Ngày mới của người phụ nữ không có tết

Kể từ khi chồng mất, một tay lo cho ba đứa con nheo nhóc, cuộc đời của chị Nguyễn Thị Nhàn (sinh năm 1986), trú tại thôn Trung An, xã Hải Thái, huyện Gio Linh như rơi vào ngõ cụt. Nhưng không gục ngã trước số phận, chị Nhàn đã vươn lên bằng chính nghị lực phi thường của mình.

 Trải qua vất vả, chị Nguyễn Thị Nhàn đã có những tháng ngày bình yên

Trải qua vất vả, chị Nguyễn Thị Nhàn đã có những tháng ngày bình yên

Chị Nguyễn Thị Nhàn gặp chúng tôi sau chuyến làm ăn dài ngày ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chị chia sẻ, bản thân đã quá quen với khó khăn, vất vả. Vì thế, mỗi khi nhàn nhã, thảnh thơi, chị cảm giác như thừa thãi tay chân. Thành ra, người phụ nữ dạn dày sương gió quanh năm làm việc và chưa bao giờ ca thán.

Nhìn nụ cười của chị Nhàn, ít ai nghĩ người phụ nữ nhỏ nhắn, mộc mạc này từng trải nhiều giông gió. Chị Nhàn sinh ra trong một gia đình nghèo có bốn người con ở Lệ Thủy, Quảng Bình. Bố mất do mắc bệnh ung thư, mẹ chị lay lắt nuôi đàn con dại. Hoàn cảnh khó khăn buộc chị Nhàn nghỉ học sớm, đi ở cho các gia đình giàu có. Lam lũ từ bé nên ngày lên xe hoa về nhà chồng ở Quảng Trị, chị Nhàn chỉ mong một cuộc sống yên ả. Thế nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Năm 2011, chồng chị từ trần sau một vụ tai nạn giao thông. Bấy giờ, con út của chị Nhàn mới 26 ngày tuổi. Trong ngôi nhà thuê dột nát, bốn mẹ con nhiều lúc chỉ có bát cháo loãng để… cầm cự.

Chị phải làm việc quần quật từ mờ sáng đến tối mịt. Đêm đêm, khi ba đứa con đang say giấc, chị Nhàn lại quăng quật đi mót mủ cao su, hái rau má để kịp bán ở phiên chợ sáng. Có hôm nhủ mình gắng gổ để kiếm thêm ít đồng mua thịt, cá cho con, khi trở về căn nhà thuê, chị Nhàn đứt từng khúc ruột thấy ba đứa trẻ khóc khản tiếng. Vốn nhanh nhẹn, chị Nhàn chạy khắp các phiên chợ xa gần, buôn bán đủ mặt hàng để có thêm thu thập. Ở đâu cần người làm thuê, chị có mặt tại đó. Thế nhưng, khó khăn vẫn cứ đeo bám mẹ con chị Nhàn dai dẳng. Nhớ lại những ngày cùng cực, chị Nhàn chia sẻ: “Nhiều lúc tôi chỉ ước có một giấc ngủ ngon, bữa cơm đầy đủ cá, thịt cho con nhưng không thể. Khó khăn lớn nhất là cháu thứ hai thường xuyên đau ốm. Mỗi lần đem cháu vào viện, hai mẹ con chỉ ấm bụng nhờ vào nồi cháo tình thương”.

Một lần, tình cờ gặp và trò chuyện với những người đến xã Hải Thái nuôi ong, chị Nguyễn Thị Nhàn bắt đầu bén duyên với công việc này. Từ đó, mẹ con chị phải “xê dịch” theo đàn ong. Một năm, chị sống ở ba miền, mùa xuân ra Bắc Giang, hạ bám trụ Quảng Trị, còn thu đông vào Tây Nguyên. Mỗi lần đến miền quê mới, mẹ con chị phải dựng tạm một chiếc lều tạm bợ giữa rừng sâu. Nuôi ong như “chăm con mọn” nhưng chị Nhàn vẫn cố thu xếp thời gian đi làm thuê để duy trì cuộc sống.

Trong tháng ngày rong ruổi với những mùa ong, ước mơ lớn nhất của chị Nguyễn Thị Nhàn là có một cái tết ấm no, đủ đầy. Ở xã Hải Thái, nhà cửa vẫn chưa có nên chị Nhàn không biết phải đưa con đi đâu mỗi dịp xuân về, cuối cùng đành ở lại chiếc lều giữa rừng. Thấy những người cùng làm nghề nô nức trở về đoàn viên, chị chỉ biết nuốt nước mắt. Chị Nhàn lấy việc có mẹ, có con và số tiền nhỏ được trả để giữ ong thuê giúp các hộ khác trong dịp tết làm niềm an ủi.

Dần dần, đàn ong mà chị đổ mồ hôi, nước mắt chăm sóc sinh trưởng và phát triển tốt. Từ con số vài chục ban đầu, đến giờ, chị Nhàn có hơn 1.000 đàn ong. Ngoài nuôi ong, chị Nhàn còn miệt mài đi thu mua mật để bán cho các công ty xuất khẩu. Như có duyên, những mối làm ăn lớn đến với chị ngày càng nhiều. Nắm bắt cơ hội, chị Nhàn thuê người chăm sóc đàn ong giúp mình để chuyên tâm đi từ Nam ra Bắc thu mua mật. Có đồng vào, đồng ra, chị mở xưởng chế biến mầm bột đậu nành; mua bán đất; phát triển diện tích trồng cao su… Từ bươn bả đi làm thuê, chị đã tạo được việc làm cho khoảng 10 lao động với mức thu nhập khá.

Việc làm ăn thuận lợi giúp chị Nguyễn Thị Nhàn biến giấc mơ trở thành hiện thực. Sau bao ngày chắt chiu, dành dụm, chị xây dựng một ngôi nhà khang trang, bề thế ở xã Hải Thái. Chị cũng sắm được ô tô riêng và hai chiếc xe tải, chuyên đi thu mua mật trên toàn quốc. Điều ý nghĩa nhất đối với người phụ nữ từng trải nhiều giông gió là bốn mẹ con đã có những cái tết đoàn viên, no ấm như mơ. “Tết đầu tiên nằm ngủ trong căn nhà mới, tôi không thể ngủ được, cứ nhớ lại chiếc lán giữa rừng và những bữa đói, khát. Chính ước mơ, hi vọng đã giúp mẹ con tôi sống đến ngày hôm nay”, chị Nhàn dốc lòng.

Thời gian qua, chị Nhàn trở thành mạnh thường quân giấu mặt của nhiều gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn. Nhớ tháng ngày ăn cháo từ thiện cùng con vượt qua bệnh tật, chị thường xuyên ủng hộ tiền cho những “Nồi cháo tình thương”. Dẫu bận rộn những chị vẫn thu xếp thời gian đến vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện đặc biệt khó khăn để “tiếp sức” cho mọi người. Điều đáng trân quý là chị Nhàn làm việc thiện một cách thầm lặng, không cần ai nhớ mặt, ghi danh. Chị chia sẻ: “Đôi khi, chỉ cần chìa tay ra đúng lúc là ta đã cứu rỗi được cuộc đời một người rồi. Từng vất vả, cùng cực, tôi hiểu điều đó hơn ai hết. Vậy nên, tôi luôn cố gắng giúp đỡ người nghèo trong sức của mình”.

Đến giờ, nhìn lại chặng đường vất vả đã qua, chị Nhàn vẫn thầm cảm ơn mọi khó khăn, thử thách đã tôi luyện, giúp mình cứng cỏi hơn và biết trân quý những gì đang có. Người phụ nữ một thời lam lũ sẽ tiếp tục đi với một trái tim ấm nóng, cánh tay rộng mở và đôi môi luôn mỉm cười trước những thách thức, khó khăn mới.

Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142812