Ngày mai, 10.000 đại biểu dự 'Hội nghị Diên Hồng' Thủ tướng với doanh nghiệp

Ngày mai (17/5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Ảnh báo Thanh Niên.

Sáng mai 17/5, lúc 7h30 mời quý đọc giả đón xem Hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 trên Phapluatplus.vn

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” sẽ diễn ra từ lúc 7h 30 phút ngày 17/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Chủ đề Hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ DN phát triển, thực sự là động lực phát triển của đất nước.

Khoảng 2.000 đại biểu sẽ trực tiếp tham dự Hội nghị, gấp 4 lần năm ngoái, trong đó khối DN tư nhân khoảng 1.500 đại biểu, cùng khoảng 200 đại biểu từ khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, 100 đại biểu từ các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, cùng đại diện các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí…

Tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến còn có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu DN, với số lượng 50 - 100 người mỗi điểm cầu. Dự kiến, tổng cộng khoảng gần 10.000 đại biểu sẽ dự Hội nghị.

Dự kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN. Chủ tịch VCCI sẽ báo cáo tổng hợp đánh giá của cộng đồng DN về việc thực hiện Nghị quyết này.

Các hiệp hội DN, DN hiến kế, kiến nghị; các Bộ, ngành, địa phương trao đổi, thảo luận với DN để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị. Thủ tướng Chính phủ sẽ kết luận và sau Hội nghị, Thủ tướng sẽ có Chỉ thị về đồng hành cùng DN.

Ngay sau Hội nghị, trong cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ họp với các Bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của DN.

Chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, ngày 15/5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Theo VCCI, việc ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong thời gian ngắn “kỷ lục”, với các mục tiêu nguyên tắc, nhiệm vụ giải pháp hiệu quả, khả thi và phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, thân thiện nhằm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Kết quả khảo sát nhanh của VCCI vào cuối năm 2016 đầu năm 2017 cho thấy có 75% doanh nghiệp đánh giá tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong nghị quyết là “tương đối tích cực”, “tích cực” và “rất tích cực”, chỉ có 25% doanh nghiệp cho biết chưa nhận thấy tác động của các nhóm giải pháp này. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã ban đầu được hưởng lợi từ việc ban hành và thực hiện Nghị quyết.

Theo VCCI, các nguyên tắc quan trọng của Nghị quyết như “Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành và thực thi chính sách phải bảo đảm xác định rõ mỗi nhiệm vụ có một đầu mối và người chịu trách nhiệm”, “Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật”, “Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm”… đã có tác động rất lớn đến bộ máy cơ quan Nhà nước các cấp, không chỉ cơ quan hành pháp mà kể cả hệ thống tư pháp.

Điều đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cho biết đã gặp thuận lợi hơn trong thực hiện thủ tục hành chính từ những giải pháp rất cụ thể của Nghị quyết như “kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng” hay “giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo nguyên tắc khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ”.

Sau khi Nghị quyết được ban hành, các bộ, ngành đã tích cực vào cuộc. Những rụt rè, cân nhắc khi đơn giản hóa, bãi bỏ thủ tục hành chính của chính các bộ ngành đã giảm bớt rất nhiều. Các cuộc đối thoại, rà soát những cản trở kinh doanh trong nhiều lĩnh vực đã được tổ chức, gần đây nhất (ngày 13/5/2017) là cuộc đối thoại trực tiếp do Văn phòng Chính phủ tổ chức với các bộ, ngành về những vướng mắc liên quan đến các doanh nghiệp thủy sản.

Một số bộ ngành đã khởi động nhiều chương trình lớn, quan trọng với doanh nghiệp. Đa số các tỉnh, thành phố đã thực sự vào cuộc tích cực, hưởng ứng cùng Chính phủ. Việc thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cấp cơ sở về tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nghị quyết 35/NQ là một tiến bộ quan trọng, đáng ghi nhận.

Công tác cải cách thủ tục hành chính của nhiều địa phương đã đạt được kết quả tốt, một số thủ tục hành chính vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết 19 yêu cầu và địa phương cam kết. Như thời gian thành lập doanh nghiệp, đa số các tỉnh là 2 ngày (giảm 1 ngày so với Cam kết).

Việc tổ chức đối thoại giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp được đa số các địa phương quan tâm. Đặc biệt mô hình “cà phê doanh nhân” được nhiều tỉnh quan tâm tổ chức nhằm tạo không khí thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp trong đối thoại và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 8/5, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2017. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà chủ trì họp báo.

Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà cho biết, chủ đề của hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ, hỗ trợ để DN thực sự là động lực phát triển của đất nước.

Trả lời PV về "điểm nhấn" lớn nhất trong hội nghị này là gì (năm ngoái có sự kiện quán cà phê Xin chào)? Hiệu quả của những mô hình hỗ trợ DN như "cà phê DN", "Bác sĩ DN"? Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân?... Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà chia sẻ, năm ngoái sự kiện "quán cà phê Xin chào" có tác động không nhỏ tới nội dung hội nghị, theo đó nội dung "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự" đã được đưa vào hội nghị.

“Năm nay, chúng tôi không mong muốn những điều bất thường xảy ra đối với DN, nhưng chúng tôi sẽ rà soát lại tất cả những bất cập để giảm khó khăn, bức xúc cho DN. Việc tổ chức hội nghị, trọng tâm là tạo điều kiện để phát triển DN, chứ không chỉ giải quyết khó khăn của DN”, Phó Chủ nhiệm nói.

Về vai trò của kinh tế tư nhân, Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà khẳng định, tinh thần là tất cả thành phần DN đều bình đẳng, công bằng giữa các thành phần DN. Trong hội nghị này, DN khu vực tư nhân được mời nhiều hơn vì DN FDI, DNNN đã có những diễn đàn khác để chia sẻ. Vì vậy, thành phần DN tư nhân được mời nhiều hơn cũng là phù hợp với tình hình chung về tỉ lệ DN, cũng như mục tiêu đã đề ra về phát triển DN khu vực tư nhân.

Theo Chinhphu.vn

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/ngay-mai-10000-dai-bieu-du-hoi-nghi-dien-hong-thu-tuong-voi-doanh-nghiep-d43359.html