Ngày này năm xưa 10/7: Xây dựng kế hoạch, quản lý kinh phí khuyến công quốc gia

Ngày này năm xưa 10/7, Bộ Công Thương ban hành Thông tư về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia.

Sự kiện trong nước:

Ngày 10/7/2018, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 17/2018/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2013/TT-BCT ngày 27/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia.

Đề án khuyến công quốc gia điểm (sau đây gọi là đề án điểm) là đề án khuyến công quốc gia (sau đây gọi là đề án) được lập theo ngành nghề sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia, vùng, địa phương; có từ 02 nội dung hoạt động khuyến công và 02 đối tượng thụ hưởng trở lên; thời gian thực hiện từ 02 đến 03 năm; các nội dung hoạt động khuyến công trong đề án có sự liên kết nhằm khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.

Hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn phát huy hiệu quả

Cục Công Thương địa phương rà soát, lựa chọn đề án, nhiệm vụ theo danh mục đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia của các địa phương, đơn vị, Trung tâm Khuyến công quốc gia ở các vùng và bổ sung thêm đề án, nhiệm vụ của Cục Công Thương địa phương để tổng hợp kế hoạch khuyến công quốc gia trình Bộ Công Thương xem xét, tổng hợp chung vào kế hoạch ngân sách nhà nước của Bộ Công Thương gửi Bộ Tài chính tổng hợp theo quy định.

Ngày 10/7/1910: Ngày sinh nhà văn Nguyễn Tuân, tại Làng Bạc – Hà Nội. Ông qua đời vào ngày 28/7/1987. Ông là cây bút văn xuôi xuất sắc trong trào lưu văn học những năm 30. Các tác phẩm nổi tiếng của ông: Một chuyến đi; Vang bóng một thời; Người lái đò trên sông Đà... Năm 1996 ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I)

Ngày 10/7/1910: Ngày sinh luật sư yêu nước Nguyễn Hữu Thọ, ông sinh ra tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An và từ trần ngày 24/12/1996 tại TP. Hồ Chí Minh. Ông là một trí thức lớn, giàu lòng yêu nước, đã hoạt động cách mạng liên tục hơn 50 nǎm.

Ngày 10/7/1105: Ngày mất của danh tướng Lý Thường Kiệt. Ông sinh nǎm 1019, quê ở làng Bắc Biên, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ông vốn họ Ngô, tên là Tuấn, tự là Thường Kiệt, do có công lớn nên được mang họ Vua - họ Lý.

Ngày 10/7/1981, ngày thành lập Bệnh viện Quân y 87. Bệnh viện Quân y 87 là bệnh viện hạng 1 thuộc Tổng cục Hậu cần nằm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, được thành lập trên cơ sở bệnh viện dã chiến. Với ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, thống nhất cao độ của Bộ đội Cụ Hồ, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên bệnh viện từng bước khắc phục khó khăn, tiếp nhận những trang thiết bị y tế cần thiết để thực hiện nhiệm vụ thu dung, điều trị.

Sự kiện thế giới:

Vêniapxki sinh ngày 10/7/1835 tại Lublin, Ba Lan và mất ngày 12/4/1880 tại Mátxcơva. Ông là người biểu diễn viôlông xuất sắc, đồng thời ông còn viết 2 bản côngxéctô và nhiều tác phẩm khác cho cây đàn này. Từ nǎm 1935, ở Ba Lan đã tổ chức cuộc thi viôlông quốc tế thường kỳ mang tên Vêniapxki.

Mácsen Prút (Marxel Prust) nhà vǎn hiện đại Pháp, sinh ngày 10/7/1871 tại ngoại ô Pari. Nǎm ông 25 tuổi ông đã in tập sách gồm một số truyện ký và thơ mang tên "Những thú vui và ngày tháng". Sau nǎm 1905 một loạt các tác phẩm khác đã ra đời. Đặc biệt phải kể đến là quyển một, bộ tiểu thuyết "Đi tìm thời gian đã mất" với nhan đề "Bên phía nhà Xa Van" và quyển hai "Dưới bóng những cô gái tuổi hoa". Trong 14 nǎm từ 1913 - 1927 ông hoàn thành bộ tiểu thuyết này gồm 16 tập, tổng công trên 4.000 trang

Các tác phẩm của ông chứa đầy ám ảnh sợ hãi về một thế giới bạo lực, trần trụi, phi nghĩa, mất nhân tính. Đó là tiếng nói thức tỉnh lương tri nhân loại. Đặc biệt thủ pháp "dòng ý thức" trong sáng tạo tiểu thuyết hiện đại thế giới. Ông mất nǎm 1929.

Ngày 10/7/1941, trong chiến dịch Barbarossa, phát xít Đức mở chiến dịch tiến công vào thành phố Smolensk nhằm mở con đường ngắn nhất để vào Moskva.

Du thuyền Bulgaria được kéo vào gần bờ. (Ảnh: Ria Novosti)

Ngày 10/7/2011, thảm họa kinh hoàng trên sông Volga khi du thuyền Bulgaria của Nga chìm trên đoạn sông Volga tại Tatarstan khiến 122 người tử vong.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 10/7/1921, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đang làm việc với các đảng viên chi bộ quận 17 tại Fontainebleau.

Ngày 10/7/1922, tại Pari, Nguyễn Ái Quốc cùng với luật sư Phan Văn Trường và kỹ sư Nguyễn Thế Truyền đến thăm Nguyễn Văn Vĩnh từ trong nước mới sang dự Hội chợ thuộc địa ở Marseille. Nguyễn Văn Vĩnh là một nhà hoạt động trên lĩnh vực văn hóa và báo chí có tư tưởng cấp tiến chủ trương chống chế độ quân chủ.

Ngày 10/7/1931, trong “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Tống Văn Sơ bắt đầu bị thẩm vấn lần thứ nhất sau khi bị nhà đương cục Hồng Kông bắt giữ.

Ngày 10/7/1948: Từ ngày 10/7 đến ngày 15/7/1948: Hội nghị giáo dục toàn quốc họp tại Việt Bắc. Đây là cuộc họp đầu tiên của ngành trong thời kỳ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới Hội nghị. Trong thư viết: "Chúng ta cần phải có một nền giáo dục kháng chiến và kiến quốc". Do vậy phải “sửa đổi triệt để chương trình giáo dục... phải có sách kháng chiến và kiến quốc cho các trường... phải sửa đổi cách dạy... phải đào tạo cán bộ mới và giúp đỡ cán bộ cũ... phải có một chương trình để nâng cao thêm trình độ văn hóa phổ thông của đồng bào”.

Hội nghị đã đánh dấu một bước phát triển mới về nội dung, phương pháp xây dựng nền giáo dục Việt Nam trong điều kiện vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

Ngày 10/7/1954, trong bài “Gửi báo cáo và xin chỉ thị” đăng trên Báo Nhân dân, Bác đề cập phương thức làm việc để bảo đảm công tác lãnh đạo có chất lượng: “Viết báo cáo, thì các tài liệu phải nghiên cứu kỹ, xét lại kỹ, phải đúng sự thật... Tuyệt đối không nên báo cáo một cách mơ hồ, giả dối, chỉ nói cái tốt mà giấu giếm cái xấu... Có như vậy, trong Đảng ý chí mới nhất trí, lãnh đạo mới thống nhất, đoàn kết mới chặt chẽ, kinh nghiệm mới dồi dào, mọi việc mới kịp thời và thành công… Cán bộ các cấp phải hiểu rõ rằng: Chế độ thỉnh thị và báo cáo là rất quan trọng và mỗi cán bộ phụ trách phải kiên quyết làm đúng chế độ ấy”.

Nhân dân phố Lò Đúc, khu phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa II (tháng 5-1960). Ảnh tư liệu

Ngày 10/7/1960, nhân thắng lợi của cuộc bầu cử Quốc hội khóa II, Bác viết bài “Quốc hội ta vĩ đại thật” đăng trên Báo Nhân dân điểm lại lịch sử và sứ mạng lịch sử của Quốc hội khóa I và kết quả tốt đẹp của cuộc bầu cử khóa II, đặc biệt là việc bảo lưu 91 đại biểu miền Nam của khóa I và 34 đại biểu mới tập kết ra Bắc đã biểu thị cho ý chí của toàn dân tộc.

Bài báo kết luận: “Quốc hội khóa I của ta là Quốc hội kháng chiến. Quốc hội khóa II này là Quốc hội xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.

Đây là sự kỳ vọng, cũng là lời căn dặn và giao nhiệm vụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh để các đại biểu Quốc hội khóa II thực sự là nơi gửi gắm quyền lực chính trị của nhân dân. Quốc hội phải tuyệt đối trung thành với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Để đạt được mục tiêu đó, mỗi đại biểu Quốc hội phải luôn sâu sát thực tế, bám nắm thực tiễn, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và bằng những hành động cụ thể, mẫu mực để làm gương và hướng dẫn nhân dân.

Ngày 10/7/1966, dưới bút danh “Chiến sĩ”, Bác viết bài “Chúng ta phải làm thật tốt việc sơ tán” đăng trên Báo Nhân dân, xác định “Việc sơ tán là một bộ phận cần thiết trong việc phòng không... Làm việc sơ tán thật tốt tức là góp phần đắc lực vào công việc phòng không, vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”.

Riêng với đồng bào phải rời đô thị đi sơ tán và đồng bào đón bà con về địa phương sơ tán, Bác nhắc lại câu ca dao: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Đồng bào cả nước phải thương nhau cùng!”.

Ngọc Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-107-xay-dung-ke-hoach-quan-ly-kinh-phi-khuyen-cong-quoc-gia-261605.html