 - 95% bằng các biện pháp như khám sức khỏe trước khi kết hôn để xác định mang gen bệnh, thực hiện xét nghiệm tầm soát và chẩn đoán gen đột biến trong thời kỳ kỳ mang thai…

Tại buổi lễ, Phó Cục trưởng Cục Dân số Phạm Vũ Hoàng đề nghị các địa phương cần tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới. Trong đó, cần tập trung vào chủ đề "Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt".

Hành động hưởng ứng ngày Ngày Thalassemia thế giới của học sinh trường PTTH DTNT Con Cuông.

Ban tổ chức trao quà cho các các gia đình có trẻ em mắc bệnh tan máu bẩm sinh.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tuyên truyền về tầm quan trọng của việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, nguyên nhân, hệ lụy của bệnh tan máu bẩm sinh đối với cộng đồng và xã hội.

Song song với đó, cần tuyên truyền mạnh mẽ về những lợi ích của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn, nhất đối tượng có nguy cơ cao. Tuyên truyền giáo dục thay đổi hành vi, góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh.

Qua đây cũng mong muốn các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và toàn thể cộng đồng phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc đẩy lùi bệnh tan máu bẩm sinh. Phối hợp lồng ghép tuyên truyền bệnh tan máu bẩm sinh vào hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, đảm bảo sự vào cuộc tích cực và tối đa của các cấp, các ngành.

Hoàng Trinh

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nghe-an-tuyen-truyen-huong-ung-ngay-thalassemia-the-gioi-17224050622113256.htm