“Ngày ngàn năm”

- Xem ra, người Hà Nội nhiều không gian “lễ” nhưng lại ít nơi để “hội”? Hay là tại vì các nhà tổ chức vẫn quen ghép không gian “Lễ” và “Hội” CÙNG nhau nên nơi vừa đẹp vừa trang nghiêm như Hồ Gươm trở nên quá tải?

1. Tưng mưng sáng, loa phường gọi các cư dân dọn vệ sinh. Loáng cái, đã thấy các ngõ, sân sạch tinh tươm (không thấy tên ai bị nhắc trên loa vì “trốn” lao động tập thể - có lẽ vì “Ngày Ngàn năm” nên dân tình tự giác hơn). Mấy hôm nay thấy phụ nữ “xóm này” , “khu này”, “phố này” ai cũng đẹp hơn thường ngày. Các bà, các chị gọi nhau ời ời. Ai nấy ồ à khen người kia “hôm nay xinh thế, trẻ thế”. Cũng đẹp thật, diện thật nhưng mà cộng thêm sự hào phóng lời khen như mồng một Tết gặp nhau. Ai không “mít tinh, hội diễn” thì ở nhà nhìn lên màn hình xem truyền hình. Chỉ có khác Lễ, Tết bình thường khác là ít lời chê bai hơn. (Ngày Ngàn năm mà, săm soi quá cũng không tiện”). Có người bảo: Lâu lắm rồi (hình như từ năm 1975 tới giờ), Hà Nội lại có không khí cả phường, cả phố tràn ngập không khí hội hè thế này. Có cái gì đó giống hội làng, mang một chút dư âm thời bao cấp: vui tập thể... 2. Thế mà đường rộng, thoáng - khác với tưởng tượng của nhiều người. Lưng sáng, lưng chiều, chạy xe máy từ Mỹ Đình lên Hồ Gươm, vòng qua Hồ Tây rồi quành về ngã Tư Sở, không phải mất một lần giẫm phanh nào. Ai đó bảo: “Tại cấm xe tải”, có người nói: “Tại vì nghe nói cảnh sát Giao thông phạt gắt lắm nên xe, người không ai chen lấn. Ngày Ngàn năm mà..”. Cờ, phướn rợp phố, rợp nhà, rợp trời. Tiếng loa truyền thanh truyền đi bài hịch “Chiếu dời đô” nghe rất hào sảng (Lần đầu tiên thấy không khó chịu với cái “loa treo đầu tai” như thế này. Có lẽ bởi đang ngày Chủ nhật và lại là tâm trạng dịp “Ngày Ngàn năm”). Phố xá như được trang điểm bằng hoa và áo dài đủ màu, đủ kiểu... Chị bán quà vặt, anh xe ôm, anh đổ ga, bà bán chè chén... cũng ăn mặc tươm tất, tươi tắn hơn ngày thường. Bỗng dưng thấy vui vui. Lòng náo nức, rộn ràng như ngày nhỏ ra đường LÀNG ngày Tết. 3. Sém tối, dòng người ùa ra từ các ngã đổ về trung tâm Hồ Gươm. Đúng là “Lung linh Hồ Gươm”. Đèn. Pháo hoa. Người chật như nêm. Như thói quen của người Việt Nam bao nhiêu năm qua, cứ có Lễ, có Hội là ùa về Hồ Gươm. Có lẽ chưa bao giờ người Hà Nội và người đến Hà Nội no đủ các chương trình ca nhạc, triển lãm như đợt này. Sự nôn nao, phấn khích của người yêu Hà Nội sang ngày thứ 2 cũng vơi đi ít nhiều khi thấy những cảnh xấu “Ngày Ngàn năm” cũng không đổi: Vặt hoa, giẫm cành và “chém” (nâng giá dịch vụ) du khách. Thôi thì thể tất: “Ngày Ngàn năm”. Nhiều gia đình tranh thủ đem con đi chơi... siêu thị trong những ngày thứ 7, Chủ nhật trùng với Đại lễ. “Bọn” tuổi teen quành vài vòng lên phố lại rủ nhau vào mạng. Xem ra, người Hà Nội nhiều không gian “lễ” nhưng lại ít nơi để “hội”? Hay là tại vì các nhà tổ chức vẫn quen ghép không gian “Lễ” và “Hội” CÙNG nhau nên nơi vừa đẹp vừa trang nghiêm như Hồ Gươm trở nên quá tải? 4. Khuya. Xem truyền hình cuối ngày. Đọc báo mạng. Bên cạnh các lễ hội được truyền hình trực tiếp là thông tin về lốc, lụt miền Trung. Lại chợt nhớ cụm từ quen thuộc “Hà Nội trái tim của cả nước”. Lại nhớ lời trong một bài hát của nhạc sĩ Trần Hoàn những năm 80 của thế kỷ trước với những ca từ hết sức da diết đại loại “thương quê mình, hết hạn rồi lại mưa...”, “Huế ơi! Hà Nội đây rồi!...”. Và, bỗng cồn cào nhớ một câu thơ hồi cả nước đánh Mỹ: ”Giặc Mỹ ném bom Hà Nội rồi/ Hà Nội có Bác Hồ đang ở”. Sáng đầu tuần, Hà Nội hơi se se, chắc “lây” áp thấp miền Trung. Cô cháu ở quê nhắn: “O (cô) ơi! Sáng nay trong này mưa to lắm. Trong này cứ lo Hà Nội mưa, Lễ hội bị ướt...” Vâng! Hà Nội muôn đời là trái tim của cả nước! Một cán bộ về hưu nói rằng nếu cầu chúc cho Hà Nội nhân Ngày Ngàn năm thì sẽ một “dòng” tâm huyết: “Mong Hà Nội luôn là lá cờ đầu, là niềm tự hào của cả nước trên tất cả mọi phương diện, xứng đáng với tình cảm và kỳ vọng của cả nước giành cho Hà Nội”. Nghe quá thì như là chân lý hiển nhiên, nhưng không phải dễ thực hiện... Chí ít ra thì từ những việc nhỏ nhất nơi “chơi” của Hà Nội phải to và đẹp nhất cả nước. Người Hà Nội hào hoa biết chi tiêu đúng cách. Và ở Hà Nội không có cảnh bẻ hoa, tỉa cành... Diệu An

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1982/201010/Ngay-ngan-nam-1771041/