Nghệ An: Nhiều khó khăn, vướng mắc tại cơ sở được tháo gỡ thông qua đối thoại

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với 460 xã, phường, thị trấn. Hiện nay, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức cấp xã có 9.400 người.

Đây là đội ngũ giữ vai trò quyết định trong việc hiện thực hóa sự lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước về mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội ở cơ sở; quán triệt, tổ chức thực hiện mọi quyết định của cấp ủy cấp trên, cấp ủy cùng cấp và mọi chủ trương, kế hoạch, sự chỉ đạo của chính quyền cấp trên, cũng như mọi chương trình, kế hoạch của chính quyền xã.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: daibieunhandan.vn

Xác định cán bộ xã là cầu nối quan trọng nhất giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; đồng thời, giữ vai trò quyết định trong việc xây dựng và thúc đẩy phong trào cách mạng của quần chúng ở cơ sở, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã tổ chức Hội nghị gặp mặt, đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với chủ đề “Đoàn kết – Dân chủ - Sáng tạo – Phát triển”. Thông qua đối thoại, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã thời lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, trao đổi, thảo luận, chia sẻ giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham mưu, thực hiện nhiệm vụ chính trị từ cơ sở.

Tham dự buổi đối thoại, mang nỗi niềm của người dân vùng biển, đồng chí Lê Khánh Toàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu cho hay: Hiện nay, cuộc sống của nhân dân làm nghề muối gặp nhiều khó khăn do thời tiết, giá muối thấp, đầu ra tiêu thụ manh mún, nhỏ lẻ, giá trị sản xuất đạt thấp; đề nghị các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ thu mua tiêu thụ; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các làng nghề sản xuất muối trên địa bàn.

Về nội dung này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Thành Vinh cho biết: Thời gian qua để giúp cho các diêm dân duy trì, phát triển và mở rộng sản xuất, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND ngày 20/12/2017, Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021, trong đó: Hỗ trợ một lần, với mức 3.000.000 đồng khi xây dựng bộ chạt lọc cải tiến để thay chạt lọc cũ; hỗ trợ bạt nhựa nilon trải ô kết tinh...

Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 9.508 bộ chạt lọc cải tiến, và trải bạt ô kết tinh đạt 2.540 đơn vị. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức cho các hợp tác xã (HTX) diêm nghiệp, diêm dân trong sản xuất muối. Việc thực hiện chính sách trải bạt ô kết tinh và xây dựng chạt lọc cải tiến đã nâng cao năng suất, chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất muối. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng nghề muối không được đầu tư nên xuống cấp, nhất là đường giao thông, thủy lợi, kho chứa muối… Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở NN&PTNT đề xuất với Bộ NN&PTNT hỗ trợ xây dựng Dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng và tổ chức lại các vùng sản xuất muối trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu.

Làm rõ thêm nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chia sẻ với những khó khăn, vất vả của những người làm nghề muối, nhất là hiện nay các làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, mất nghề bởi hai nguyên nhân: Sản xuất nhỏ, manh mún, diện tích sản xuất muối chất lượng cao phát triển chậm, năng suất hạn chế. Thu nhập của diêm dân rất thấp. “Làm sao để nâng thu nhập của người trực tiếp xuất ra muối là mong muốn rất chính đáng”. Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, cùng với các Nghị quyết của HĐND tỉnh, vừa qua UBND tỉnh cũng đã ban hành Đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030; trong đó, dành 100 tỷ đồng để thực hiện 1 trong 3 dự án thuộc Đề án để đầu tư nâng cấp hạ tầng nghề muối và kiên cố hóa hệ thống thủy lợi.

Cùng với đó là thực hiện 2 dự án: Dự án Tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại đồng muối, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến muối thông qua đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển giao ứng dụng, tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến muối; Dự án Phát triển liên kết trong sản xuất, chế biến muối giữa HTX với doanh nghiệp, xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển nghề sản xuất muối truyền thống gắn với du lịch. Sau khi triển khai thực hiện có hiệu quả 3 dự án này thì mới có thể giải quyết được hết khó khăn của người làm nghề muối. Đối với vấn đề hỗ trợ giá muối, để thực hiện việc này cần phải có chính sách, tuy nhiên theo quy định muối không phải là mặt hàng để có chính sách hỗ trợ giá.

Còn đối với vấn đề bao tiêu sản phẩm, qua báo cáo có 5 cơ sở chế biến muối, hằng năm thu mua 40.000 tấn muối thô cho bà con diêm dân (chiếm 77% sản lượng sản xuất); trong đó có khoảng 20.000 tấn muối tinh xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, khu vực Trung Đông. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ quan tâm để tổ chức, kết nối giữa diêm dân và doanh nghiệp sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Liên quan đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại các làng nghề làm muối, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết kinh phí thực hiện một phần từ Đề án của Bộ NN&PTNT, một phần giao cho Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh để thực hiện.

Cũng từ thực tiễn của địa phương, tham dự hội nghị gặp mặt, đối thoại này, Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương Phan Văn Dũng phản ánh: Tỉnh có chính sách hỗ trợ xi măng cho các xã về đích nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, chính sách này bộc lộ một số khó khăn như xi măng thường cung cấp chậm, nhiều nơi nhân dân lại dùng xi măng để hoán đổi sang bê tông tươi và nhiều nơi không nằm trong lộ trình về đích NTM hoặc NTM nâng cao nhưng nhân dân vẫn rất mong muốn được hỗ trợ xi măng để làm giao thông, thủy lợi. Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng đề xuất chính sách hỗ trợ xi măng nên áp dụng linh hoạt là có thể nhận bằng tiền và những xã không nằm trong lộ trình về đích vẫn được hỗ trợ để phát huy nội lực của nhân dân.

Cùng quan tâm đến nội dung xây dựng NTM, đồng chí Bùi Trọng Long, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Mã Thành, Yên Thành đề nghị việc thực hiện quy hoạch xây dựng NTM, cho xây dựng quy hoạch bổ sung phải đồng bộ; giao cho ngành chức năng tham mưu đơn vị tư vấn thiết kế phải có năng lực thực sự, phải sâu sát thực tế, không lạm dụng các thiết kế mẫu để áp đặt cho địa phương. Khi có bản thảo giao cho người đứng đầu từng địa phương phải tổ chức xin ý kiến góp ý của toàn dân ở từng địa phương cụ thể. Khi trình lên cấp trên phê duyệt phải được cán bộ chuyên môn thẩm định kiểm tra cụ thể để đạt tính khả thi cao nhất...

Hải Việt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nghe-an-nhieu-kho-khan-vuong-mac-tai-co-so-duoc-thao-go-thong-qua-doi-thoai-i702755/