Nghệ An, Hà Tĩnh khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt

Trong đêm 27 và sáng 28-9, nhiều địa phương tại Nghệ An, Hà Tĩnh nước đã rút dần, chính quyền địa phương và lực lượng Công an, Bộ đội đang phối hợp với các cơ quan đơn vị, nhà trường, người dân... khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt để người dân sớm ổn định cuộc sống, học sinh sớm trở lại trường.

Lực lượng chức năng, thầy cô, phụ huynh đang khắc phục hậu quả lũ lụt tại Trường Tiểu học Châu Thắng, huyện Quỳ Châu.

Bùn đất ngổn ngang trong lớp học

Tại Nghệ An, huyện Quỳ Châu là một trong những địa phương hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cơn lũ vừa qua. Theo ghi nhận, tại Trường Tiểu học Châu Thắng (Quỳ Châu) bùn đất ngổn ngang trong lớp học và sân trường, sách vở, bàn ghế bị hư hỏng, lấm lem bùn đất. Lớp bùn đất dày khoảng 30-50cm trong các phòng học, sân trường đang được các thầy cô giáo phối hợp với các lực lượng dọn dẹp. Cô Trần Thị Hằng- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Thắng cho biết, trường nằm ở vùng trũng thấp của xã nên những ngày qua, mưa lớn từ thượng nguồn đổ về đã làm ngập toàn bộ điểm trường, có nơi nước dâng tận nóc. Nước lũ đã làm ngập 11 phòng học, làm hư hỏng nhiều đồ dùng học tập, sách giáo khoa, ti-vi, máy tính của trường...

“Khi nước lũ dâng cao, học sinh của trường được thông báo nghỉ học để đảm bảo an toàn. Chiều 27-9, biết nước lũ lên cao, nhà trường đã huy động người kê cao đồ đạc tuy nhiên, do nước về quá nhanh nên chỉ trong chốc lát đã dâng tới 3-4m.Nước lũ làm toàn bộ đồ đạc, tài sản, trang thiết bị của trường bị nhấn chìm và hư hỏng, thiệt hại ước tính hơn 2 tỷ đồng", cô Trần Thị Hằng chia sẻ.

Cũng theo cô Hằng, hiện tại toàn bộ sách giáo khoa các em học sinh đã hư hỏng, ti-vi không thể sử dụng và công tác giảng dạy sau lũ là rất khó khăn, vất vả. Số sách hỏng dù được vớt lên, rửa qua nhưng dính đầy bùn đất và ướt nhẹp. Hiện nhà trường cần nhất là sách giáo khoa, dụng cụ học tập, ti-vi để kịp thời phục vụ cho công tác giảng dạy sắp tới.

Nằm ở khu vực cao hơn nên Trường THPT Quỳ Châu đỡ thiệt hại hơn, sách vở, đồ dùng trong trường cơ bản được đảm bảo, nhà trường chỉ thiệt hại một đoạn tường rào bị đổ vỡ. Tuy nhiên, trường có hơn 1.100 học sinh đang ở trọ. Trận lũ bất ngờ vừa qua khiến nhiều học sinh rơi vào khó khăn khi toàn bộ tài sản, đồ dùng học tập đã bị hư hỏng và trôi theo nước lũ. Khoảng 300 học sinh bị mất toàn bộ sách vở, quần áo, đồ dùng cá nhân. 7 xe máy điện, 72 quạt điện; 96 bếp ga và 7 điện thoại trôi theo dòng nước.

Nhiều sách vở, đồ dùng học tập của học sinh bị hư hỏng nặng.

Thầy Cao Thanh Lưu- Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Châu cho biết, sáng ngày 28-9, lũ lụt trên địa bàn thị trấn đã rút, nhà trường phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội… tiến hành khắc phục hậu quả. Riêng những em học sinh ở trọ trong nhà dân bị ngập, ướt hết sách vở, tư trang hiện đang ở trong các phòng của trường, một số đã được phụ huynh đón về nhà. Nhà trường đang kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân quyên góp sách vở cho các em để tiếp tục học tập.

Theo báo cáo của UBND huyện Quỳ Châu, trận lụt vừa qua, huyện có hơn 1.200 ngôi nhà bị ngập sâu 1 - 5m. Hơn 5.000 người phải di dời, sơ tán. Hiện tại địa phương có 1 trường hợp (trú bản Hoa Tiến 1, xã Châu Tiến) đang bị mất liên lạc. Ngay sau khi nước rút, chiều ngày 27-9 và sáng 28-9, Công an huyện Quỳ Châu, Quân đội, đoàn thanh niên… được huy động giúp người dân khắc phục thiệt hại sau mưa lũ. Trong đó tập trung dọn dẹp vệ sinh các trường học cho học sinh sớm đến trường, các gia đình neo đơn, người già, trẻ em.... nhằm sớm ổn cuộc sống.

Lực lượng chức năng phối hợp với người dân khắc phục hậu quả đê kè ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở

Mưa lớn nhiều ngày qua tại Hà Tĩnh đã khiến cho một số địa bàn ngập úng, sạt lở nghiêm trọng. Theo đó, mưa lớn trong nhiều ngày qua đã gây ngập 287 vườn nhà dân, 21 ha bưởi Phúc Trạch, chia cắt 8 hội quán thôn của huyện Hương Khê. Nhiều tuyến đường giao thông, công trình cầu, cống bị sạt lở, hư hỏng; 6 hộ dân ở 2 xã Hương Lâm, Hương Thủy phải di dời đến nơi an toàn. Huyện Hương Khê đã nhanh chóng triển khai lực lượng xung kích phòng chống thiên tai kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân. Với các tuyến đường, ngầm tràn bị ngập, chính quyền địa phương cũng lắp đặt biển cảnh báo, cắt cử người canh gác không để người dân đi qua.

Từ trưa ngày 27-9, khi mưa giảm, nước rút, huyện Hương Khê đã phối hợp với các lực lượng tiến hành dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Bên cạnh đó, tại huyện Cẩm Xuyên, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, trên tuyến đường quốc phòng ven biển qua xã Cẩm Lĩnh cũng bị sạt lở mái ta-luy dương với 200m3 đất đá tràn xuống đường.

Ngoài ra, trong sáng 28-9, mặc dù thời tiết có mưa, nhưng vì tính cấp bách, chính quyền xã Cẩm Nhượng đã huy động hơn 200 người dân là cán bộ UBND xã, lực lượng dân quân tự vệ, người dân thôn Hải Nam và cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Thiên Cầm cùng hơn 50 khối đá gia cố đoạn kè bị hư hỏng. Công tác gia cố được triển khai gấp rút để hoàn thành trong buổi vì thủy triều lên.

Công an huyện Quỳ Châu giúp người dân khắc phục hậu quả.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà thông tin, do tuyến đường này ít người qua lại nên địa phương đã đặt biển cảnh báo và chờ thời tiết khô ráo mới dời dọn số đất, đá tràn xuống đường. Bên cạnh đó, gió to, sóng lớn cũng khiến khu vực kè biển ở xã Cẩm Nhượng xuất hiện điểm sạt lở mới với diện tích 40m2. Huyện đã tiến hành gia cố tạm thời, hạn chế khu vực sạt lở bị lan rộng. “Địa phương đang tính toán phương án xử lý đảm bảo an toàn cho tuyến kè biển Cẩm Nhượng. Trường hợp chỉ có mưa thì điểm sạt lở không quá đáng ngại nhưng nếu có bão hoặc áp thấp nhiệt đới gây sóng to, gió lớn, điểm sạt lở có thể thêm nghiêm trọng”, ông Lê Ngọc Hà cho thiết thêm.

Dương Hóa – Xuân Sơn

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự, tính đến ngày 28-9, tỉnh Nghệ An đã có hơn 1.700 nhà dân bị ngập, 927 nhà bị cô lập, 6 nhà bị sập hoàn toàn, hàng trăm con gia súc bị cuốn trôi, hàng nghìn con gia cầm bị chết… Nghệ An hiện có hơn 1.000 hồ đập thủy lợi, các công trình hồ đập đang được địa phương vận hành theo phương án phòng chống thiên tai đã được lập và phê duyệt. Trên địa bàn tỉnh hiện có 22 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác.

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nghe-an-ha-tinh-khan-truong-khac-phuc-hau-qua-lu-lut-post284145.html