Nghệ An: Dân thiếu nước sạch vì nhà máy nước cũ hỏng không có tiền nâng cấp

Nhà máy nước sạch được đầu tư từ ngân sách và nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, nhưng xã không có người có chuyên môn vận hành nên cũ, hỏng. Muốn giao cho doanh nghiệp tư nhân lại không được. Trong khi dân thiếu nước sạch trầm trọng.

Năm 2004, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), được đầu tư xây dựng 1 nhà máy cấp nước sạch để cung cấp nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho nhân dân.

Nhà máy nước sạch Thọ Thành. (Ảnh: Hoàng Tùng)

Nhà máy nước sạch, ban đầu có quy mô thiết kế cấp nước cho 419 hộ gia đình, tương đương 1.680 người của 3 xóm dân cư, với mức sử dụng nước 60 lít/người/ngày và một số đơn vị hành chính, sự nghiệp của trung tâm xã. Giá trị đầu tư thời điểm đó khoảng hơn 2,5 tỷ đồng, trong đó, địa phương phải đối ứng khoảng 40%.

Trải qua nhiều giai đoạn nâng cấp, cải tạo, công trình đã đấu nối mở rộng sử dụng cho hơn 1.600 hộ gia đình toàn xã, tăng thêm gần 1.200 hộ so với quy mô thiết kế cấp nước (tăng trên 300%) ban đầu đã được đầu tư.

Do xã không có người có chuyên môn để vận hành nhà máy nên từ sau khi đi vào hoạt động đến nay, UBND xã Thọ Thành đã giao cho nhiều cá nhân, đơn vị ngoài Nhà nước quản lý, vận hành theo kiểu giao khoán. Những cá nhân này cũng không có chuyên môn nhiều nên thua lỗ, thu không đủ chi.

Đặc biệt, có thời điểm cá nhân nhận khoán đã không đảm bảo việc chi trả tiền khoán cho địa phương, nợ tiền kéo dài lên đến hơn 370 triệu đồng, phải nhờ Tòa án can thiệp.

Tháng 5/2018, UBND xã Thọ Thành đã hợp đồng giao khoán cho Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Hùng Dũng (có địa chỉ đăng ký hoạt động tại huyện Diễn Châu), quản lý và vận hành.

Ban đầu, số tiền nhận khoán mà đơn vị này phải nộp cho chính quyền địa phương là 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên do hao phí quá nhiều vì máy móc cũ hỏng, sau đó đã giảm xuống còn 5 triệu đồng/tháng, cho đến nay.

Công trình xuống cấp nhưng không có tiền đầu tư.

Việc địa phương giao khoán công trình cho doanh nghiệp tiến hành quản lý, vận hành khi chưa có quyết định của UBND tỉnh là không đúng thẩm quyền, không đảm bảo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên do tính cấp thiết của nhu cầu sử dụng nên UBND xã Thọ Thành vẫn phải bàn giao cho doanh nghiệp vận hành để có nước cho nhân dân sử dụng.

Đến nay, công trình cấp nước này đã không còn đảm bảo được việc vận hành cấp nước cho quy mô hiện tại, hệ thống xuống cấp, mất nước cục bộ và hư hỏng nặng sau 18 năm hoạt động.

Và việc mở rộng quy mô cấp nước lên hơn 1.600 hộ so với quy mô 419 hộ ban đầu (Vẫn chỉ mới 80% hộ dân được dùng nước sạch, còn lại phải dùng nước mưa), thể tích hồ chứa nước thô quá nhỏ khoảng 2.000m3 chỉ đủ sử dụng cho 2 ngày/18 ngày đóng nước.

Việc mở rộng quy mô cấp nước không đồng thời với thay thế, nâng cấp, sửa chữa, bảo dưỡng mạng cấp nước (mạng truyền tải, mạng phân phối) để đảm bảo lưu lượng truyền tải nước sạch. Chính điều này đã khiến cho tỷ lệ thất thoát nước trên mạng lưới là rất lớn, nhiều xóm ở cuối đường ống đã không có nước sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Hà, một người dân ở cuối đường ống, buồn bã: “Không có nước sử dụng chú ạ. Bà con phải ăn nước mưa, còn nước sinh hoạt thì lọc mấy cũng không sạch, nhưng không có cũng phải dùng”.

Ông Võ Thành Đồng, Chủ tịch UBND xã Thọ Thành cho biết: Sau khi nhà máy nước được hoàn thành, do địa phương không có đủ nhân lực để vận hành, quản lý nên đã hợp đồng giao khoán với một số cá nhân, đơn vị trên địa bàn.

Tuy nhiên, do năng lực, kinh nghiệm tổ chức quản lý vận hành, khai thác hạn chế, nên nhiều cá nhân, đơn vị đã vận hành không hiệu quả, gây thất thoát lớn, thậm chí còn nợ tiền giao khoán của địa phương.

Đến tháng 5/2018, UBND xã hợp đồng giao khoán với Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Hùng Dũng và doanh nghiệp này đã bỏ kinh phí để đầu tư xây mới một số hạng mục và nâng cấp, cải tạo vẫn không đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ hiện tại.

“Xã cũng đã nhiều lần xin ý kiến chỉ đạo của huyện nhưng chưa được chỉ đạo. Không bàn giao được thì doanh nghiệp không dám đầu tư tiếp. Hiện tại họ đã đầu tư 5-6 tỉ đồng rồi mà vẫn không đủ nước cho dân sử dụng.

Rất mong được tỉnh, huyện quan tâm cho xã được bàn giao cho doanh nghiệp thì dân mới có nước sạch hợp vệ sinh để sử dụng. Vùng đất này nước giếng đào và giếng khoan không sử dụng được”.

Hoàng Tùng

Dân sinh

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/nghe-an-dan-thieu-nuoc-sach-vi-nha-may-nuoc-cu-hong-khong-co-tien-nang-cap-20240321085915840.htm