Ngày làm việc thứ mười, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV Cần nhiều giải pháp hiệu quả giảm nợ công, tăng nguồn thu, giảm chi

Tiếp theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIV bước sang ngày làm việc thứ mười. Sáng 1-11, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, thảo luận về kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011 - 2015) và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Ngăn chặn tình trạng thất thoát vốn đầu tư

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ, phát biểu ý kiến tại hội trường, nhiều đại biểu QH cho rằng, Chính phủ đã đánh giá thẳng thắn, đầy đủ về huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công, đầu tư công giai đoạn 2011-2015. Bên cạnh nêu những kết quả đạt được trong thời gian qua, báo cáo cũng đã chỉ rõ những mặt tồn tại, hạn chế. Đó là tình trạng tồn nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao, việc chấp hành các quy định về đầu tư công một số nơi chưa nghiêm, quyết định đầu tư nhưng không tính toán khả năng vốn, chất lượng chuẩn bị dự án còn thấp, vấn đề bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian làm thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư...

Lo ngại trước tình hình thu chi ngân sách và nợ công có thể sẽ trở nên khó khăn hơn khi bối cảnh môi trường trong nước và khu vực có thể sẽ có những thay đổi lớn, tác động mạnh tới kinh tế vĩ mô cũng như lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) và một số đại biểu nhìn nhận Chính phủ đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp. Trong đó, cơ cấu lại thu chi ngân sách, thắt chặt kỷ luật, kỷ cương tài khóa, cải thiện hiệu lực quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Có thể thấy qua giải pháp “hợp nhất trách nhiệm quyết định chi ngân sách, vay nợ công với trách nhiệm quản lý ngân sách nhà nước và trả nợ công” như Đề án chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công của Chính phủ đã đề cập. Cụ thể hơn, những chỉ đạo mới đây của Chính phủ về sử dụng xe công, tài sản công, về cắt giảm biên chế và sắp xếp lại bộ máy của nhiều cơ quan hành pháp... nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.

Các đại biểu: Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Trương Minh Hoàng (Cà Mau); Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận)... và một số đại biểu khác cho rằng, Chính phủ đã đánh giá, nhìn nhận thẳng thắn tình hình thực tế vừa qua. Tuy nhiên, nhiều đại biểu QH đề nghị báo cáo cần cụ thể hơn, từ đó chỉ rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp quản lý, xác định được trách nhiệm tổ chức, cá nhân, và quan trọng hơn để ngăn chặn tình trạng thất thoát vốn đầu tư. Chỉ rõ trường hợp năm dự án đội vốn liên quan các dự án gang thép Thái Nguyên, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, nhiên liệu sinh học Dung Quất, xơ sợi Đình Vũ làm mất hơn 30.000 tỷ đồng, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, báo cáo và thẩm tra mới chỉ "bắn chỉ thiên". Theo đại biểu, vấn đề chung chỉ ra được, nhưng vấn đề cụ thể trong thất thoát, lãng phí vốn đầu tư, trách nhiệm tổ chức, cá nhân lại không chỉ ra được và không tạo được bước đột phá làm chuyển biến nhận thức trong quản lý vốn đầu tư thời gian tới.

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) và một số đại biểu cho rằng, việc quản lý sử dụng vốn vay chưa thật sự đạt hiệu quả. Nhiều dự án chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư, tăng chi phí lãi vay, kéo dài thời gian thu hồi vốn, tạo thêm gánh nặng trả nợ. Trong giai đoạn 2016-2020 nhu cầu vốn vay rất lớn, nhưng nếu tiếp tục đầu tư như cách làm trong thời gian qua, tức là dàn trải, gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng thì hệ quả không chỉ dừng lại ở việc tăng rủi ro cho hệ thống tài chính, mất an toàn nợ công, góp phần gây mất ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ phải có chiến lược nợ rõ ràng, có những điều kiện cụ thể để bảo đảm hiệu quả đầu tư, khả năng trả nợ hằng năm, chi tiêu thường xuyên của Nhà nước triệt để tiết kiệm, nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tiết kiệm chi thường xuyên. Bên cạnh đó, cần có cơ chế phân bổ vốn bảo đảm thật sự minh bạch, cơ chế giám sát dòng vốn đầu tư chặt chẽ, chống thất thoát, lãng phí, các dự án đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020. Các đại biểu Phạm Phú Quốc (TP Hồ Chí Minh), Trương Minh Hoàng (Cà Mau) và một số đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn lực xã hội. Thời gian tới, Chính phủ phải tạo hành lang thông thoáng để các doanh nghiệp hoạt động trong một nền kinh tế phát triển, để người dân mạnh dạn tham gia bỏ vốn để đầu tư phát triển kinh tế, thay vì gửi tiết kiệm, chú tâm xây nhà, mua sắm...

Tránh bẫy nợ nần

Cho ý kiến chung quanh mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công, nhiều đại biểu cho rằng, với nguồn vốn hỗ trợ chính thức (ODA), chúng ta cần tỉnh táo để tránh rơi vào bẫy nợ nần. Bên cạnh đó, với nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước khi tiếp nhận FDI một cách chủ động, tránh sử dụng nguồn vốn FDI ồ ạt và phải trả giá cho xử lý môi trường... Đề cập giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, qua đó tạo điều kiện thông thoáng để doanh nghiệp hoạt động, bởi dân giàu là nước mạnh, các đại biểu cho rằng: Bên cạnh việc hình thành một triệu doanh nghiệp, chúng ta cũng khuyến khích hình thành những tập đoàn, có những tập đoàn mang thương hiệu, uy tín quốc gia. Những doanh nghiệp lớn này có khả năng dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp và tăng nguồn thu ngân sách. Ngoài ra, phải xác định nguồn thu nội địa là nguồn thu chủ lực, giảm phụ thuộc vào nguồn thu bên ngoài. Mặt khác, nhiều đại biểu nêu cần chú trọng phát huy nguồn ngân sách là nguồn đối ứng tiên phong và “vốn mồi” để huy động các nguồn lực xã hội khác cùng tham gia. Ngân sách phải tạo động lực, đòn bẩy để kinh tế phát triển.

Trên cơ sở khắc phục các hạn chế trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ đầu tư công giai đoạn vừa qua, Chính phủ trình QH kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo tinh thần đầu tư tập trung, tránh dàn trải, lãng phí, kế hoạch đầu tư được công khai, minh bạch. Đồng tình cao với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, việc Chính phủ xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn nói trên sẽ giúp các cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện chủ động hơn, hạn chế cơ chế xin - cho và chồng chéo giữa các nguồn lực. Tuy nhiên, theo đại biểu, việc phân bổ theo kế hoạch này chưa bám sát quan điểm, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư đã nêu trong báo cáo. Còn nhiều công trình, dự án được xác định là cấp bách, trọng điểm chưa đưa vào kế hoạch. Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ, QH ưu tiên đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng, thủy lợi tại vùng đồng bằng sông Cửu Long - vùng lúa trọng điểm của cả nước. Nhìn rộng ra, mục tiêu định hướng đầu tư công trung hạn giai đoạn tới cần chú trọng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, bảo vệ môi trường, nhất là xử lý môi trường ở các tỉnh miền trung, chống biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ưu tiên đầu tư vào hệ thống giao thông, nhất là vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, đường giáp biển kết nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ, ưu tiên dành nguồn lực cho dự án đường cao tốc bắc - nam, đường sắt bắc - nam... Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật tài chính, thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, xử lý nghiêm sai phạm trong đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư...

Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề được các vị đại biểu QH nêu.

Phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước hiệu quả

Buổi chiều, QH thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2017. Đa số đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và ngân sách của QH về các vấn đề nêu trên. Nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm chia sẻ với những giải pháp đã nêu trong báo cáo của Chính phủ, cho rằng đây là sự cố gắng lớn trong bối cảnh ngân sách đã đến giới hạn, nhưng đất nước ngày càng phải tăng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, một số đại biểu lưu ý, cần sử dụng ngân sách sao cho hiệu quả, phù hợp và cân đối giữa các địa phương trên cả nước.

Một số đại biểu khác đề nghị xem xét kỹ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong chính sách bảo đảm an toàn nợ công. Các ý kiến tập trung lưu ý về khoản nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) lên tới 22 nghìn tỷ đồng từ năm 1995 của Chính phủ. Từ đó, đề nghị Chính phủ xác định kế hoạch, lộ trình để bố trí NSNN nhằm chuyển trả vào Quỹ BHXH, đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH trước ngày 1-1-1995. Về việc điều chỉnh mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức khoảng 7-8%/năm theo thời hạn từ nay đến năm 2020, có ý kiến cho rằng, Chính phủ nên xem xét, tính toán kỹ hơn, để bảo đảm chính sách này không trở thành một giải pháp mang tính chất tình thế. Thảo luận về dự toán NSNN năm 2017, đại biểu Trần Hoàng Ngân và một số đại biểu lo ngại khoản chi trả lãi dự tính sẽ lên tới 98.900 tỷ đồng. Điều đó cho thấy áp lực trả nợ là quá lớn, bội chi NSNN vẫn ở mức rất cao, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và các địa phương phải cùng chia sẻ tối đa. Nhiều đại biểu mong muốn Chính phủ từ nay sẽ đưa ra những thông điệp rõ ràng, minh bạch hơn. Có ý kiến thẳng thắn đề nghị: Chính phủ cần nêu đúng sự thật về tình trạng nợ công hiện nay đang “hết sức căng thẳng”, thay vì nói rằng nợ công “vẫn an toàn” hoặc “nằm trong phạm vi cho phép”...

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề mà đại biểu nêu. Bộ Tài chính đang quyết liệt triển khai các chương trình tiết kiệm, chống lãng phí; thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử ở một số địa phương, chống thất thoát ngân sách nhà nước; bố trí đủ vốn đối ứng ODA trong thời gian tới.

PV

Cần có những giải pháp mạnh hơn nữa trong việc phát huy các vùng lợi thế về kinh tế. Từ khâu quy hoạch, kế hoạch, phân cấp, phân quyền, thậm chí có cơ chế đặc thù để triệt để khai thác nguồn lực thu ngân sách tài chính. Để các địa phương có thể thu ngân sách tốt hơn và trở thành đầu tàu về phát triển kinh tế và thu ngân sách.

Đại biểu Lưu Đức Long

(Tỉnh Vĩnh Phúc)
Cân đối ngân sách nhà nước và tình trạng nợ công có thể còn khó khăn hơn nữa. Tình hình thu chi ngân sách và nợ công sẽ tiếp tục là tâm điểm của kinh tế Việt Nam trong cả giai đoạn 2016-2020. Đây rõ ràng là thách thức to lớn với Chính phủ nhiệm kỳ mới...

Đại biểu Hà Sỹ Đồng

(Tỉnh Quảng Trị)
Chúng tôi thống nhất quan điểm của Chính phủ là thực hiện nguyên tắc bố trí vốn trên cơ sở ưu tiên bố trí vốn hợp lý cho miền núi, các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, vùng biên giới, hải đảo còn gặp nhiều khó khăn, qua đó thu hẹp khoảng cách các vùng miền; kết hợp phát triển kinh tế với giữ vững an ninh, quốc phòng...

Đại biểu Tống Thanh Bình

(Tỉnh Lai Châu)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31142502-can-nhieu-giai-phap-hieu-qua-giam-no-cong-tang-nguon-thu-giam-chi.html