Ngày hội ra đồng của bà con Bru - Vân Kiều

Ở ba xã Hướng Lập, Hướng Việt và Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), ngày xuống giống, ngày gặt hái đều là ngày hội đoàn kết, mang dấu ấn của tình quân dân. Ra đồng giúp nhân dân, cán bộ Biên phòng cũng là cán bộ nông nghiệp. Đây là một cách làm hay vì một biên cương ngày mai giàu mạnh.

Anh Hồ Văn Phoi, dân tộc Bru Vân Kiều nói về giống lúa TBR97 được BĐBP mới mang về cho bà con trồng thử nghiệm. Ảnh: Văn Chương

Đảng viên, cán bộ Biên phòng đi trước

Cuối năm 2022, trong ngôi nhà sàn nằm cạnh nương rẫy, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Phùng là Hồ Văn Khưn ngồi nói về chuyện cây lúa ở thủ phủ cà phê Arabica miền Trung. Bí thư Khưn tâm sự, dù ở nơi này có nhiều cây đang trở thành mũi nhọn để nông dân làm giàu, như cà phê trồng theo phương pháp hữu cơ, nhưng cây lúa vẫn luôn được coi trọng.

Hướng Phùng nằm ở độ cao khoảng 400m so với mực nước biển, vì vậy không khí nơi đây khá ôn hòa, hoa dã quỳ vàng rực rỡ. BĐBP đã quyết định tìm giống lúa mới TBR 97 do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm sản xuất, đưa về vùng đất này trồng thử nghiệm. Đây là giống lúa đạt năng suất vụ đông xuân, vụ xuân là 70 - 75 tạ/ha, nếu thâm canh cao có thể đạt 75 - 80 tạ/ha; vụ hè thu, vụ mùa đạt 60 - 65 tạ/ha.

Khi được hỏi vì sao Bí thư dành hết thời gian cả tiếng đồng hồ chỉ nói chuyện cây lúa, trong khi cách đó vài bước chân là rẫy cà phê Arabica? Bí thư Khưn và Đại úy Hồ Văn Nhi, cán bộ Đồn Biên phòng Hướng Phùng, BĐBP Quảng Trị cho biết: “Vừa rồi cán bộ Đồn Biên phòng Hướng Phùng mang về giống lúa TPR 97 và TPR 32, giống lúa mới thì đảng viên phải đi trước, làm trước, nếu có hiệu quả thì dân mới theo. Mấy chục năm nay, cứ đổi giống là đảng viên đi trước, làm trước”.

Anh Hồ Văn Phoi, một nông dân người Bru - Vân Kiều đã được hướng dẫn nên đang thực hiện các công đoạn đưa hạt giống ra sử dụng. Anh cho biết, cán bộ Biên phòng ra tỉnh Thái Bình học cách gieo trồng giống lúa mới và hướng dẫn lại cho bà con. Theo đó, hạt giống phải ngâm trong nước sạch, cứ 6 giờ thay nước, rửa chua một lần. Khi hạt giống đã hút đủ nước thì rửa sạch, để ráo nước rồi đem ủ. Ủ hạt giống nơi thoáng mát, không đọng nước.

Gặp người dân ở địa phương trên đường làng, bà con khen ngợi về việc giống lúa mới được Đồn Biên phòng Hướng Phùng mang từ miền Bắc về đang thử nghiệm, ưu điểm là chống chịu bệnh đạo ôn và rầy nâu khá tốt, nhiễm nhẹ bệnh bạc lá và đốm nâu, giống lúa cảm ôn, chịu thâm canh, thời gian sinh trưởng ngắn…

Nội dung tuyên truyền về giống lúa TPR 97, TPR 32 được lan truyền trong cộng đồng, góp phần vào thực hiện "Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030" và "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030".

Theo tài liệu, giống có thời gian sinh trưởng ngắn. Ở các tỉnh phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra), vụ Xuân 120 - 125 ngày, vụ Mùa 100 - 105 ngày; ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, vụ Đông Xuân 105 - 110 ngày, vụ Hè Thu 95-100 ngày; phân bón phải đủ lượng, bón cân đối, bón lót sâu, bón thúc sớm, bón tập trung, không nên sử dụng phân bón NPK tổng hợp chuyên dùng cho lúa theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Ngày hội gặt hái

Tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Cù Bai, Đồn Biên phòng Hướng Lập, trong cuốn sổ ghi chép công việc thường có thêm nội dung “cử cán bộ ra đồng giúp dân gặt lúa”. Ở vùng biên viễn xa xôi này, việc giúp dân trong mùa gặt hái đã trở thành nét đẹp văn hóa tinh thần, tô thắm tình quân dân. Tới ngày gặt lúa, không chỉ nhân viên, mà cán bộ chỉ huy đơn vị cũng xắn quần lội ruộng.

Cán bộ Đồn Biên phòng Hướng Lập giúp bà con xuống giống trên cánh đồng Xa Đưng. Ảnh: Văn Chương

Thượng úy Dương Văn Anh, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hướng Lập cho biết, những hộ dân được BĐBP quan tâm và hỗ trợ thường xuyên vì có hoàn cảnh khó khăn, như ông Hồ Văn Nói, Hồ Văn Đa, Hồ Quang Hải. Cứ buổi sáng, quân số của đơn vị tăng cường xuống địa bàn, phối hợp với cán bộ ở Trạm kiểm soát Biên phòng xuống đồng giúp nhân dân. Mỗi hộ sẽ có một tổ gồm 7 đồng chí đến giúp.

Ông Hồ Văn Nói, sinh năm 1953, nguyên là cán bộ Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) kể rằng: “Ở nơi này người dân rất quý hạt lúa, mà hạt lúa do cán bộ Biên phòng ra đồng giúp cày, gặt hái, vì vậy càng quý hơn nữa”. Trước đây, người dân Bru - Vân Kiều ở đây thiếu thốn lương thực, nhưng từ khi có tuyến đường đi vào, hàng hóa lưu thông thuận lợi, cuộc sống đã có phần thay đổi. Dù quá khứ nghèo đói đã đi xa, nhưng trong đầu người đồng bào ở nơi đây vẫn mãi quý trọng hạt lúa. Hạt lúa là biểu tượng của sự sung túc, no đủ, khi gieo cấy mạ trên đồng có sự tham gia của các chú BĐBP, khi gặt lúa cũng có chú BĐBP đến giúp.

Chiến sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, quê ở thị trấn Hải Lăng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị và Nguyễn Văn Hưng, quê ở thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết, chiến sĩ có người biết làm ruộng, có người không biết, nhưng hết 2 năm nghĩa vụ quân sự ở đơn vị thì ai cũng học được cách cày cấy như nông dân thực sự.

Tại xã Hướng Việt, huyện Hướng Lập có một nơi ghi dấu tình quân dân suốt mấy chục năm qua, đó là cánh đồng lúa nước dưới chân núi ở thôn Xa Đưng. Vào dịp giáp Tết Nguyên Đán, bà con ở đây bắt đầu "ngày hội xuống đồng". Khi gia đình này cấy lúa thì nhiều gia đình khác đi giúp và trả công xoay vòng. Những dịp này, đồn Biên phòng lại cử cán bộ tham gia, giúp đồng bào cấy lúa.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ngay-hoi-ra-dong-cua-ba-con-bru-van-kieu-post465925.html