Ngày xửa ngày xưa 34: Viết tiếp những ước mơ

Chương trình nhạc kịch thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa (NXNX) số 34 được lấy cảm hứng từ tác phẩm Bầy chim thiên nga của đại văn hào Hans Christian Andersen (Đan Mạch), kết hợp với truyện cổ tích Việt Nam đã tạo ra một vở diễn hết sức ấn tượng.

Ngày xửa ngày xưa số 34 - Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai. Ảnh: Fanpage Ngày xửa ngày xưa

* NXNX trong ký ức tuổi thơ

“Nhìn xem cô Tấm ngoan hiền bước ra từ quả thị

Nhìn xem cô bé Lọ Lem bước chân lên xe hoa

…Bé có một sân chơi và có muôn vàn tiếng cười

Bé có một sân chơi, cùng với bao điều thần tiên…”.

Mỗi khi tiếng nhạc mở màn ấy cất lên, biết bao thế hệ sẽ thổn thức và khát khao được trở về tuổi thơ - nơi ấp ủ những câu chuyện cổ tích trong sáng, tươi đẹp. NXNX là một chương trình nhạc kịch Việt Nam, do Sân khấu kịch Idecaf phối hợp với Nhà hát Bến Thành thực hiện, bắt đầu sản xuất vào năm 2000, hợp tác cùng Hãng phim Trẻ và Trung tâm Băng đĩa Saigon Vafaco phát hành để ra đĩa. Chương trình chuyên tái hiện lại những truyện kể dân gian và truyện cổ tích dưới góc nhìn hài hước và đầy tính nhân văn dành cho thiếu nhi. Dù vậy nhưng chương trình này cũng lôi cuốn cả người lớn, đặc biệt là các khán giả tuổi thanh, thiếu niên.

Cách xây dựng vở kịch dựa trên nội dung của các câu chuyện cổ tích quen thuộc, kỹ xảo và hiệu ứng sân khấu được làm cập nhật và làm mới hàng năm cũng là những yếu tố chính thu hút khán giả.

Kể từ khi vở diễn Tấm Cám được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2000 và tạo được tiếng vang, nhà sản xuất đã nỗ lực mỗi năm cho ra mắt ít nhất một vở nhạc kịch nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả. Mỗi dịp hè về, hình ảnh đoàn người xếp thành nhiều hàng dài trước cửa Nhà hát Bến Thành để đón chờ những vở diễn mới đã trở nên quen thuộc đối với người dân ở TP.HCM. Cho đến nay, NXNX sau 23 năm ra mắt đã phát hành tổng cộng 34 vở kịch thiếu nhi - một con số ấn tượng thể hiện sự thành công của chuỗi series này.

Ở TP.HCM có không ít những chương trình kịch dành thiếu nhi. Dù vậy, NXNX vẫn tạo nên thương hiệu riêng trong lòng của công chúng nhờ vào nhiều yếu tố. Hầu như các bạn nhỏ đều ấn tượng với vai công chúa xinh đẹp, có những động tác múa điêu luyện và giọng hát ngọt ngào của cô Mỹ Duyên; những vai hài hước và phản diện đặc sắc của chú Thành Lộc và chú Hữu Châu. Hoặc vừa diễn kịch, vừa hát cải lương một cách dí dỏm được như chú Bạch Long...

Cho đến nay, dù các nghệ sĩ đã có tuổi thế nhưng những vai diễn ấy vẫn không có ai có thể thay thế được. Điển hình như vai Cám của NSƯT Thành Lộc trong NXNX số đầu tiên, dù đã hơn 20 năm trôi qua nhưng đây vẫn là phiên bản Cám chưa ai có thể vượt qua được về độ duyên dáng. Sức hút của vai diễn ấy đến nay vẫn chưa từng hạ nhiệt, một số chương trình truyền hình như Gương mặt thân quen, Bố là số 1 hay Cười xuyên Việt thường xuyên có những diễn viên tái hiện lại hình ảnh Cám của chú Thành Lộc. Vai diễn ấy không chỉ gây ấn tượng bởi diễn xuất tài tình của “Phù thủy sân khấu”, mà còn đặc sắc ở tạo hình độc - lạ chỉ có ở Thành Lộc.

Hay chú Đình Toàn, cô Mỹ Duyên dù đã ngoài 40, 50 tuổi vẫn là hoàng tử và công chúa đẹp nhất trong lòng các bạn nhỏ.

Bạn Nguyên Thảo (sinh viên năm cuối Trường đại học Đồng Nai) - một khán giả xem kịch tâm sự: “Tuổi thơ của mình gắn liền với các vai diễn của cô Thanh Thủy, Mỹ Duyên, chú Thành Lộc, Hữu Châu... trong NXNX. Mình đã sở hữu đủ DVD của cả 33 vở diễn NXNX. Đây là kho tàng quý báu mà mình đã cất giữ trong suốt gần 20 năm qua. Đến khi đã trưởng thành, chỉ cần được xem kịch của NXNX thì mọi cảm xúc thời thơ ấu sẽ ùa về. Mình thấy đây là một chương trình rất nhân văn, cảm ơn sân khấu kịch Idecaf đã đem đến cho các bạn nhỏ một sân chơi bổ ích như thế này”.

* NXNX năm 2023 có gì mới?

Tiếp nối thành công của NXNX số 33, đạo diễn Đình Toàn và biên kịch Quang Thảo tiếp tục phụ trách vở diễn Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai. Nội dung không chỉ lấy cảm hứng từ truyện cổ Andersen, NXNX 34 còn tái hiện lại các vở diễn như Tấm CámNàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn ngay trên sân khấu, tạo ra nhiều bất ngờ và thích thú cho khán giả.

Những người nghệ sĩ trong NXNX luôn nhiệt huyết trên sân khấu, cống hiến hết mình và tạo được dấu ấn cá nhân trong lòng khán giả.

Có lẽ phần được nhiều khán giả mong chờ nhất là tiết mục kết màn. Ở cuối mỗi suất diễn, nhóm kịch sẽ chào khán giả bằng một kịch bản khác nhau, màn “hướng thiện” của Ác tiên Mắc ma Thành Lộc và màn “giành vai” công chúa của chú Hữu Châu là phần khiến khán giả phấn khích nhất. Đây chính là lý do mà có không ít khán giả quyết định xem đi xem lại vở kịch nhiều lần.

Vở diễn vừa mang lại tiếng cười, vừa gửi gắm những bài học quý giá: tình yêu và sự hy sinh đối với gia đình; vẻ thiện lương bên ngoài có thể chỉ là lớp áo che đậy những toan tính bên trong; lòng thương người phải đặt đúng chỗ nếu không sẽ là thứ tiếp tay cho cái ác; cái thiện sinh ra không phải để bài trừ cái ác mà để thay đổi cái ác…

Vở kịch gây ấn tượng với kịch bản đặc sắc, lời thoại mang tính thời sự và bắt kịp xu hướng của giới trẻ hiện nay. Ngoài ra, khán giả còn được mãn nhãn với hiệu ứng sân khấu bắt mắt. Từ trang phục, vũ đạo cho đến hệ thống âm thanh, ánh sáng đều được đầu tư hoành tráng, nhiều khán giả cho rằng đây là vở diễn NXNX được dàn dựng công phu nhất từ trước cho đến nay.

Nghệ sĩ Mỹ Duyên và Hữu Châu trong vở kịch Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai. Nguồn ảnh: Lân Trần

“Phần nhạc kịch rất hay và ý nghĩa. Sân khấu được dàn dựng chuyên nghiệp, có một vài phân đoạn sử dụng đạo cụ khá nguy hiểm thế nhưng các cô chú vẫn hoàn thành vai diễn một cách chuyên nghiệp. Một điều đặc biệt khác là bối cảnh chính là một cung điện châu Âu nhưng chú Thành Lộc vẫn mặc chiếc áo dài Việt Nam lên sân khấu để biểu diễn. Điều này khiến mình cảm thấy rất khâm phục và tự hào” - anh Văn Tiến, một khán giả xem kịch chia sẻ.

Vở kịch Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai được ra mắt từ ngày 27-5-2023 và phát hành thêm nhiều suất chiếu kéo dài đến hết tháng 9-2023 tại Nhà hát Bến Thành. Được biết, giá vé dao động từ 220 ngàn đến 320 ngàn đồng và đã bán được hơn 50 ngàn vé cho 62 suất diễn. Một trong những lý do khiến NXNX 34 được khán giả mong chờ nhiều đến vậy là do có sự góp mặt của nhóm kịch Líu lo (gồm có: NSƯT Thành Lộc, nghệ sĩ Hoàng Trinh, Bạch Long, Đình Toàn, Thanh Thủy). Đặc biệt là sự trở lại của nghệ sĩ Thanh Thủy (vai diễn Két Lala trong nhóm Líu lo) sau nhiều năm rời Idecaf đã thu hút đông đảo người hâm mộ, bởi series Chuyện ngày xưa của nhóm Líu lo chính là nơi nuôi dưỡng tâm hồn của biết bao nhiêu thế hệ xưa và nay.

Với sự góp mặt của các nghệ sĩ gạo cội như Thành Lộc, Hữu Châu, Mỹ Duyên, Bạch Long, Lê Khánh… cùng với một số gương mặt trẻ của sân khấu kịch Idecaf, Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai đem đến cho khán giả những cảm xúc và kỷ niệm khó quên. Mong rằng trong những số kế tiếp, sân khấu kịch Idecaf sẽ tiếp tục cho ra mắt những vở kịch chất lượng như vậy, bởi NXNX vốn là “đặc sản tinh thần” của khán giả yêu kịch mỗi dịp hè về.

Nguyễn Hằng Xuân

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202307/ngay-xua-ngay-xua-34-viet-tiep-nhung-uoc-mo-3171595/