Ngày mai, khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV

Chiều 18/10, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo về chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, diễn ra từ ngày 20/10 đến 23/11.

Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật, 1 nghị quyết. Quốc hội sẽ dành khoảng 10 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước.

Phiên chất vấn sẽ diễn ra 2,5 ngày. Kỳ họp cũng sẽ tạo điều kiện tranh luận khi phát biểu tại hội trường.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng, tại kỳ họp này công tác xây dựng pháp luật được quan tâm và chú trọng, chiếm khoảng 63% thời gian của kỳ họp.

Tại kỳ họp, Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật, 1 nghị quyết.

Quốc hội sẽ dành khoảng 10 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước.

Các báo cáo của Chính phủ gồm: Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017; Báo cáo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Báo cáo kế hoạch tài chính 5 năm; Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Báo cáo về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016; Báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường và bài học kinh nghiệm, các giải pháp để bảo vệ môi trường; Báo cáo về tình hình Biển Đông.

Nói về sự đổi mới của kỳ họp lần này, ông Nguyễn Hạnh Phúc- Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, trong quá trình xin ý kiến khác thấy luật nào chưa yên tâm, còn nhiều ý kiến khác nhau thì kéo dài thời gian sang kỳ sau, tăng thời lượng thảo luận tại tổ và hội trường. Kỳ họp cũng sẽ tạo điều kiện tranh luận khi phát biểu tại hội trường. Các Bộ trưởng sẽ trao đổi cùng với các đại biểu để sáng tỏ các nội dung. Ngoài việc đăng ký trên màn hình ĐBQH nào muốn tranh luận thì có hình thức giơ biển để chủ tọa tạo điều kiện cho tranh luận tại hội trường. Cố gắng làm sao cho các ĐBQH đăng ký được phát biểu để trao đổi tại các phiên truyền hình trực tiếp.

Trả lời về việc Quốc hội làm việc hết nội dung chứ không phải hết giờ, theo ông Phúc, sẽ tạo điều kiện cho ĐBQH phát biểu hết ý kiến liên quan đến vấn đề kinh tế - xã hội và chất vấn. Chất vấn là 2,5 ngày còn kinh tế - xã hội là 1,5 ngày. “Buổi chiều có thể kéo dài thêm thời gian còn buổi trưa còn phải nghỉ nên dành cho các ĐBQH đặt câu hỏi để chiều các Bộ trưởng trả lời hoặc Bộ trưởng trả lời bằng văn bản, cố gắng làm sao cho ĐBQH được trao đổi các thông tin”- ông Phúc nói.

Trả lời về việc nợ công của Chính phủ đang tăng cao và nợ công vượt trần ai sẽ chịu trách nhiệm, ông Phúc cho biết: Vừa qua Ủy ban Thường vụ QH đã trao đổi kỹ về vấn đề này trên tinh thần không để vượt trần nợ công, hiện nợ công của Chính phủ đang là 62,3%. Chính phủ cam kết không vượt trần. Còn nếu vượt thì trách nhiệm thuộc cả về Chính phủ và Quốc hội”.

Về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, ông Phúc cho biết: Theo nghị quyết của Quốc hội trong quá trình triển khai Quốc hội sẽ bàn nhưng chưa đưa vào nội dung kỳ họp này.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/ngay-mai-khai-mac-ky-hop-thu-2-quoc-hoi-khoa-xiv/128623