Ngày tết, thức cùng chị lao công quét rác

Những ngày Tết, khi người người, nhà nhà sum họp, quây quần ấm cúng bên nhau đón giao thừa cũng là thời điểm mà những công nhân vệ sinh phải vô cùng cật lực để mưu sinh. Năm nào cũng vậy, họ đón giao thừa trong những tiếng chổi tre “xoèn xoẹt” trên khắp nẻo đường, hè phố….

Việc thường nhật của những người lao công

Tết - không khí lao động của các công nhân đội vệ sinh đô thị thuộc Cty Cổ phần công trình đô thị Bến Tre càng trở nên khẩn trương hơn. Như mọi hôm, khoảng 10 giờ đêm là những nữ lao công lại tủa ra khắp phố phường bắt đầu ca làm việc mới. Những ngày Tết, họ phải bắt đầu công việc sớm hơn và ngơi tay muộn hơn ngày thường.

Mới 35 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc Nữ đã có thâm niên 11 năm làm nghề quét rác. Những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, công việc của chị và hàng chục công nhân vệ sinh Cty công trình đô thị Bến Tre phải “đầu tắt mặt tối” tràn ngập trong rác là rác. Từ lúc vào nghề tới nay chưa năm nào chị được đón giao thừa trọn vẹn bên gia đình. Tết là lúc cao điểm phải tăng ca ngày đêm với khối lượng công việc cao gấp nhiều lần so với ngày thường. Chị Nữ chia sẻ: “Buồn nhất là những đêm giao thừa đón Tết một mình cùng với chiếc chổi và con đường, lúc ấy cũng tủi thân nhưng bù lại, sáng người thị thành thức giấc đường phố trở nên sạch đẹp, đó là niềm vui của mình rồi”.

Tết, đã gần 4 giờ sáng, sương sớm cũng rơi nhiều nhưng tiếng chổi tre của những chị lao công trên các tuyến đường nội ô TP.Bến Tre vẫn chưa chịu ngừng. Chị Nữ đi làm lúc 1 giờ khuya đến 4 giờ 30 sáng mới về nhà giặt giũ, lo cơm nước cho chồng con. Quần quật cả buổi xong, chưa kịp ngã lưng là đồng hồ đã 12 giờ trưa, chị lại vội vã khoác lên mình bộ đồng phục rồi tất tả “ra đường” dọn rác ở khu vực chợ phường 2. Làm đến tận 3 giờ chiều mới trở về nhà. Cứ thế công việc này chị đã quen thuộc đều đặn suốt mười mấy năm nay. Chồng chị Nữ xưa kia cũng làm chung Cty với chị. Mấy năm nay chồng chị bị bệnh ngặt nghèo phải nằm ở nhà, bao nhiêu lo toan trong cuộc sống đều do một thân chị lo lắng.

Chị Nữ nói: “Nghĩ đến hoàn cảnh gia đình mình khó khăn nên tôi chỉ biết cắm cúi, hì hục trong từng mớ rác chứ không dám mơ tưởng gì hơn”. Khi tôi hỏi: “Sao chị không chọn cho mình một công việc nhẹ nhàng và sạch sẽ hơn?”. Chị cười: “Chị em chúng tôi đa phần trình độ thấp học hết lớp 1, lớp 2 chữ nghĩa đâu mà chọn làm công việc khác. Có được việc làm ở đây là mừng lắm rồi”.

Những ngày Tết đến tấp nập kẻ bán người mua, nhộn nhịp khắp phố phường và vẫn như mọi năm, chị Nữ và những công nhân vệ sinh đã có mặt tại nơi tập kết và chia thành từng tốp nhỏ theo xe đẩy, tỏa ra các tuyến đường nội thành để thu gom rác. Tiếng chổi của những nữ lao công vẫn khua đều đều, xoèn xoẹt suốt cả đêm. “Các thành viên trong đội đều chịu thương, chịu khó, không ngại khổ chỉ mong công việc và tiền lương đều đặn để trang trải cuộc sống thường nhật” – Chị Nữ chia sẻ. Và tâm sự của chị Nữ cũng là nỗi lòng của nhiều chị lao công khác trong đội vệ sinh đường phố của Cty Công trình đô thị Bến Tre.

Bao nhiêu năm gắn bó với công việc của một công nhân vệ sinh, họ đã hoài lỗi hẹn những giây phút sum vầy đâm ấm bên gia đình trong những ngày Tết hay đêm giao thừa. Chị Nguyễn Thị Vô- Đội trưởng đội vệ sinh đô thị cho biết: “Hiện đội vệ sinh có 20 công nhân nữ. Tết là lúc cao điểm các chị phải làm việc nhiều. Sau khi tổng vệ sinh chợ hoa xuân, tổ vệ sinh tiếp tục quét rác dọc các tuyến đường nội ô thành phố cho sạch sẽ, tươm tất. Sau Tết, các chị lại phải hì hục thu dọn rác thải trả lại cảnh quang thành phố sạch sẽ như ban đầu”. “Và đa phần các chị từ lúc vào nghề tới nay hầu như không ai năm nào được đón giao thừa cùng gia đình tại nhà” – chị Vô nói.

Mưu sinh ngập tràn trong rác

Những mảnh đời mưu sinh vất vả trong từng mớ rác

Những mảnh đời mưu sinh vất vả trong từng mớ rác

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/ngay-tet-thuc-cung-chi-lao-cong-quet-rac-517023.bld