Ngày Xuân, mạn đàm về Mẫu

Nếu chỉ xem một buổi hầu đồng, người ta dễ nghĩ hoạt động này có hơi hướng mê tín, dị đoan. Nhưng nhìn tổng thể Tín ngưỡng Thờ Mẫu – người ta sẽ thấy hết cái hay, cái đẹp và chất dân gian thấm đẫm trong từng lời ca, điệu nhạc, bài múa…

Chị Trần Trung trong giá ông Hoàng Mười. (Ảnh: MH)

Đó là một buổi chiều cuối tuần cuối cùng của năm 2022, chúng tôi cùng ngồi trong một không gian khá lý tưởng nằm ngay sau Học viện Âm nhạc quốc gia Hà Nội. Tình cờ, tất cả đều ít nhiều liên quan đến một điểm chung, đó là Tín ngường thờ Mẫu. Cùng với nghệ nhân thanh đồng Nguyễn Thị Chung, nghệ nhân hát chầu văn Bùi Văn Nam còn có thầy Vũ Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm âm nhạc truyền thống.

Vinh dự được giữ gìn đạo Mẫu

Là một người yêu nghệ thuật và đam mê khám phá những loại hình hát xướng dân gian, tôi từng tham gia rất nhiều buổi hầu đồng từ khi hồ sơ Tín ngưỡng thờ Mẫu còn chưa nằm trên bàn Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Hồi đó, những từ khóa “hầu đồng”, “con nhang”, “thờ Mẫu” hay “hát chầu văn”… là cái gì đó khá mê tín.

Thấu hiểu tâm trạng này của tôi, nghệ nhân thanh đồng Nguyễn Thị Chung, nghệ danh là Trần Trung, thủ nhang đền Kiếp Bạc vọng từ (Bắc Ninh), Đào Viên từ (Hải Dương) chia sẻ: “Đã là văn hóa, lại còn là văn hóa tín ngưỡng thì dù ở đâu cũng sẽ vấp phải những luồng quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, đáp số cuối cùng đã làm thay đổi cái nhìn của rất nhiều người về tục thờ Mẫu, về những buổi hát hầu đồng, về những giai điệu tuyệt vời của chầu văn… Đó là điều quan trọng nhất”.

Thật vậy, trải qua hành trình vất vả và nỗ lực không ngừng của các bộ, ngành hữu quan, đến năm 2016, Tín ngưỡng thờ Mẫu chính thức được UNESCO ghi danh. Tại buổi lễ đón Bằng công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại diễn ra tại Phủ Dầy (Nam Định), Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công bố “Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt giai đoạn 2017-2020”.

Giá hầu cô Chín do nghệ nhân dân gian Trần Thị Thanh Hải diễn xướng ở Festival Embassy tại Hà Lan. (Ảnh: MH)

Hơn nửa thập kỷ kể từ ngày được tổ chức lớn nhất thế giới về giáo dục – khoa học và Văn hóa vinh danh, vốn văn hóa quý này của tiền nhân đã và đang không ngừng được các thanh đồng và những con nhang, đệ tử bảo tồn và lan tỏa trong đời sống tinh thần của người dân.

Chị Chung chia sẻ thêm: “Tín ngưỡng thờ Mẫu đã tồn tại từ xa xưa của văn hóa Việt Nam, là tín ngưỡng bản địa của Việt Nam ta, vì vậy chúng ta phải gìn giữ. Kể từ khi được UNESCO ghi danh đến nay, Tín ngưỡng thờ Mẫu đã phát triển hơn rất nhiều. Tôi mừng lắm, bởi đó là nét văn hóa thể hiện lòng tôn kính Mẹ của ông cha ta. Lòng yêu nước và tự hào dân tộc được tôn vinh cũng là điểm tựa niềm tin để kết nối dân tộc. Chính vì thế mà tín ngưỡng này sẽ trường tồn”.

Trong không gian tĩnh lặng, chị Chung khẽ ngân nga:

“Vầng đông mãn bóng dương vời vợi

Soi vườn hồng choi chói nhân gian

Vốn xưa chầu chực đền vàng

Vào ra cửa Mẫu sửa sang một Hoàng”

Bất giác, cả bốn chúng tôi cùng vỗ nhịp tay theo từng chữ nhấn nhá của chị. Chị cười tươi: “Được góp phần bảo tồn, gìn giữ Đạo Mẫu Tam Tứ phủ mình vinh dự lắm chứ. Quá nhiều thăng trầm, quá nhiều vất vả mà ông bà, tổ tiên mình vẫn giữ được thì chẳng có lý do gì mà ngày nay, chúng mình không thể phát triển nó lên một tầm cao mới. Với riêng mình thì hầu đồng là nghệ thuật, cũng là lẽ sống từ rất lâu rồi”.

Thầy Vũ Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm âm nhạc truyền thống. (Ảnh: NVCC)

Giữ lề lối cho câu hát chầu văn

Vừa lắng nghe những câu hát mà nghệ nhân Nguyễn Thị Chung ngẫu hứng cất lên trong bài hát chầu ca ngợi Cậu Quận Sòng Sơn Văn, nói về Thánh Cậu (được thờ ở Sòng Sơn, Thanh Hóa), thầy Vũ Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm âm nhạc truyền thống lim dim đôi mắt. Tôi đoán anh đang đắm mình vào một không gian của điện thờ Thánh Cậu.

Anh bảo: “Muốn phát triển gì thì con người vẫn là trung tâm, phải nhận thức, phải học hỏi. Đối tượng học của hát chầu văn khác so với các thể loại âm nhạc truyền thống khác một chút là người học truyền miệng, truyền tay. Họ đã hát trong môi trường tín ngưỡng, nghi lễ. Họ rất cần đi học để phát huy thêm nhận thức, phát huy hơn nhiều khả năng vốn có của họ và đặc biệt, hiểu rõ hơn khi thực hành chầu văn trong nghi lễ hầu đồng. Họ không học được trực tiếp, không đến được các trường âm nhạc, thì họ phải học gián tiếp”.

Anh cũng cho rằng, những nghệ nhân tiền bối thường chơi và hát chầu văn có lề, có lối, rất chuẩn chỉ. Người thầy không chỉ dạy cho họ chơi theo lối của các nghệ nhân mà còn phải phát triển lề lối đó phù hợp với xu hướng hiện đại. “Không được thái quá và cũng không được tùy tiện cho cái gì vào cũng được. Sự phát triển ấy phải có sự đánh giá chung và được sự chấp nhận của giới chuyên môn. Đây là bộ môn dân gian nên sự sáng tạo là vô biên nhưng vẫn phải dựa trên chuẩn mực của nó”, thầy Vũ Văn Tuấn nhấn mạnh.

Quay sang nghệ nhân hát chầu văn Bùi Văn Nam, tôi thấy anh khá trầm tư. Anh là một nghệ nhân từng tiếp xúc với chầu văn từ rất sớm vì được theo bố mẹ đi lễ vào những dịp đầu Xuân. Nghe mãi tiếng nhạc rộn ràng, dìu dặt của chầu Văn, anh trở nên đam mê giai điệu của nó lúc nào chẳng hay. Anh bảo: “Dù ở giai đoạn nào của lịch sử thì hơi thở của thời đại luôn để lại dấu ấn trong sự phát triển của văn hóa nói chung và chầu văn cũng vậy. Nếu chúng ta giữ được lối hát cổ càng trong sáng thì về sau, giá trị của lời hát, của lối hát đó sẽ càng trở nên quý giá hơn”.

Nghệ nhân chầu văn Bùi Văn Nam. (Ảnh: NVCC)

“Tuy nhiên, thời gian gần đây, do trào lưu và do sự chờ đợi thưởng thức của khán giả thì chầu văn cũng có đưa thêm vào một số giai điệu hát như các điệu hò Huế, hoặc cải lương hoặc là có thể hát thêm các giá như giá Cậu nhưng lại đưa bài hát Giã bạn trong dân ca quan họ Bắc Ninh vào. Theo tôi, trong tín ngưỡng thờ Mẫu, đặc biệt nghi lễ chầu văn hát ở các đền các chùa thì mình nên gìn giữ cái vốn cổ và lối hát chầu văn cổ. Lối hát đó mới tinh túy và thực sự là cách mà chúng ta tìm về cái cội nguồn của mình”, anh chia sẻ.

Đi nhiều, xem nhiều, cá nhân tôi cũng cảm thấy lo lắng khi nhận thấy một số nghi lễ thờ Mẫu hiện nay không còn giữ được cái gốc xưa (theo hồ sơ di sản). Có nhiều giá hầu không đúng với vị thánh được thờ trong tín ngưỡng thờ Mẫu mà trang phục, điệu múa, nhạc lý, hát văn… lại bị “sân khấu hóa” một cách khá gượng gạo. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cũng cần quan tâm đến tính thống nhất của các thanh đồng về nội dung hát chầu trong các sự kiện.

Câu nói thường được thanh đồng nhắc tới là “ghen chồng, ghen vợ không bằng ghen đồng, ghen bóng” đã cho thấy tính phức tạp trong cộng đồng thờ Mẫu. Mỗi thanh đồng thường chỉ tôn sùng đồng thầy, bản hội của mình, luôn lấy thầy mình, bản thân mình làm hình mẫu, các thanh đồng khác, bản hội khác là chưa đúng, chưa chuẩn… Do vậy, rất cần có chuẩn mực chung để hoạt động này phát triển theo hướng chuẩn chỉ.

Những phân tích, trăn trở của chúng tôi cứ thế kéo dài mãi, cho đến tận khi phố xá lên đèn. Cái lạnh ẩm ướt của tiết Xuân như đánh thức chúng tôi từ không gian Tín ngưỡng thờ Mẫu trở về với cuộc sống đời thường. Mùa Xuân chính là mùa của những nghi lễ hát hầu đồng được cất lên rộn ràng ở khắp các điện thờ Thánh Mẫu trên cả nước. Tôi nhận ra, hành trình gìn giữ di sản này còn rất dài và còn nhiều gian nan, nhưng tôi tin nghệ nhân Nguyễn Thị Chung nói đúng: khi một tín ngưỡng luôn nằm trong lòng dân tộc thì tín ngưỡng đó sẽ trường tồn!

Minh Hòa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngay-xuan-man-dam-ve-mau-213134.html