Ngày xuân lên Lũng Cú

Chúng tôi đứng trên đỉnh cột cờ Lũng Cú. Ấn tượng về sự hùng vĩ của điểm cực Bắc biên cương Tổ quốc thật đặc biệt. Một ngày hiếm hoi có nắng. Những đám mây bay náo nức gần xa phía dưới tạo cảm giác chênh vênh rất lạ. Những mạch núi đá chạy dài thành từng lớp trùng điệp. Những con đường mảnh mai, mơ hồ như những sợi chỉ mong manh chìm ẩn. Những bản làng gần xa của người HMông, người Lô Lô, người Dao, người Xuồng… nằm bên sườn núi hay các thung xa trong lớp sương lam mờ ảo. Và đặc biệt là tiếng lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh tháp cao đang phần phật quẫy mạnh như nhịp đập của một cơ thể sống vẫy vùng trong nắng gió cao nguyên.

Thơ mộng Lũng Cú nhìn từ đỉnh Cột cờ.

Lý Mỳ Dính đưa chúng tôi lên thăm cột cờ. 389 bậc thang dựng đứng mà Dính leo thoăn thoắt. Chàng trai người Mông 31 tuổi, trạm trưởng biên phòng này có dáng vẻ khỏe mạnh và nụ cười thật hiền. Dính chào hỏi, chia vui, ân cần chỉ bảo mọi người từ khắp mọi miền đất nước đến thăm Lũng Cú với tình cảm những người thân thiết, ruột thịt. Có người quen từng đến đây nay gặp lại, gọi tên anh từ xa như anh em bè bạn. Thêm 140 thang trong lòng cột cờ, chúng tôi lên đến đỉnh. Vừa đi, Dính vừa kể:

- Lá cờ rộng 54 mét vuông, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên đất nước. Ở trên cao này gió mạnh, sương nhiều, vải mau bạc nên cứ vài tuần chúng em lại thay một lá cờ mới để lá cờ Tổ quốc trên đỉnh cao cực bắc này luôn tươi mới, thắm màu!

Theo Lý Mì Dính, Lũng Cú nghĩa tiếng Mông có nghĩa là Long Cư, nơi Rồng ở. Nằm ở khu vực có độ cao khoảng 1.800 m, xã Lũng Cú có 9 bản là nơi sinh sống của người Mông, Lô Lô, Tày, Pu Péo với 27km đường biên giới giáp với Trung Quốc. Bản Séo Lủng - một trong 9 bản của Lũng Cú - là mảnh đất cực bắc, bên trái là thung lũng Thèn Ván bên phải là dòng sông Nho Quế. Lũng Cú từ lâu luôn là một địa bàn chiến lược của đất nước. Hoàng đế Quang Trung đã từng cho đặt một chiếc trống lớn ở chính địa địa điểm trạm biên phòng Lũng Cú hiện nay. Thời đó, trống phương tiện rất hữu hiệu để thông tin, cảnh giới, khẳng định chủ quyền trên vùng biên ải hiểm trở này. Chính vì vậy mà người Lô Lô ở Lũng Cú sau này sử dựng rất thành thạo những chiếc trống đồng có nguồn gốc từ trống đồng Đông Sơn này.

Bản làng bình yên dưới cột cờ Lũng Cú.

Câu chuyện về chiều dài lịch sử trên mảnh đất này gợi tôi nhớ về những ngày của ba mươi năm trước. Khi ấy, cả vùng Lũng Cú - Đồng Văn - Mèo Vạc này đang là tuyến đầu của phòng tuyến bảo vệ biên giới. Trong những gian khổ ấy chúng tôi đã gặp nhiều chàng trai, cô gái ở mọi miền đất nước trên mảnh đất này. Chúng tôi đi trên con đường Quyết Thắng mới mở còn ngổn ngang.

Những vách đá mới nổ mìn còn lởm chởm. Những cây cầu mong manh vắt ngang vực sâu. Chúng tôi lên điểm tựa Xín Cái bên dòng sông Nho Quế trên tận mỏm núi cao nhất, ăn bữa cơm thiếu rau giữa trời sương muối với chính trị viên tiểu đoàn Đào Phong và những đồng đội của anh trong căn hầm đào sâu vào lòng đá. Chúng tôi lên Mã Pì Lèng đang ầm ì tiếng pháo, nơi những người mở đường Hạnh Phúc cuối những năm năm mươi của thế kỷ trước đã để lại những câu chuyện đẹp về tinh thần quả cảm khi phá đá, nổ mìn mở con đèo hiểm trở bậc nhất này.

Chúng tôi đã thăm phiên chợ vùng cao ngay trong tầm pháo nhưng vẫn đủ sắc màu của người Mèo Vạc. Theo chân chủ tịch huyện Mèo Vạc Mùa Mí Trơ khi đó, chúng tôi đã đi khắp vùng biên ải này, hòa mình trong cuộc sống của quân dân nơi đây. Vẳng vẳng bên tai tôi còn nghe tiếng hát của cụ Lầu Thị Trợ về tình yêu con người trên mảnh đất này: ‘’Bài hát hát hết lại chưa hết. Mới hát một nửa…”. Điệu dân Mông ấy thiết tha xao xuyến lòng người biên cương một thời khói lửa, gian khó. Trong chuyến đi ấy, tôi viết bút ký “Hoa đá trên đỉnh trời”, ca ngợi con người trên mảnh đất này như những bông hoa của đá, một thứ đá xám liền mạch, vững chãi nhưng có hồn nơi biên cương này.

Trong một lần trở lại, trên đường lên Đồng Văn, tôi đã rất mừng khi gặp cây gạo quen thuộc gần Cổng Trời Cán Tỷ như gặp lại một người quen cũ. Khi ấy, tôi có ghi trong sổ tay mấy câu thơ:

Những người giữ đất năm xưa ấy

Mây trắng giờ về muôn nẻo xa

Người còn nằm lại trên ghềnh đá

Mùa về cây gửi những nhành hoa

...

Loay hoay quên nhớ một vòng đời

Bên dốc điềm nhiên cây đợi người

Giật mình lối cũ hồn sương khói

Màu hoa nhoi nhói tháng năm trôi….

Ba mươi năm trước, Lý Mì Dính mới lọt lòng mẹ. Nay anh đã là một chàng trai Mông khỏe mạnh vũng chãi như những ngọn núi đá Lũng Cú, một người sĩ quan biên phòng tin cậy nơi cực bắc. Có dáng vẻ vững vàng, đôn hậu nhưng cũng rất quả cảm giống nhau giữa Lý Mì Dính và Mùa Mí Trơ. Nghe tôi hỏi thăm về người chủ tịch Mèo Vạc cũ, Lý Mì Dính nói có biết bác Mùa Mí Trơ, giờ bác vẫn khỏe, bây giờ đã về nghỉ, nhà ở Phố Cáo. Anh hứa sẽ chuyển lời thăm của chúng tôi đến bác Mùa Mí Trơ. Lịch sử vùng đất này đã sang một trang mới. Và một thế hệ mới của người Đồng Văn - Mèo Vạc đã lớn lên, kế tục xứng đáng lớp cha anh trên vùng đất phên giậu của Tổ quốc!

Từ đỉnh cột cờ, theo tay Lý Mì Dính, chúng tôi thu vào mắt mình những hình ảnh đẹp nhất của Lũng Cú. Giếng mắt rồng theo truyền thuyết Long Cư từ ngàn đời; những con đường mới, trường học, bệnh xá, bản làng đang được quy hoạch lại ngay dưới chân cột cờ, đẹp như tranh vẽ. Những nương ngô đang lên xanh. Nhiều công trình đang được xây dựng… Ở xa nữa, cao nguyên đá Đồng Văn - được công nhận là một di sản thiên nhiên của thế giới, một tuyệt tác của tạo hóa trên mảnh đất này, một địa chỉ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Thiên nhiên ban tặng cho Lũng Cú-Đồng Văn vẻ đẹp đặc sắc. Cùng với đó là những sản vật nổi tiếng của vùng này: chè Shan Tuyết, rượu mật ong, thắng cố trong những phiên chợ nhiều sắc màu văn hóa… và những điệu khèn tâm tình đắm say lòng đá, lòng người.

Lý Mì Dính tâm sự:

- Anh em trong trạm biên phòng Lũng Cú là con của nhiều vùng đất, lên đây giữ biên cương. Càng yêu quý vẻ đẹp của mảnh đất này, chúng em càng thêm tự hào với nhiệm vụ thiêng liêng được Tổ quốc giao phó!

Trong câu chuyện chung, Lý Mì Dính không quên câu chuyện riêng rất đặc sắc: Tình yêu của anh, chàng trai biên phòng người Mông và cô giáo Hằng, một cô gái người Kinh tình nguyện lên Lũng Cú dạy học, đã đơm hoa kết trái. Mùa xuân trước, con gái đầu lòng của anh chị - cháu Lý Thúy Hồng ra đời ngay ở Lũng Cú. Một trong những mái nhà yên ấm khi chúng tôi từ đỉnh cột cờ nhìn xuống chân núi chính là mái ấm gia đình của họ. Sức mạnh của những người lính biên cương bắt nguồn từ những mái ấm gia đình như thế. Chúng tôi chia tay Lý Mì Dính và những chiến sĩ biên phòng Lũng Cú với lời hẹn sớm có ngày gặp lại, bởi trong mỗi chúng tôi luôn có một tình cảm rất đặc biệt dành cho mảnh đất địa đầu cực Bắc này của Tổ quốc.

Bài và ảnh:Trần Mai Hưởng

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/phong-su/ngay-xuan-len-lung-cu-20140212194206052.htm