Ngày này năm xưa 4/7: Ngày Thành lập Cục Công Thương địa phương

Ngày này năm xưa 4/7/2003, Bộ Công nghiệp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Cục Công nghiệp địa phương (nay là Cục Công Thương địa phương).

Chuyên mục “Ngày này năm xưa”, Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương và quốc tế ngày 4/7; các sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Từ ngày 4/7 - 27/7/1954, theo quyết định của Hội nghị Geneve, đoàn đại biểu Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và đoàn đại biểu Bộ tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp đã tham dự Hội nghị quân sự tại Trung Giã, cách thị xã Thái Nguyên hơn 30 km. Sau hơn 20 ngày làm việc, Hội nghị quân sự Trung Giã đi đến những kết quả cụ thể như: Giải quyết thỏa đáng vấn đề trao trả tù binh, thỏa thuận những biện pháp để thực hiện ngừng bắn trên toàn bộ chiến trường Việt Nam.

Ngày 4/7/1978, Bệnh viện Đông y Quân đội, tiền thân của Viện Y học cổ truyền Quân đội ngày nay chính thức được thành lập. Trải qua 45 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương; sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, Viện đã có những bước tiến vượt bậc về công tác điều trị, huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học và bào chế, sản xuất thuốc Đông dược; tích cực nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu y học tiên tiến và y học cổ truyền trong công tác chẩn đoán, điều trị bệnh; kết hợp chặt chẽ giữa y học cổ truyền và y học hiện đại điều trị thành công nhiều ca bệnh khó. Đặc biệt, Viện đã có bước đột phá mạnh mẽ, thực hiện tốt công tác huấn luyện - đào tạo về chuyên môn y học cổ truyền và công tác điều trị, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội.

Ngày 4/7/2003, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) ban hành Quyết định số 115/2003/QĐ-BCN quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Công nghiệp địa phương (nay là Cục Công Thương địa phương) - cơ quan trực thuộc giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp địa phương trên phạm vi cả nước.

Cục Công nghiệp địa phương được thành lập cho thấy tầm nhìn chiến lược của Lãnh đạo Bộ Công nghiệp trong việc nắm bắt xu hướng phát triển công nghiệp địa phương trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Với phương châm hành động “Bắc cầu đi tới thành công” thể hiện sự nhất quán, kiên định trong đường lối phát triển công nghiệp của Đảng và Nhà nước; Cục Công Thương địa phương xác định rõ vai trò cầu nối giữa Bộ Công Thương với các địa phương nhằm triển khai nhiệm vụ chung của Ngành và chung tay vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trao tặng Cờ thi đua của Bộ Công Thương cho tập thể Cục Công Thương địa phương trong Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập

Cục đã tham mưu Lãnh đạo Bộ, trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện chủ trương chính sách pháp luật quan trọng về phát triển công nghiệp; trong đó văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên Cục chủ trì tham mưu ban hành là Nghị định số 134/2004/NĐ-CP về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục, tạo hành lang pháp lý và hỗ trợ hiệu quả, xuyên suốt trong quá trình quản lý nhà nước về công nghiệp địa phương.

Trong suốt chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Cục Công Thương địa phương đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng, hòa chung dòng chảy của toàn ngành Công Thương, góp phần mang lại những giá trị phát triển mới cho đất nước.

Ngày 4/7/2012, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 112-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Đối ngoại Trung ương

Ngày 4/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 55/NQ-CP phê duyệt phạm vi khu vực cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tỉnh Quảng Bình.

Ngày 4/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 57/NQ-CP về việc không ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố Đà Nẵng theo Nghị định số 144/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngày 4/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.

Ngày 4/7/2017, Chính phủ Nghị quyết số 59/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngày 4/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 945/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Ngày 4/7/2018, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 16/2018/TT-BCT quy định chi tiết thi hành công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Công Thương.

Ngày 4/7/2018, Bộ Công Thương ban hành Văn bản hợp nhất 15/VBHN-BCT về hợp nhất Nghị định quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa.

Ngày 4/7/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ".

Sự kiện quốc tế

Ngày 4/7/1848, nhà vǎn Pháp Francois-René de Chateaubriand qua đời. Ông sinh nǎm 1768, là người mở đầu cho trào lưu lãng mạn trong văn học Pháp.

Nhà bác học Marie Curie

Ngày 4/7/1934, nhà bác học Marie Curie qua đời. Bà là nhà vật lý học, nhà hóa học Pháp gốc Ba Lan, nổi tiếng trên toàn thế giới về nghiên cứu chất phóng xạ. Bà là người phụ nữ đầu tiên và cũng là duy nhất trên thế giới hai lần được nhận giải thưởng Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 4/7/1924, Tập san Inprekorr của Quốc tế Cộng sản đăng phát biểu của Nguyễn Ái Quốc tại Phiên họp thứ 8 của Đại hội V của tổ chức này, với một thông điệp mạnh mẽ: “Ở đây tôi xin phát biểu để các đoàn đại biểu các thuộc địa lưu ý. Vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới tùy thuộc phần lớn vào các thuộc địa. Đây là nơi cung cấp lương thực và binh lính cho các nước đế quốc chủ nghĩa. Nếu chúng ta muốn đánh bại các nước đế quốc, chúng ta phải bắt đầu bằng việc tước thuộc địa của chúng đi”.

Ngày 4/7/1946, Bác viếng mộ các nghĩa sĩ tại đồi Mont Valerien - nơi phát xít Đức xử bắn những du kích kháng chiến Pháp trong Chiến tranh Thế giới thứ hai và xúc động phát biểu: “Trông thấy nghĩa sĩ Pháp vì độc lập và tự do mà bị người Đức tàn sát, lại nghĩ đến nghĩa sĩ Việt cũng vì độc lập, tự do mà cũng bị người khác tàn sát, khiến cho người ta thêm nỗi cảm động, ngậm ngùi. Quyền độc lập, tự do ở nước nào cũng vậy, đều do xương máu của các nghĩa sĩ và sự đoàn kết của toàn quốc dân mà xây nên. Vậy nên, những người chân chính yêu chuộng độc lập, tự do của nước mình, thì cũng phải kính trọng độc lập, tự do của dân tộc khác”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam (5/1/1959)

Ngày 4/7/1958, Báo Nhân Dân đăng bài báo của Bác Hồ dưới nhan đề "So sánh" nêu lên những tấm gương tốt đã được Bác tặng huy hiệu đối lập với một vụ trốn thuế mới được phát hiện của những kẻ - được bài báo gọi là "vi phú bất nhân" và kết luận bằng mấy vần thơ:

"Ai xây mỹ tục thuần phong, / Ai là những kẻ đồng lòng xấu xa? / Trăm năm trong cõi người ta, / Ai là đáng kính, ai là đáng khinh?"

Ngày 4/7/1964, trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1379 đưa tin Quốc hội khóa III, Kỳ họp thứ nhất bế mạc và thành công rực rỡ, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 4/7/1966, tại Hà Nội, Bác dự chiêu đãi ông G.Xanhtony, phái viên của Tổng thống Pháp. Trong câu chuyện trao đổi, Bác nhắn nhủ: "Nếu ông có gặp người Mỹ, ông hãy nói cho họ biết rằng chúng tôi không sợ Mỹ, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng dù phải hy sinh tất cả. Mỹ rút đi thì mọi việc sẽ được giải quyết. Nhưng chừng nào còn một tên Mỹ trên đất nước chúng tôi, chúng tôi còn tiếp tục chiến đấu".

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-47-ngay-thanh-lap-cuc-cong-thuong-dia-phuong-260720.html