Ngày Xuân con én đưa thoi...

QĐND - Tháng Ba là tháng đẹp nhất của mùa Xuân, không chỉ bởi thời tiết ấm áp của đất trời vừa độ “thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”, mà còn bởi tháng Ba có Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3) và ngày truyền thống của tuổi trẻ Việt Nam (26-3). Trong số các bài thơ gửi về Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần dịp này, có khá nhiều tác phẩm “hưởng ứng” hai sự kiện trên đây.

Tác giả Hoàng Hạ Miên ở 26 Lê Lợi -TP Huế (Thừa Thiên -Huế) có chùm thơ 2 bài về tháng Ba. Bài “Tản mạn tháng Ba” viết về tâm trạng cánh đàn ông xao xuyến khi mang những lẵng hoa thơm ngát niềm vui đến tặng cho những người phụ nữ mình yêu thương, quý mến. Đặc biệt, bài “Hương tháng Ba” đã khéo kết hợp việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ với kỷ niệm 37 năm Ngày TP Huế được giải phóng. Cái âm hưởng “nắng đã lên rồi ơi cái nắng tháng Ba” trong ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Hoàn năm nào, nay lại được Hoàng Hạ Miên “láy” lại: Ký ức một thời thoáng hiện tình quê / Em xưa, giờ đã thành “Bà”, tóc trắng / Nhớ nụ cười, trên vai quàng súng / Bước nhịp nhàng, tiếng nhạc âm vang / Bàn tay ai vẫy giữa phố phường / Mắt lệ rưng rưng niềm vui đoàn tụ / “Nắng đã lên rồi...”, niềm vui bừng nở / Khúc khải hoàn vang vọng khôn nguôi...

Tác giả Nguyễn Văn Định ở khu Cầu Mười, thị trấn Hữu Lũng -Lạng Sơn cũng có chùm thơ 2 bài về tháng Ba lịch sử. Tiếc là nhà thơ có thừa cảm xúc nhưng thiếu kỹ thuật, nên lời thơ trong bài “Rừng hoa nở” còn rất nôm na: Chào mừng tuổi trẻ xa gần / Mừng ngày truyền thống vững chân lên đường... Hoặc: Truyền thống là đức hy sinh / Trai tài, gái giỏi chung tình sớm hôm... Chỉ được mấy câu sau đây trong bài “Tháng Ba quê hương” là tương đối: Tháng Ba vàng bãi cải ngồng / Đất màu cày ải lên vồng luống cao / Tháng Ba chéo hạt mưa rào / Sáo diều no gió thấm vào hồn tôi / Tháng Ba từ thuở xa xôi / Đọng trong ký ức những lời yêu thương...

Ngoài hai chủ đề tập trung nhất là phụ nữ và tuổi trẻ, còn một đối tượng nữa được đề cập khá nhiều là người chiến sĩ. Đó có thể là những người con ưu tú đã vĩnh viễn nằm xuống trên các chiến trường qua các cuộc kháng chiến, có thể là những cựu chiến binh đang tiếp tục cống hiến giữa đời thường, cũng có thể là những người lính đang tại ngũ hôm nay. Tất cả họ tuy khác nhau về thế hệ, hoàn cảnh... nhưng đều mang phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Hình ảnh cây bàng quả vuông ở Trường Sa là một ẩn dụ tiêu biểu. Tiếc là trong bài thơ này của tác giả Nguyễn Đức Hậu ở 406 Thủ Khoa Huân, TP Phan Thiết -Bình Thuận, từ “đảo chìm” bị lặp lại nhiều lần, khiến khổ thơ như bát cơm ngon nhưng thực khách phải nhăn mặt vì vấp vài hạt sạn: Bàng vuông mọc giữa đảo chìm / Đá san hô trắng hóa mềm sức xanh / Đảo chìm như bớt phong phanh / Giữa bao giông bão vây quanh đảo chìm / Mùa Xuân đang đến trước thềm / Hoa bàng vuông nở nỗi niềm rưng rưng...

Tương tự như thế, những câu thơ sau đây của tác giả Nguyễn Khúc ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình cũng kể một cách thật thà quá: Cựu chiến binh, “cựu” mà không cũ / Vẫn đi đầu trong cuộc sống hôm nay / Cựu chiến binh có một thời để nhớ / Trong cuộc chiến tranh là đồng đội thân yêu / Đất nước thanh bình trong cuộc sống đời thường / Tình đồng đội vẫn không hề phai nhạt... Tác giả Nguyễn Khúc còn có một bài thơ viết về cầu Hiền Lương, biểu tượng của chia cắt và thống nhất đất nước. Chọn chủ đề và hình ảnh miêu tả như vậy là được, nhưng lời thơ thì cũng... quá thật thà: Sông Bến Hải chia hai bờ Nam -Bắc/ Bên này sông: Hậu phương miền Bắc / Bên kia sông: Tuyến lửa miền Nam...

Tác giả Nguyễn Văn Liên 61 tuổi, là giáo viên nghỉ hưu ở xã Thuần Hưng, Khoái Châu -Hưng Yên gửi về bản báo một bài thơ kèm theo bức thư kín 2 trang giấy học trò khá xúc động. Thư kẻ về việc gia đình của tác giả đã bao năm lặn lội vào miền Đông Nam Bộ tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Hồng Lân là anh trai tác giả, hy sinh năm 1969 ở Củ Chi. Mãi đến năm 2009, được sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, địa phương và đồng đội, gia đình mới tìm được hài cốt liệt sĩ, đón về yên nghỉ tại nghĩa trang quê nhà. Tác giả kể: Quá xúc động trước sự việc trên đây, ông đã làm bài thơ “Anh ơi” như nén tâm hương thắp cho anh trai và là tấm lòng tri ân đối với mọi người đã giúp đỡ gia đình thực hiện được ước nguyện. Bài thơ khá dài, kín cả 2 trang giấy khổ A4. Xin trích giới thiệu đoạn cuối bài thơ:

Lễ đón nhận thật nghiêm trang

Nhân dân, đồng chí xếp hàng đợi anh

Anh về dưới bóng cây xanh

Nghĩa trang liệt sĩ quê hương muôn đời

Thương anh nhiều lắm anh ơi

âm dương cách biệt, lệ rơi khóc thầm

Chiều nay gió rét mưa dầm

Anh nằm đó, chắc nghe thầm tiếng em...

Có một bài thơ nữa cũng viết về người chiến sĩ khá chân thật và cảm động. Đó là bài “Ký ức vùng trời” của Cựu chiến binh Dương Bá Kháng, nguyên là phi công của Trung đoàn Không quân Sao Đỏ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đơn vị hai lần được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân. Bản thân tác giả cũng đã từng lái máy bay MIG 21 bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời phía tây Hà Nội. Bài thơ của cựu phi công Dương Bá Kháng hào sảng như đang bay trên bầu trời lồng lộng vậy:

Những “én Bạc” hiền lành bên ụ

Còn nhớ ta chăng người lính cũ Trung đoàn?

Chiều nay đẹp, “Chim ưng” nào trực chiến?

Có “rút ban” bay chuyến đường dài?

Hay “không vực” giản đơn tại đỉnh

Rồi trở về, hạ cánh trước hoàng hôn

ôi kỷ niệm! Những vùng trời quen thuộc

Những xóm làng, sông núi đã nuôi tôi

Vất vả, gian nan, chiến đấu, nên người

Tôi nhớ mãi lần đầu tiên xuất kích

ánh bạc vút lên như tia chớp oai hùng

Cất cánh bay lên mang chiến thắng trở về!

Năm tháng qua đi, đâu dễ gì quên được

Đồng đội thân yêu -vòng lượn cuộc đời!

Chiều dần buông, Sóc Sơn nhè nhẹ khói

Vùng trời thân yêu Đa Phúc mãi trong tôi

Xin mượn hình ảnh “Cánh én” của người thơ cựu binh phi công Dương Bá Kháng để khép lại “Hộp thư... thơ” tháng Ba, như một ẩn dụ của “Ngày Xuân con én đưa thoi” trong Truyện Kiều, mang những hồi âm phúc đáp đến với các bạn thơ gần xa yêu quý!

Người biên tập

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/91/68/75/75/75/182829/Default.aspx