Ngày Thống kê Việt Nam 6-5: Đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin

Xác định công tác thống kê là căn cứ quan trọng để nhận định, đánh giá và hoạch định chính sách, xây dựng đề án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, ngành Thống kê tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thống kê, đáp ứng kịp thời, chính xác nhu cầu thông tin thống kê.

Với vai trò là đơn vị ngành dọc Trung ương, chuyên thống kê, phân tích tình hình kinh tế - xã hội, cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của chính quyền tỉnh, hàng năm, Cục Thống kê tỉnh thực hiện hơn 20 cuộc điều tra, thống kê hàng tháng, quý, năm. Đặc biệt, năm 2024, Cục tổ chức một số cuộc điều tra thống kê lớn như: cuộc điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ, điều tra doanh nghiệp, điều tra thực trạng 53 dân tộc thiểu số.

Điều tra viên cơ sở được hướng dẫn sử dụng phần mềm CAPI trên điện thoại.

Theo đó, hạ tầng công nghệ thông tin của ngành thường xuyên được đầu tư, nâng cấp; ứng dụng hiệu quả 25 phần mềm phục vụ điều tra thống kê, 100% các cuộc điều tra thống kê sử dụng phiếu điều tra điện tử và các báo cáo thống kê được tổng hợp tự động hóa trên phần mềm của ngành thống kê như: CAPI, Webform, Oeffice, VnOffice… Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã đem lại những lợi ích thiết thực trong nâng cao chất lượng số liệu, tăng tính minh bạch và chặt chẽ của quy trình sản xuất thông tin thống kê, rút ngắn thời gian công bố kết quả điều tra, giảm kinh phí điều tra thống kê.

Chị Phạm Thị Hồng Thắm, Trưởng Phòng Thu thập thông tin cho biết, việc áp dụng các phần mềm vào công việc chuyên môn đã đem lại rất nhiều lợi ích. Nhờ đó, việc thu thập thông tin đã chuyển dần từ phiếu giấy sang sử dụng phiếu điều tra điện tử. Ngoài ra, trước đây, khi chưa có các phần mềm, việc tổng hợp số liệu mất thời gian khoảng 1 đến 2 ngày nhưng từ khi có phần mềm thì chỉ mất mấy phút là hoàn thành.

Để bảo đảm công tác thống kê được đầy đủ, thuận lợi và nâng cao chất lượng thông tin đầu vào, Cục Thống kê tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh, như Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thuế tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh… Trên cơ sở đó, các sở, ngành đã phối hợp cung cấp thông tin về tình hình của ngành, lĩnh vực quản lý cho Cục Thống kê tỉnh thông qua chế độ báo cáo thống kê.

Nhờ đó, Cục Thống kê tỉnh đã thực hiện một số báo cáo phân tích tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, của các huyện, thành phố hàng tháng, quý. Đồng thời, Cục Thống kê tỉnh cũng thường xuyên phổ biến, cung cấp cho sở, ngành thông tin, sản phẩm thống kê do Cục Thống kê thu thập, tổng hợp, biên soạn, như báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh hàng tháng, quý và năm; niên giám thống kê hằng năm và các thông tin thống kê, số liệu khác khi có yêu cầu của sở, ngành.

Đồng chí Phạm Hùng Sơn, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết, thời gian tới, Cục Thống kê tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các cuộc điều tra thống kê trên địa bàn tỉnh theo đúng phương án và kế hoạch đề ra, nhất là khâu kiểm tra, giám sát chặt chẽ thông tin đầu vào, phản ánh đúng hiện trạng và tình hình thực tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng để nâng cao hiệu quả công việc. Cùng với đó, tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho công chức và sắp xếp, bố trí công chức hợp lý giữa các phòng, chi cục; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị cơ sở để nâng cao chất lượng thông tin cần thu thập; phối hợp phổ biến thông tin thống kê bằng nhiều hình thức, phản ánh toàn diện bức tranh kinh tế - xã hội của từng địa phương và toàn tỉnh theo đúng tinh thần “Dữ liệu tốt hơn, cuộc sống tốt hơn”.

Bài, ảnh: Vân Anh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/ngay-thong-ke-viet-nam-6-5-doi-moi-nang-cao-chat-luong-thong-tin-191463.html