Ngày này năm xưa 24/6: Khánh thành Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao

Ngày này năm xưa 24/6, khánh thành Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao; Bộ Thương mại ban hành Nội quy mẫu về chợ.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 24/6 trong nước, ngành Công Thương và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 24/6/1945, tại Phú Bình, Thái Nguyên, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, các lực lượng quần chúng nhân dân đã phá kho thóc Cầu Mây của phát xít Nhật đem khoảng 300 tấn thóc chia cho đồng bào cứu đói.

Ngày 24/6/1936, 60 thủy thủ Việt Nam làm trên các tàu buôn của Pháp đã họp hội nghị tại Mácxây (Marseille) đưa ra bản yêu sách với giới chủ.

Đồng chí Nguyễn Minh Châu, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96, quán triệt nhiệm vụ cho đơn vị trước khi thực hiện nhiệm vụ. Ảnh tư liệu

Ngày 24/6/1954, Quân đội Việt Nam tiêu diệt toàn bộ Binh đoàn cơ động 100 quân viễn chinh Pháp trong trận Đắk Pơ.

Trận Đắk Pơ là trận phục kích của bộ đội chủ lực Liên khu 5 đánh quân Pháp rút chạy trên quốc lộ 19, từ An Khê về Pleiku. Đây là trận đánh lớn cuối cùng trong kháng chiến chống Pháp và cũng là chiến thắng lớn nhất của ta trên chiến trường Liên khu 5.

Ngày 24/6/1962, khánh thành Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ), một xí nghiệp hóa chất lớn do Liên Xô giúp ta xây dựng.

Bác Hồ cùng các chuyên gia Liên Xô về thăm Nhà máy Supe Lâm Thao ngày 19/8/1962

Ngày 24/6/1966, Viện Bảo tàng Mỹ thuật (nhà số 66 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội) bắt đầu đón khách tham quan.

Từ ngày 24/6 đến ngày 3/7/1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất họp Kỳ thứ nhất tại Thủ đô Hà Nội.

Ngày 24/6/1988, Họa sĩ Bùi Xuân Phái qua đời; ông sinh ngày 1/9/1920. Bùi Xuân Phái là họa sĩ để lại dấu ấn ở nhiều đề tài, thể loại nhưng đặc biệt ghi dấu ấn ở chủ đề phố cổ Hà Nội với nhiều tác phẩm có phong cách riêng, giàu cảm xúc - sâu sắc đến độ trở thành danh từ "Phố Phái". Ông để lại hàng ngàn tác phẩm và nhiều minh họa trên sách báo. Trong đó có nhiều tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội và bảo tàng nhiều nước khác.

Từ ngày 24/6 đến ngày 27/6/1991, tại hội trường Ba Đình Hà Nội đã tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng cộng sản Việt Nam.

Đại hội đã thông qua "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội", nội dung cơ bản của chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đến nǎm 2000; Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương (khóa 6) về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết đại hội VI và phương hướng nhiệm vụ chủ yếu 5 nǎm 1991 - 1995; Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi điều lệ Đảng, và thông qua điều lệ mới của Đảng.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa VII gồm 146 đồng chí. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu ra Bộ Chính trị gồm 13 đồng chí, Ban Bí thư gồm 13 đồng chí. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng bí thư.

Ngày 24/6/1998, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 42/1998/QĐ-BCN về việc tiếp nhận và sáp nhập Xí nghiệp thủy tinh Thái Bình vào Công ty Thủy tinh Phả Lại thuộc Tổng công ty Sành sứ, Thủy tinh Công nghiệp.

Ngày 24/6/2003, Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành Quyết định số 0772/2003/QĐ-BTM về việc ban hành Nội quy mẫu về chợ.

Chợ Đồng Xuân (Hà Nội)

Ngày 24/6/2003, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 103/2003/QĐ-BCN về việc sáp nhập Công ty Thủy tinh Phả Lại vào Công ty Bóng đèn Điện Quang và đổi tên Công ty Thủy tinh Phả Lại thành Xí nghiệp thủy tinh Phả Lại.

Ngày 24/6/2003, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 102/2003/QĐ-BCN về việc chấm dứt hoạt động của Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam.

Ngày 24/6/2004, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 55/2004/QĐ-BCN về việc chuyển Công ty Máy kéo và Máy nông nghiệp thành Công ty TNHH MTV Máy kéo và Máy nông nghiệp.

Ngày 24/6/2016, Liên Bộ Công Thương, Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch 90/2016/TTLT-BTC-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT_BTC ngày 29/10/2014 quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định.

Sự kiện quốc tế

Ngày 24/6/1859, tại trận Solferino, trận đánh đóng vai trò quan trọng đối với sự thống nhất nước Ý, quân đội Pháp dưới quyền chỉ huy của Napoleon III đánh bại người Áo tại miền Bắc Ý.

Ngày 24/6/2002, tại Tanzania, gần 300 hành khách đã thiệt mạng khi con tàu chở 1.200 người mất lực đẩy ở một khúc cua trên ngọn đồi gần thủ đô Dodoma và lao ngược trở lại với tốc độ cao, đâm vào một tàu chở hàng.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 24/6/1922, tờ “L’ Humanité” (Nhân Đạo) đăng bài “Lời than vãn của bà Trưng Trắc” của Nguyễn Ái Quốc. Qua câu chuyện kể về một giấc mơ của Khải Định gặp Trưng Trắc, tác giả mượn lời của vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc nguyền rủa Khải Định là tên vua “đớn hèn, bất lực và ngu dốt”, đã cam tâm làm tôi tớ cho thực dân Pháp, phản lại tổ tiên, đồng thời lên án nặng nề chế độ phong kiến Nam triều.

Ngày 24/6/1946, tại Pa-ri, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp hơn 100 đại biểu trí thức Nam bộ đến chào và bày tỏ tinh thần thống nhất quốc gia. Cùng ngày, Bác tiếp Bộ trưởng Hải ngoại Mariuyt Mutê và J. Xanhtơny cùng một số nhân viên cấp cao trong Chính phủ Pháp và Đô đốc Đácgiăngliơ (D’ Argenlieu) và Ban trị sự Hội Pháp - Việt hữu nghị mới thành lập... Trong số những Việt kiều đến chào Bác còn có triết gia Trần Đức Thảo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ I, năm 1952. Ảnh tư liệu

Ngày 24/6/1959, Bác đón tiếp Tổng thống Indonesia sang thăm Việt Nam. Trong diễn văn chào đón tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) Bác chân tình nói: “Được đón tiếp Tổng thống Sukarno, nhân dân Việt Nam có cảm tưởng vui sướng như được ôm ấp vào lòng mình 88 triệu anh em Indonesia anh dũng. Có mối tình thương yêu ấy, vì hai dân tộc ta cùng có một hoàn cảnh giống nhau, cùng có một lịch sử vẻ vang kháng chiến oanh liệt chống bọn thực dân cướp nước, giành lại độc lập tự do. Hai dân tộc ta đều phải tiếp tục đấu tranh để giải phóng hoàn toàn đất nước và trong cuộc đấu tranh đó, hai dân tộc ta thông cảm lẫn nhau, ủng hộ lẫn nhau”.

Ngày 24/6/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ chuẩn bị các văn bản trình Quốc hội gồm: Báo cáo của Hội đồng Chính phủ, Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án Nhân dân tối cao, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Phát biểu tại cuộc họp, Người nhấn mạnh rằng, luật phải có sự phân công rành mạch giữa công an, viện kiểm sát và tòa án.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-246-khanh-thanh-nha-may-supe-phot-phat-lam-thao-259300.html