Nghệ An: Dạy nghề phổ thông cần thêm sự đầu tư

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nghề phổ thông là môn học tự chọn ở các trường trung học cơ sở (gồm 70 tiết) và trung tâm giáo dục thường xuyên; là môn học bắt buộc ở trường trung học phổ thông (gồm 105 tiết).

(GD&TĐ) - Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nghề phổ thông là môn học tự chọn ở các trường trung học cơ sở (gồm 70 tiết) và trung tâm giáo dục thường xuyên; là môn học bắt buộc ở trường trung học phổ thông (gồm 105 tiết).

Mục tiêu của dạy nghề phổ thông là giáo dục cho học sinh hiểu một số kiến thức cơ bản về công cụ, kỹ thuật, quy trình công nghệ và về an toàn lao động, vệ sinh môi trường đối với một nghề phổ thông đã học; hình thành cho học sinh một số kỹ năng sử dụng công cụ, kỹ năng thực hành kỹ thuật theo quy trình công nghệ để làm ra sản phẩm; phát triển hứng thú kỹ thuật và nhu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng vào lao động, thói quen làm việc có kế hoạch, tuân thủ quy trình kỹ thuật và bảo đảm an toàn lao động, bước đầu có tác phong công nghiệp, giữ gìn vệ sinh môi trường, có ý thức tìm hiểu và lựa chọn nghề của học sinh.

Học sinh Trường THPT Lê Viết Thuật với nghề Tin học văn phòng

Nhận thức đúng nội dung trên, trong những năm qua, các cấp quản lý giáo dục và đào tạo ở Nghệ An đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch “Hoạt động giáo dục nghề phổ thông” và tạo điều kiện thực hiện tốt kế hoạch đó. Thực tế đã có nhiều trường tổ chức tương đối tốt việc dạy nghề phổ thông cho học sinh. Theo thống kê qua duyệt kế hoạch và kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An: Năm học 2010-2011, các trường THCS trong tỉnh đã dạy cho học sinh 11 nghề (Cắt may, Đan len, Thêu tay, Cắm hoa, Chụp ảnh, Nấu ăn, Làm vườn, Trồng lúa, Nôi cá, Điện dân dụng, Tin học văn phòng), các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp đã dạy cho học sinh 12 nghề (Cắt may, Đan len, Thêu tay, Cắm hoa, Chụp ảnh, Nấu ăn, Làm vườn, Trồng rừng, Điện dân dụng, Sửa chữa xe máy, Tin học văn phòng, Vẽ kỹ thuật). Cuối tháng 3 năm 2011, Sở đã tổ chức cho các em thi ở 23 nghề được học và đã cấp Giấy chứng nhận nghề phổ thông cho 44.983 học sinh THCS, 39.320 học sinh THPT. Năm học 2011-2012, có 16/20 phòng GD&ĐT (trừ: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong ) chỉ đạo các trường THCS dạy nghề phổ thông cho 46.196 học sinh; 91/91 trường THPT (kể cả THPT Chuyên thuộc Đại học Vinh) và 17/20 trung tâm GDTX (trừ các trung tâm: Nghi Lộc, Con Cuông, Quế Phong) thực hiện dạy nghề phổ thông cho 41.655 học sinh. Năm học này, học sinh các trường THCS được chọn học 01 trong 7 nghề (Cắt may, Nấu ăn, Làm vườn, Trồng lúa, Nuôi cá, Điện dân dụng, Tin học văn phòng), học sinh các trường THPT, trung tâm GDTX được chọn học 01 trong 08 nghề (Cắt may, Cắm hoa, Nấu ăn, Làm vườn, Trồng rừng, Điện dân dụng, Tin học văn phòng, Vẽ kỹ thuật).

Ông Võ Văn Mai, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An nhận xét: Qua việc tổ chức kiểm tra chéo, tính đến ngày 15/3, tất cả các đơn vị có dạy nghề phổ thông đã hoàn thành chương trình, đảm bảo đủ điều kiện để các em đã học nghề phổ thông được dự thi Nghề phổ thông. Trong các ngày từ 30/3 đến 04/4/2012, Sở tổ chức cho 87.000 học sinh THCS và THPT dự thi ở 14 nghề (riêng nghề Cắt may do Trung tâm GDTX Tương Dương dạy, chưa đăng ký dự thi trong năm nay). Bên cạnh những cố gắng mà các đơn vị đã làm được, trong việc dạy nghề phổ thông vẫn còn nhiều tồn tại, nhất là việc quản lý chuyên môn: kế hoạch dạy một số nghề như Điện dân dụng, Tin học văn phòng không rõ ràng; việc thực hành chưa được tổ chức đầy đủ; một số giáo viên không có lịch báo giảng, không theo dõi việc học tập của học sinh, không thể hiện rõ việc thực hiện chương trình qua sổ đầu bài,…Thực tế, một bộ phận cán bộ quản lý các nhà trường nhận thức về bộ môn Nghề phổ thông còn phiến diện, nên đã xẩy ra hiện tượng cử giáo viên không tham gia dạy nghề phổ thông, không có chuyên môn về nghề phổ thông đi chấm thi Nghề phổ thông trong kỳ thi năm 2011.

Trao đổi với phóng viên, nhiều Hiệu trưởng trường THPT cho rằng, việc dạy nghề phổ thông trong nhà trường hiện đang có nhiều bất cập. Các tr¬¬ường không có biên chế giáo viên dạy nghề phổ thông. Việc dạy nghề phổ thông thường được giao cho giáo viên dạy các môn khác nên chất lượng không thể cao được. Chẳng hạn: giáo viên vật lý thì dạy nghề Điện dân dụng, giáo viên sinh vật thì dạy nghề Làm vư¬¬ờn hay nghề Trồng rừng, giáo viên tin học thì dạy nghề Tin học văn phòng, giáo viên họa thì dạy nghề Cắm hoa,... Mà như thế đã là may, có trường lại xem thầy cô nào, bất kể dạy môn gì, nếu chư¬¬a dạy đủ số tiết theo quy định của bộ môn đó là phân thêm việc dạy nghề phổ thông. Điều kiện để thực hành dạy nghề phổ thông của các nhà trường lại hết sức thiếu thốn. Và thế là việc dạy nghề phổ thông chỉ “lý thuyết suông”, còn thực hành thì đành phải “cưỡi ngựa xem hoa”. Thực tế, dù có cố gắng, trong điều kiện hiện nay, các trường cũng không thể nào xây dựng được (dù là ở mức tối thiểu) cơ sở vật chất để học sinh thực hành nghề phổ thông - đây chính là lý do cơ bản mà các trường không thể tổ chức dạy các nghề như: Cơ khí, Gò hàn, Điện tử dân dụng, Điện lạnh; rất ít trường dạy các nghề: Điện dân dụng, Sửa chữa xe máy, …. Và chính điều này mà các em học sinh không thể lựa chọn để học nghề phù hợp với bản thân và gia đình mình, ngược lại, nhiều em phải học nghề mà mình không mong muốn. Có Hiệu trưởng thẳng thắn: Hiện nay dạy nghề phổ thông trong nhà trường chỉ là hình thức, biết vậy nhưng trường vẫn phải làm, thầy vẫn phải dạy, học sinh vẫn phải học, dạy và học không phải theo mục tiêu quy định, mà chủ yếu là để các em có chứng chỉ nghề để được cộng điểm trong các kỳ thi cuối năm; vì Bộ GD&ĐT quy định “Giấy chứng nhận nghề phổ thông của học sinh được cấp ở cấp học nào thì được bảo lưu trong cấp học đó để hưởng chế độ khuyến khích khi xét công nhận tốt nghiệp THCS, tuyển sinh THPT, thi tốt nghiệp THPT”.

Có thể nói rằng, dù gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực, vật lực và tài lực, nhưng các nhà trường ở Nghệ An đã hết sức cố gắng, mỗi năm đảm bảo dạy nghề phổ thông cho trên 80 ngàn học sinh THCS và THPT. Song thực tế, chất lượng của dạy nghề phổ thông trong các nhà trường từ trước đến nay còn cách quá xa so với mục tiêu mà Bộ GD&ĐT đề ra; đó là chưa nói đến kỳ vọng của các cấp quản lý giáo dục: Hoạt động dạy nghề phổ thông cùng với hoạt động giáo dục hư¬¬ớng nghiệp sẽ giúp học sinh có thêm hành trang vào đời, góp phần phân luồng học sinh cuối các cấp trung học, chuẩn bị cho học sinh lớp 9 vào học THPT, giúp học sinh lớp 12 lựa chọn ngành nghề, trường học cho tương lai. Nguyên nhân của thực tế trên, một mặt là do các cơ quan quản lý dục và đào tạo, do các nhà trường chưa làm hết trách nhiệm của mình; mặt khác cũng phải thẳng thắn mà nói rằng: Nhà nước đang khoán trắng cho ngành giáo dục và đào tạo tự bơi để đến với mục tiêu của dạy nghề phổ thông chứ chưa hề có sự chỉ đạo, đầu tư đúng mức, thích đáng.

Để dạy nghề phổ thông không hình thức và mang lại hiệu quả thiết thực cho học sinh đúng như mục tiêu đã đề ra của môn học, thiết nghĩ Nhà nước, đặc biệt là UBND tỉnh cần có cơ chế đầu tư cho nhà trường, bao gồm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ dạy nghề phổ thông (nhất là điều kiện để học sinh thực hành); đầu tư việc tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ dạy nghề phổ thông cho giáo viên bộ môn khác trong điều kiện không có định biên, không có giáo viên dạy nghề phổ thông như hiện nay; đầu tư biên soạn tài liệu giảng dạy nghề phổ thông, nhất là việc biên soạn tài liệu giảng dạy nghề truyền thống và nghề có xu hướng phát triển mạnh của địa phương. Đối với các cơ quan quản lý giáo dục, ngoài việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch, chương trình “Hoạt động giáo dục nghề phổ thông”, cần có giải pháp để nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các nhà trường về vai trò, mục tiêu của môn học Nghề phổ thông, đồng thời tăng cường kiểm tra để việc dạy nghề phổ thông được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định ở mọi nhà trường; sớm chấm dứt tình trạng “thích thì làm, không thích thì thôi”.

Minh Đức

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2762/201204/Nghe-An-Day-nghe-pho-thong-can-them-su-dau-tu-1960365/