Nghệ An: Chính sách hoạt động biên giới “chưa thông”

(HQ Online)- Theo phản ánh của Cục Hải quan Nghệ An, sau hơn 3 tháng Quyết định 52/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới (gọi tắt là Quyết định 52) và gần 2 tháng Thông tư 52/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết hoạt động này (gọi tắt là Thông tư 52) đi vào thực hiện trong thực tế, nhiều vướng mắc liên quan đến chính sách, điều kiện hoạt động của cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn “chưa thông”.

CBCC Hải quan Nậm Cắn phối hợp lực lượng Biên phòng kiểm tra hàng hóa XNK. (Ảnh: H.Nụ)

Điều kiện chưa đảm bảo

Theo thống kê mỗi năm nguồn thu từ thuế XNK qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh Nghệ An trung bình đạt gần 100 tỷ đồng. Cũng theo thống kê của UBND tỉnh Nghệ An thì hiện nay trên địa bàn có 36 DN được cấp giấy phép NK hàng hóa năm 2014 còn thời hạn đến 31-12-2016. 37 DN được cấp giấy phép NK hàng hóa năm 2015 và tháng 1-2016 còn hạn NK đến 31-12-2017.

Theo Cục Hải quan Nghệ An, mặc dù UBND tỉnh đã công bố danh sách thương nhân được thực hiện hoạt động thương mại biên giới nhưng đến nay vẫn chưa công bố Danh mục mặt hàng XK, NK nên vẫn còn vướng về quy định này. Cũng theo Hải quan Nghệ An, về điều kiện cửa khẩu phụ, lối mở đáp ứng theo Thông tư 52 cũng đang tồn tại một số khó khăn, trong đó một số bãi tập kết nằm ngoài và cách xa khu vực cửa khẩu. Do đó, để áp dụng đăng ký tờ khai NK một lần đối với mặt hàng gỗ NK theo quy định tại Khoản 8, Điều 25 Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Khoản 2, Điều 93 Thông tư 38/2015/TT-BTC hiện Hải quan Nghệ An vẫn phải tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa ngay tại khu vực cửa khẩu phụ, lối mở theo từng đợt giao hàng.

Cụ thể, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn được giao phụ trách thực hiện các hoạt động XNK tại cửa khẩu phụ Tam Hợp và 5 lối mở (Xiềng Trên, Na Ngoi, Mỹ Lý, Tha Đo, Keng Đu) và tại cửa khẩu phụ, lối mở trên chỉ phát sinh loại hình NK cho mặt hàng gỗ. Trong khi đó, hầu hết cửa khẩu phụ, lối mở trên đều xa trụ sở Chi cục từ 100 km trở lên, đường đất, trời mưa đi lại khó khăn. Hiện nay ngành Hải quan đang thực hiện cải cách thủ tục hành chính, các DN mở tờ khai trên hệ thống VNACCS/VCIS, trong khi đó, tại cửa khẩu phụ, lối mở mà Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn quản lý lại không có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo quản lý theo quy định nhà nước như: Trụ sở làm việc, nhà ở và làm việc của lực lượng Hải quan và Kiểm dịch; Chưa đủ điều kiện đảm bảo quản lý nhà nước về công tác hải quan như: Chưa có khu vực kiểm tra, kiểm soát, giám sát, khu vực kho, bãi tập kết hàng hóa, đường giao thông, trang thiết bị (máy tính, điện, mạng) nên khi mở tờ khai DN phải về trụ sở Chi cục để làm và khi kiểm tra, giám sát hàng hóa CBCC phải di chuyển tới cửa khẩu phụ, lối mở trên để thực hiện. Điều này đang gây khó khăn cho cơ quan quản lý cũng như làm tăng thời gian, chí phí cho DN khi thực hiện công tác này.

Về vấn đề này, ông Lê Xuân Đại, Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An cho biết, kể từ năm 2009, thực hiện quy định của Bộ Công Thương về XNK hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nằm ngoài các KKT cửa khẩu được quy định tại Thông tư 13/2009/TT-BCT, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các ngành chức năng rà soát lại các hệ thống cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trên địa bàn, lập quy hoạch, xác định phạm vi khu vực cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, đầu tư một số hạng mục công trình, tổ chức bộ máy để đảm bảo phục vụ cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát và thực hiện hoạt động XNK hàng hóa từ Lào về Việt Nam, phục vụ nhu cầu của nhân dân và DN. Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An thừa nhận, do điều kiện kinh phí còn hạn hẹp nên việc xây dựng các hạng mục công trình tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới chưa được đầy đủ theo yêu cầu.

Để đảm bảo hoạt động được diễn ra thông suốt, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương khắc phục khó khăn, tạo điều kiện cho hoạt động XNK diễn ra thuận lợi, đúng trình tự thủ tục theo quy định, đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách.

Cần chính sách linh hoạt

Theo ông Chu Quang Luân, Cục trưởng Cục Hải quan Nghệ An, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị làm việc, hệ thống đường sá, nhà làm việc của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu phụ, lối mở trên địa bàn tỉnh Nghệ An đáp ứng điều kiện theo Khoản 2, Điều 7, Quyết định 52 đang gặp khó khăn bởi do địa hình hiểm trở, nguồn lực tài chính có hạn, nếu được triển khai xây dựng cũng phải mất từ 1 đến 2 năm. Trong khi đó, hoạt động thương mại biên giới là thường xuyên liên tục, các thương nhân Việt Nam đã ký kết hợp đồng thương mại và đối tác nước ngoài khi thực hiện Thông tư 13/2009/TT-BCT theo chỉ tiêu NK được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép đến thời điểm này vẫn còn số lượng gỗ tồn đọng lớn. Nếu không cho phép các thương nhân NK gỗ thì sẽ dẫn đến các thiệt hại về kinh tế cho các DN.

Để hoạt động XNK theo diện mua bán qua biên giới được diễn ra thuận lợi, theo Hải quan Nghệ An, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị làm việc, hệ thống đường sá, nhà làm việc của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu phụ, lối mở trên địa bàn tỉnh Nghệ An cần phải xem xét lại nếu không đáp ứng đủ điều kiện theo Thông tư 52/2015/TT-BCT thì tạm thời dừng hoạt động XNK hàng hóa hoặc báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương đồng ý vừa xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng vừa cho hoạt động XNK qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo công văn 107/BCĐ-TMBG ngày 6-1-2016 của Ban Chỉ đạo thương mại biên giới Trung ương. Đồng thời, cần báo cáo Thủ tướng cho phép các DN đầu tư xây dựng các bãi tập kết xa khu vực cửa khẩu, lối mở để tránh ùn tắc, làm mất an ninh trật tư tại khu vực cửa khẩu biên giới.

Hải quan Nghệ An cũng đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cần chỉ đạo các ngành chức năng: Xây dựng; Tài nguyên Môi trường, Biên phòng, Giao thông vận tải, UBND các huyện liên quan huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng nhà làm việc, cơ sở hạ tậng, bãi tập kết tại các cửa khẩu phụ, lối mở; đầu tư xây dựng đường giao thông đáp ứng đủ điều kiện hoạt động thương mại biên giới theo quy định của Chính phủ. Do đó, Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh, các ngành chức năng cần phải có chính sách linh hoạt, đồng bộ để hoạt động này đạt hiệu quả thiết thực.

Nhấn mạnh về vấn đề này, ông Lê Xuân Đại cho biết, để thực hiện theo Thông tư 52, đơn vị đã giao các ngành chức năng rà soát lại thực trạng hệ thống các cửa khẩu phụ, lối mở trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó đối chiếu với các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở hạ tầng của cửa khẩu phụ, lối mở để tham mưu UBND tỉnh có phương án đầu tư, xây dựng, hoàn thiện các hạng mục công trình đảm bảo đúng quy định. Tuy nhiên, UBND tỉnh Nghệ An lại cho rằng, việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, cơ sở hạ tầng theo đúng yêu cầu cần nguồn vốn lớn và thời gian thực hiện dài, trong khi đó nhu cầu XNK hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở trên địa bàn tỉnh là rất bức thiết, nhất là đối với các DN đang tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký với các DN Lào. UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, sẽ có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng bố trí đủ nhân lực đảm bảo hoạt động XNK hàng hóa, giám sát chặt chẽ quá trình vận chuyển hàng hóa NK từ biên giới vào sâu trong nội địa và hàng hóa XK từ nội địa qua biên giới, đồng thời khẩn trương xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu phụ, lối mở trong thời gian sớm nhất.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nghe-an-chinh-sach-hoat-dong-bien-gioi-chua-thong.aspx