Ngày này năm xưa 25/2: Ngày thành lập Ban Nghiên cứu về Hiệp định Thương mại tự do

Ngày này năm xưa 25/02/2004, Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành Quyết định về việc thành lập Ban Nghiên cứu về Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước và quốc tế ngày 25/2; Các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 25/2.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 25/2/1924, nhà văn Phạm Duy Tốn qua đời, ông sinh năm 1881, quê ở tỉnh Hà Tây.

Nhà văn Phạm Duy Tốn tốt nghiệp trường thông ngôn, làm việc ở tòa thống sứ Bắc Kì, rồi làm ở Ngân hàng Đông Dương. Ông còn viết báo ở Hà Nội và Sài Gòn. Hai truyện ngắn của ông “Sống chết mặc bay” (năm 1918) và “Con người Sở Khanh” diễn tả cảnh đen tối, thối nát của xã hội thuộc địa nửa phong kiến được coi là tác phẩm mở đường cho thể loại truyện ngắn ở miền Bắc nước ta.

Ngày thành lập Lữ đoàn 649 Cục Vận tải

Ngày 25 đến 28/2/1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay thuộc Hà Nội) để bàn về việc mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang.

Ngày 25/2/1944, Trung đội Cứu quốc quân III được thành lập tại rừng Khuổi Kịch (châu Sơn Dương, Tuyên Quang) trước sự chứng kiến của đồng chí Hoàng Quốc Việt. Trung đội gồm 30 chiến sĩ, do đồng chí Triệu Khánh Phương làm chỉ huy trưởng.

Ngày 25/2/1952, Lữ đoàn 649 tiền thân là Đoàn Hồng Hà thành lập tại bến Phương Lâm, thị xã Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Đây là lữ đoàn vận tải thủy quan trọng, chiến lược của Tổng cục Hậu cần với những đoàn tàu trọng tải lớn, hiện đại đang ngày đêm đạp sóng biển, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Lữ đoàn 649 được giao nhiệm vụ vận chuyển với khối lượng hàng hóa lớn, đi hầu hết các hướng trên vùng sông biển của đất nước, trong đó trọng tâm là vận chuyển vật chất hậu cần, vũ khí đạn dược, xăng dầu và các trang bị khí tài kỹ thuật… cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị trong toàn quân. Đặc biệt, đơn vị còn phối hợp với Quân chủng Hải quân thực hiện thắng lợi gần 30 mùa vận chuyển hàng hóa xây dựng Trường Sa với khối lượng trên 160.000 tấn hàng hóa và hơn 3.000 lượt người đến các vùng biển đảo của Tổ quốc. Cùng với đó, các tàu của Lữ đoàn 649 còn tham gia nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và sẵn sàng chiến đấu trên biển đảo, tích cực tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn…

Trải qua 70 năm, với những thành tích tiêu biểu trong công tác, xây dựng, chiến dấu, Lữ đoàn 649 được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần trao tặng nhiều phần thưởng cao quý trong đó có Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trong dịp kỉ niệm 65 năm truyền thống đơn vị (25/02/2017), Lữ đoàn 649 vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 25/2/1966, tại Hà Nội, những người làm công tác sử học đã tiến hành Đại hội thành lập Hội khoa học lịch sử Việt Nam.

Hội khoa học lịch sử Việt Nam là một hội nghề nghiệp có hệ thống từ Trung ương đến các địa phương. Từ ngày ra đời đến nay, Hội khoa học lịch sử Việt Nam đã đóng góp to lớn vào công tác nghiên cứu, sưu tầm, giảng dạy bộ môn lịch sử. Nhiều công trình khoa học được công bố có giá trị lịch sử và thực tiễn cao. Nhiều nhà sử học đã đóng góp vào việc lưu giữ và biên soạn các bộ sách sử có giá trị.

Ngày 25/02/1995, Bộ Thương mại có Thông tư số 05/5 TM-XNK hướng dẫn thực hiện Quy chế Hội chợ và Triển lãm thương mại.

Ngày 25/2/2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 09/2003/PL-UBTVQH11 về động viên công nghiệp nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đề cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về động viên công nghiệp và phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân, góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật bảo đảm tốt cho nhiệm vụ quốc phòng an ninh.

Ngày 25/2/2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 08/2003/PL-UBTVQH11 về trọng tài thương mại. Pháp lệnh này quy định về tổ chức và tố tụng trọng tài để giải quyết các vụ tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại theo sự thỏa thuận của các bên.

Ngày 25/02/2004, Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành Quyết định 0230/2004/QĐ-BTM về việc thành lập Ban Nghiên cứu về Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Ngày 25/2/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 31/2008/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án thủy điện Sơn La, ban hành kèm theo Quyết định số 02/2007/QĐ-TTg ngày 09/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 25/2/2008, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 01/2008/TT-BKHCN hướng dẫn việc cấp, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp.

Ngày 25/02/2009, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 1008/QĐ-BCT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hóa chất.

Ngày 25/02/2010, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 1103/QĐ-BCT về việc kiểm tra nhập khẩu và sử dụng muối hạn ngạch thuế quan cho sản xuất công nghiệp và chế biến thực phẩm.

Ngày 25/02/2011, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 05/2011/TT-BCT quy định về giá bán điện năm 2011 và hướng dẫn thực hiện.

Ngày 25/02/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 643/QĐ-BCT về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Công Thương.

Sự kiện quốc tế

Ngày 25/2/628: Vua Ba Tư Khosrau II bị phế truất trong một cuộc binh biến do con là Kavadh II tiến hành.

Ngày 25/2/1793, Quang Tự Đế lên ngôi hoàng đế triều Thanh, Từ Hi Thái hậu và Từ An thái hậu đồng nhiếp chính.

Ngày 25/2/1932, Adolf Hitler nhập quốc tịch Đức và tham gia tranh cử Tổng thống.

Ngày 25/2/1951: Đại hội Thể thao liên Mỹ lần thứ nhất khai mạc tại Buenos Aires, Argentina với 21 quốc gia tham dự.

Ngày 25/2/1986: Tổng thống Ferdinand Marcos bị lật đổ sau 20 năm cầm quyền; Corazon Aquino (hình) trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Philippines.

Ngày 25/2/2008, Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia.

Sự kiện về Bác Hồ

Ngày 25/2/1946, Bác dự họp Hội đồng Chính phủ và cùng ngày đã thỏa thuận được với Xanhtơni rằng cần phải tạo không khí hòa dịu để cuộc đàm phán sau này thuận lợi và xác định lập trường của mình là “Độc lập và Hợp tác” trong quan hệ với nước Pháp.

Ngày 25/2/1952, sau Chiến thắng Hòa Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi Ban chỉ huy và các chiến sĩ mặt trận Hòa Bình, dân công phục vụ chiến dịch và đồng bào địa phương. Trong thư có đoạn: “Tôi căn dặn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào: chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch… Thắng lợi lần này đã đánh dấu một bước tiến bộ mới của bộ đội ta, và đã làm cho địch thất bại nhục nhã trong âm mưu củng cố phòng ngự chuyển lên tiến công...”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cụ Tôn Đức Thắng đến dự phiên họp đặc biệt của Hội đồng Chính phủ tại Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ. Ảnh: Tư liệu.

Ngày 25/2/1961, bế mạc Hội nghị của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Quân đội ta là Quân đội Nhân dân. Chiến tranh của ta là Chiến tranh Nhân dân. Quân đội phải gắn chặt với dân. Trong quân đội, tác phong đồng cam cộng khổ là rất quan trọng. Trang bị kỹ thuật phải tiến lờn, nhưng sinh hoạt của bộ đội phải phù hợp với sinh hoạt của nhân dân”.

Ngày 25/2/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chào mừng Hội nghị Nhân dân Đông Dương (họp tại Phnôm Pênh, thủ đô Vương quốc Campuchia từ ngày 1 đến 9/3/1965). Trong thư, Người khẳng định đế quốc Mỹ đã phá hoại Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, và năm 1962 về Lào, xâm phạm chủ quyền các quốc gia của ba nước Đông Dương và kết luận: “Nhân dân ba nước anh em Việt Nam, Campuchia và Lào vốn đã luôn luôn cùng nhau sát cánh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Đứng trước nguy cơ một cuộc chiến tranh mở rộng do Mỹ gây nên, nhân dân ba nước chúng ta đoàn kết chặt chẽ chống đế quốc Mỹ, thì chúng ta nhất định thắng lợi.”

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010)

Việt Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-252-ngay-tha-nh-la-p-ban-nghien-cu-u-ve-hie-p-di-nh-thuong-ma-i-tu-do-243777.html