Nghệ An có 5 vùng nuôi tôm đủ tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP

Đến nay, Nghệ An là tỉnh duy nhất trong cả nước xây dựng được 5 vùng nuôi tôm đủ tiêu chuẩn chứng nhận vùng nuôi tôm VietGAP. Phú Hương

x110;ến nay, Nghệ An là tỉnh duy nhất trong cả nước xây dựng được 5 vùng nuôi tôm đủ tiêu chuẩn chứng nhận vùng nuôi tôm VietGAP.

Sáng 2/8, tại thị xã Cửa Lò, Sở NN&PTNT tỉnh đã tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả 5 năm triển khai xây dựng các vùng nuôi tôm áp dụng VietGAP và trao giấy chứng nhận những vùng nuôi tôm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đồng chí Trần Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Trưởng Ban quản lý Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững chủ trì hội nghị.

Sau 5 năm triển khai xây dựng các vùng nuôi tôm VietGAP theo Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững do Ngân hàng Thế giới và Bộ NN&PTNT hỗ trợ, đến nay Nghệ An là tỉnh duy nhất trong cả nước đã xây dựng được 5 vùng nuôi đủ tiêu chuẩn chứng nhận vùng nuôi tôm VietGAP (trong tổng số 7 vùng nuôi được chọn xây dựng) ở 3 huyện, thị là Quỳnh Lưu, Diễn Châu và TX Hoàng Mai gồm: Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh, Quỳnh Xuân, Quỳnh Lương và Diễn Trung. Đầu năm 2017, vùng GAP7 - Quỳnh Dị được thành lập, hoạt động và đang tiếp tục làm các thủ tục để được nâng cấp.

Tại 7 vùng nuôi tôm an toàn sinh học, đã thành lập được 12 tổ cộng đồng nuôi tôm. Ngoài sự hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, 100% hộ nông dân trong tổ cộng đồng còn được đào tạo kiến thức về VietGAP, được tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi tiến bộ, kỹ thuật nuôi tôm không sử dụng kháng sinh, hạn chế sử dụng kháng sinh do Sở NN&PTNT ban hành. Theo đánh giá chung, tại các vùng nuôi an toàn sinh học đã hạn chế tốt việc xả thải bùn thải, nước có mầm bệnh chưa xử lý ra môi trường chung.

Kết quả lớn nhất là các hộ nuôi trồng đã từng bước chuyển đổi quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp kiểm soát chất lượng nhất là vấn đề ATVSTP; hệ thống cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi được nâng cấp giúp người dân chủ động hơn trong quá trình nuôi cũng như giúp đảm bảo vệ sinh ATTP. Trình độ và nhận thức người dân trong tổ cộng đồng được nâng cao, có 97% hộ nuôi sử dụng con giống có chất lượng.

Nuôi tôm VietGAP ở Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu. Ảnh: P.H

Nuôi tôm VietGAP ở Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu. Ảnh: P.H

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã chia sẻ một số kinh nghiệm để tiếp tục xây dựng các vùng nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGap. Đó là lựa chọn được vùng nuôi phù hợp, chú trọng công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho nông dân. Đặc biệt, cần sự quan tâm, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương.

Kết luận hội thảo, đồng chí Trần Hữu Tiến yêu cầu: Các cơ quan quản lý cần hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở, vùng nuôi áp dụng Quy phạm thực hành Nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP); tiếp tục hỗ trợ các mô hình nuôi tiên tiến, công nghệ nuôi mới đảm bảo ATTP, tăng cường tập huấn. Chính quyền các địa phương cần thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các vùng nuôi thực hiện đúng quy định của nhà nước, hỗ trợ kịp thời khi có diễn biến xảy ra.

Các vùng nuôi và các hộ nuôi phải thực hiện tốt các tiêu chí, kế hoạch của tổ đã đề ra; liên kết nhóm để mua giống, vật tư; giám sát nghiêm việc xử lý nước, bùn thải trước khi xả thải ra môi trường; đồng thời nâng cao trách nhiệm bản thân, chấp hành tốt quy trình nuôi như con giống đảm bảo chất lượng, thả nuôi đúng lịch thời vụ, khai báo và xử lý khi dịch bệnh xảy ra./.

Phú Hương

TIN LIÊN QUAN

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/kinh-te/201708/nghe-an-co-5-vung-nuoi-tom-du-tieu-chuan-chung-nhan-vietgap-2830975/