Ngày sum họp

10 giờ tối, cả làng đã chìm sâu vào giấc ngủ sau một ngày quần quật trên đồng, trên nương. Bỗng mọi người bị khua dậy bởi tiếng chửi bới, kêu la ầm ĩ từ nhà anh Lập.

- Mày ra đây, ông giết. Lần này thì ông bắt tận tay, day tận trán, còn chối nữa không. Để ông gọi thằng An, công an xã đến đây lập biên bản, để cả xã, cả vùng này biết, cho chúng mày nhục nhã.

- Thôi thôi, tôi xin, tôi lạy ông, tôi xin chừa… - tiếng chị Bưởi, vợ anh Lập khóc lóc lạc cả giọng. Chen vào mớ âm thanh đó là tiếng một người đàn ông rú lên thất thanh:

- Á! Á! Ối ai cứu tôi! Nó giết tôi!

Rồi tiếng gậy đập bình bịch, tiếng chân chạy huỳnh huỵch, tiếng kêu, tiếng khóc… hỗn loạn. Mấy người hàng xóm loang loáng đèn pin chạy sang, thấy nhà anh Lập vẫn tối om. Tất cả chạy ào vào nhà, mấy cái đèn pin cùng rọi vào chỗ cái giường kê trong buồng: anh Lập đang túm chặt một người đàn ông lạ mặt, liên tiếp đấm đá túi bụi. Ông kia đầu hói gần hết, mặt tái dại, áo quần xộc xệch, vừa cố đỡ đòn vừa la hét hết cả hơi. Chị Bưởi ngồi bệt gần đó, mặt mũi sưng tím, nhòe nhoẹt nước mắt nước mũi.

Chuyện là, ông đầu hói tên Sâm, ở xã bên cạnh, lâu nay vẫn qua lại nhà chị Bưởi mua ngô, sắn khô về cho đàn lợn gà. Ông Sâm đã hơn 60 tuổi, vợ mất sớm, con cái lại ở xa. Hàng ngày ông vẫn lọ mọ chăm đàn gà, mấy con lợn. Từ ngày ông mua ngô nhà chị Bưởi, hai người quen nhau, nói chuyện ra chiều cũng hợp ý. Chị Bưởi cũng sống một mình, 2 đứa con lớn đi làm thuê dưới Hà Nội, còn anh Lập cả năm nay không về mà ở hẳn với cô nhân tình mãi tận trên miền ngược. Chị Bưởi và người làng cứ nói là anh Lập ăn phải “bùa” của cô kia, ở rịt trên ấy, chẳng ngó ngàng gì đến vợ con nữa.

Chị Lập hơn 40 tuổi, trông vẫn mặn mà lắm. Chị thấy mến ông khách hiền lành, chịu thương chịu khó, lại thương ông còn khỏe mạnh nhanh nhẹn mà thiếu hơi người đàn bà. Ông Sâm tính hay rủ rỉ rù rì, chị Bưởi thì cần người dốc bầu tâm sự. Họ xích lại gần nhau lúc nào chẳng biết…

Hôm ấy trời đã tối, ông Sâm đạp xe đến nhà chị Bưởi. Ông bảo chị: “Nhà tôi hết ngô rồi, sáng mai đàn gà chẳng còn gì ăn, chị cân cho tôi một ít”. Hai người cùng khênh bao ngô ra chỗ sáng đèn, rồi cùng vục tay vào trong bao xem hạt ngô. Hai bàn tay chạm nhau, rồi chẳng biết trời xui đất khiến thế nào, ông nắm lấy tay chị Bưởi… Họ không hề biết là bên ngoài hàng rào, anh Lập đang dõi theo từng cử chỉ của họ.

Mọi chuyện đến tai anh Lập là do họ hàng nhà anh trong xóm thấy ông Sâm cứ đến nhà chị Bưởi mua ngô là ngồi chuyện trò rất lâu. Hai người chưa có gì nhưng lời ong tiếng ve đã lan ra khắp xóm. Mấy người trong họ gọi điện báo cho anh Lập. Thế là anh bí mật về làng từ mấy hôm nay để “kiểm tra” cô vợ.

Sau cái buổi tối ầm ĩ ấy, trong làng người thì bảo, “ôi dào, ông ăn chả thì bà ăn nem, ai bảo anh Lập theo nhân tình đi biệt, để vợ một mình”. Người thì nhiếc, “thì đàn ông trăng gió là chuyện thường, đằng này đàn bà phải biết giữ mình”…

Chị Bưởi từ hôm ấy ngượng với hàng xóm, ít hẳn giao du. Còn anh Lập thì về ở nhà hẳn, không lên miền ngược nữa. Ít lâu sau lại thấy họ cùng ra đồng, lên nương làm việc. Gần đây họ còn cất được ngôi nhà mới khang trang giữa khu vườn đã được dọn sạch cỏ, hàng rào cắt tỉa gọn gàng. Có vẻ họ đã tha thứ cho nhau.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/ngay-sum-hop-post178671.html