Ngày Xuân nhớ đến mấy bạn nước ngoài tha thiết với Việt Nam

Tôi diễm phúc có một vài người bạn nước ngoài thiết tha với mình, da vàng mũi tẹt. Có lẽ tôi được hưởng chút cảm tình của nhân dân thế giới dành cho người Việt Nam chân đất đánh Pháp, Mỹ.

Ảnh minh họa.

Bạn nước ngoài hàng đầu có Chiến sĩ (Erwin Borcher), Françoise Corrèze, Lady Borton, Borje Lunggren. Họ giúp đỡ tôi về vật chất (nhất là sách xuất bản từ phương Tây), họ thương dân mình quá nghèo mà tốt, dũng cảm.

Chiến sĩ: (hơn tôi dăm tuổi), là một trí thức dân chủ Đức, anh đang học tiếp đại học ở Pháp khi phát-xít Hitler khởi chiến. Để khỏi bị Pháp bắt, anh xin làm lính đội Lê Dương (Légionnaire) Pháp và bị đưa sang thuộc địa Pháp là Việt Nam, ở Việt Trì. Ông Trường Chinh hoạt động bí mật biết anh là trí thức dân chủ, giác ngộ anh bí mật tham gia Việt Minh từ đầu những năm 1940 và anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Anh đi kháng chiến với ta, ở An toàn khu Việt Bắc, phụ trách công tác vận động lính Lê Dương Đức ta bắt được (khoảng hơn 600). Do có công địch vận, anh được phong chức Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954) địch chiếm Liên khu 3, tôi hoạt động ở Liên khu Việt Bắc từ 1950, làm nhiệm vụ Trưởng Ban Giáo dục Tù hàng binh Âu-Phi (thuộc Cục Địch vận của quân đội nhân dân Việt Nam). Do đó, tôi gặp và làm việc cùng Chiến sĩ, trở thành đôi bạn, nhất là cùng là nhà báo. Anh là chủ bút tờ báo địch vận Chiến hữu (tiếng Đức: Waffenbrüder) và tiếng Pháp (Frères d’armes). Tôi học được ở anh tiếng Đức và văn hóa Đức. Anh làm chủ hôn cho tôi ở Chiến khu. Về Hà Nội sau 1954, anh làm đại diện cho Thông tấn xã Đông Đức (ADN).

Chiến sĩ mất đã lâu. Sau khi trở về Đức vẫn làm cho Thông tấn xã Đông Đức. Nhớ đến anh là nhớ đến ánh mắt và nụ cười hiền hậu của anh, nhớ đến những năm tháng gian khổ anh sống cùng gia đình trong núi rừng Việt Bắc. Một con người hiền lành, hiểu biết rộng, rất tử tế. Anh có một người vợ Việt Nam là con một ông đồ, vẫn giữ răng nhuộm đen, theo anh về Đức cùng các con. Vợ chồng nói với nhau bằng tiếng Pháp, vì vợ anh nói được ít nhiều tiếng Pháp, không nói tiếng Đức.

Françoise Corrèze (Juliette Bacot), tiến sĩ dân tộc học, nhà thơ (hơn tôi mấy tuổi). Khi còn trẻ rất xinh, là đảng viên Cộng sản Pháp. Chị đấu tranh cho các dân tộc thuộc địa từ khi lớn lên. Thời sinh viên, chị yêu một anh sinh viên Việt Nam và hai người bí mật đấu tranh chống phát - xít Đức chiếm nửa nước Pháp. Chị luôn có trong túi ống thuốc độc, nếu bị bắt sẽ tự tử ngay. Lấy chồng, muốn có con, nhưng anh người Việt không muốn. Sống với nhau chục năm, anh ta chán chị, theo một trí thức Pháp. Chị có một cử chỉ độc đáo mà phụ nữ khác khó có: mặc dù anh chồng phụ tình, chị vẫn yêu anh, để anh ly dị, chỉ yêu cầu anh cho chị vẫn giữ tên anh. Anh không đồng ý, chị đành chịu. Anh có vợ mới, tiêu hoang phí, lúc nào cũng thiếu tiền, chị biết vậy, gửi tiền cho anh mà không cho anh biết. Khi có tuổi, anh bị vợ bỏ rơi, chị đi lại thăm nom anh lúc ốm đau và vuốt mắt cho anh khi anh mất. Thật là một mối tình hiếm có.

Vào những năm 1960, theo đúng lý tưởng của mình, chị nhiều lần sang giúp Việt Nam chống Mỹ cùng một số Đảng viên Cộng sản Pháp. Chị giúp Nhà xuất bản Ngoại văn, việc đầu tiên là cộng tác làm bộ Tuyển tập Văn học Việt Nam bằng tiếng Pháp mà anh Viện và tôi làm chủ biên. Do đó, chị và tôi thành bạn rất thân, thân với cả gia đình tôi. Trong con mắt của chị, tôi (gầy gò) là người thay anh Viện (đầy uy tín ở Pháp) và là người theo gương Hồ Chí Minh. Nên khi tôi được Hội hữu nghị Pháp-Việt mời sang Pháp vào những năm 60 của thế kỷ trước đã vinh dự được cả Ban chấp hành của Hội hữu nghị Pháp-Việt (hơn 10 người) ra đón.

Françoise Corrèze viết một số sách có giá trị về Việt Nam, trong đó có cuốn Pousses de Bamboo (Măng tre Việt Nam), trong đó in lại 20 trang những bức thư của gia đình tôi viết cho nhau khi sơ tán dưới bom Mỹ.

Françoise Corrèze còn là bạn thân của ông Phạm Văn Đồng khi ông công tác ở Pháp, chị đã được Thủ tướng tiếp riêng ba lần khi chị công tác ở Việt Nam. Mỗi lần đến gặp Thủ tướng, tôi phải đi kèm. Thể lệ của ta rất chặt chẽ trong thời gian kháng chiến: khi tiếp người nước ngoài, phải có một cán bộ Việt Nam ngoài cuộc tham gia, mặc dù người tiếp khách nói được tiếng nước ngoài ấy (Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất thông thạo tiếng Pháp).

Lady Borton (người Mỹ, còn sống): là nhà văn và nhà từ thiện Mỹ quen thuộc ở Việt Nam, là người bạn nước ngoài chí thiết của tôi. Chị biểu lộ tình cảm bằng hành động hơn là bằng lời. Chị là người theo giáo phái Quaker, lỡ dịp không lấy chồng, cả đời hoạt động từ thiện cho Quaker và viết sách báo. Trước khi ra Bắc, chị hoạt động trong Nam nên nói tiếng Việt rất tốt. Chị ăn mặc xuề xòa, đi dép lê, ăn chay, chỉ đi xe đạp (một chiếc xe cũ). Trái với Françoise Corrèze, chị ít cho quà; không phải tại lương Quaker ít. Khi chị cho quà thì đều là vật cần dùng, như kính cận, kính hiển vi. Chị rất bình dân, đi đâu cũng la cà với dân thường. Chị không ngại giao du với người có tí quyền thế (ví dụ Bà Nguyễn Thị Bình) khi cần họ để viết sách.

Tôi học được ở chị sự thận trọng của nghề văn khi viết về con người hiện đại. Bất cứ chi tiết nào cũng phải được kiểm tra. Chị đã viết nhiều sách về Việt Nam, đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có tác phẩm nào về Hồ Chí Minh mà chị thấy có những chi tiết không thật chính xác, chị cất công nghiên cứu, xin được tiền trợ cấp và tìm đến các nơi ở nước ngoài, nơi Nguyễn Ái Quốc hồi trẻ đã đặt chân tới để thu thập tài liệu.

Cuốn tuyển tập thơ song ngữ Việt-Anh, lấy tên là Nàng thơ ngang ngạnh, chị viết về các nhà thơ nữ Việt Nam từ xưa đến nay (xuất bản đồng thời ở Mỹ và ở ta) là một kỳ công. Cuốn Wandering through Vietnamese Culture (Lãng du trong văn hóa Việt Nam) của tôi quá dày đối với độc giả Mỹ. Chị và Elizabeth F.Colilins, một giáo sư đại học Mỹ đã biên tập lại thành cuốn Vietnam Tradition and Change (Việt Nam Truyền thống và Đổi thay, hơn 300 trang), xuất bản ở Đại học Mỹ Ohio và ở ta; chị xem lại cuốn tiếng Anh dịch Văn học Việt Nam (dịch lại bản dịch tiếng Việt so với nguyên văn chữ Hán).

Tôi vô cùng cảm kích khi hai lần sinh nhật 90 và 100 tuổi nhận được một món quà đặc biệt của chị: mỗi lần là một cuốn album ảnh tôi từ nhỏ và gia đình bạn bè khắp thế giới. Chị đã cất công làm việc này đến mấy tháng mà không cho tôi biết.

Borje Lunggren, Nguyên Đại sứ Thụy Điển ở Việt Nam: “Từ trước đến nay, tôi chưa từng gặp một người bắc cầu giữa các nền văn hóa như ông Hữu Ngọc, cắm rễ sâu vào văn hóa Việt Nam, một con người quốc gia chân chính, tế nhị khi thâu nhận những nền văn hóa khác”.

Đó là mấy lời trích trong diễn văn của ông Đại sứ Thụy Điển, thay mặt chính phủ ông đọc tại lễ gắn Huân chương Bắc Đẩu cho tôi (đúng vào ngày quốc khánh Thụy Điển cách đây mấy chục năm). Hình như Huân chương này ra đời từ thời Hoàng đế Pháp Napoléon, có thể ở Việt Nam hiếm người được tặng.

Borje Lunggren có lẽ là một người Thụy Điển điển hình: thân mật nhưng không suồng sã, nghiêm túc nhưng không cứng nhắc, hiểu biết rộng nhưng khiêm tốn, lúc nào cũng điềm đạm. Bà vợ của ông ít nhiều giống ông, rất mê nghệ thuật. Trước khi công tác ở ta, ông là Đại sứ ở Trung Quốc và hiện vẫn là Cố vấn về các vấn đề Trung Quốc. Ông có viết một cuốn sách tiên đoán về đường lối kinh tế của ta phát triển theo đường lối nào. Ông tận tình giúp đỡ tôi trong ba chuyến tôi được mời đi Thụy Điển. Những năm về hưu, ông thường xuyên sang Trung Quốc và Việt Nam và lần nào sang Việt Nam, ông cũng đến tôi để trao đổi về thời cuộc.

Khi Vua và Hoàng hậu Thụy Điển sang thăm Việt Nam, ông mời tôi nói chuyện về văn hóa Việt Nam ở Văn Miếu-Hà Nội. Được một bạn nước ngoài nhiệt tình và giản dị như ông thật hiếm.

Hữu Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngay-xuan-nho-den-may-ban-nuoc-ngoai-tha-thiet-voi-viet-nam-213162.html