Ngày ấy và hôm nay...

Tôi từng có hạnh phúc được gặp hai người kiệt xuất của Quảng Bình, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tư lệnh Đoàn 559-Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Tôi cũng được gặp nhiều con người cuộc đời họ cống hiến cho con đường thời 'máu và hoa'.

Tôi đã đọc nhiều trang viết, hồi ký cho đến hôm nay vẫn còn “thổn thức”. Tôi cảm động từ những ngày “khai sơn phá thạch” tuyến đường. Người được nhận nhiệm vụ đó từ Tổng Quân ủy Trung ương là Thiếu tướng Võ Bẩm. Ông là vị Đoàn trưởng kiêm Chính ủy đầu tiên của Đoàn 559. “Tôi còn nhớ mãi ngày 19 tháng năm năm ấy. Một buổi sáng tháng năm mát lành, trong sáng. Tưởng không có gì đặc biệt...”, Thiếu tướng Võ Bẩm, ghi những dòng đầu tiên như thế, trong hồi ký “Mở đường” của ông.

Lúc đó, trung tá Võ Bẩm đang ở Cục Nông trường Quân đội. Ông là người con của quê hương cách mạng Quảng Ngãi, từng “sốt ruột” muốn trở lại chiến trường đánh Mỹ, đến mức gửi cả thư lên Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Thực hiện quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ trương của Tổng Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh gọi Võ Bẩm lên gặp. Lúc ấy ông chỉ nghĩ nguyện vọng của mình đã được cấp trên đáp ứng. Hóa ra, ông được giao nhiệm vụ hết sức đặc biệt: “Mở đường giao thông quân sự đặc biệt để tiếp tế cho cách mạng miền Nam, thực hiện Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị”.

Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đáp ứng cho hoạt động phát triển kinh tế, thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ảnh: Nguyễn Hải

Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đáp ứng cho hoạt động phát triển kinh tế, thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ảnh: Nguyễn Hải

Cũng trong ngày 19/5, ông Võ Bẩm được gặp Trần Lương, nguyên là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nhưng được Trung ương điều vào Khu 5 làm Bí thư Khu ủy. “Anh là người đầu tiên trong Quân đội được nhận nhiệm vụ mở đường tiếp sức cho cách mạng miền Nam. Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, trong năm 1959, các đồng chí phải đưa được 500 cán bộ từ cấp trung tá trở xuống và 7.000 khẩu súng từ trung liên trở xuống vào miền Nam”, Bí thư Khu ủy Khu 5 Trần Lương nói ngay với Võ Bẩm.

Đêm 19/5 năm ấy, Võ Bẩm thức trắng. Trường Sơn đối với ông không lạ, nhưng nhiệm vụ quá cấp bách, quá đặc biệt, quá bí mật lại được Bộ Chính trị, lãnh đạo Bộ Quốc phòng giao cho mình, làm ông thấy vừa vinh dự, vừa lo lắng. Việc đầu tiên của Võ Bẩm là tìm người. Thế rồi, biên chế ban đầu của Đoàn 559 gồm 500 cán bộ, chiến sĩ do ông đề xuất được thành lập. Ông đề nghị lãnh đạo Bộ Quốc phòng lấy ngày, tháng và năm nhận quyết định làm phiên hiệu của đoàn. Đó cũng là ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn 559 chính thức ra đời. “Chỉ hơn mười ngày sau, Đoàn 559 bắt đầu hoạt động, từng bước triển khai lực lượng”, (trích hồi ký của Võ Bẩm). Ông Võ Bẩm là Đoàn trưởng rồi Tư lệnh Đoàn 559 đầu tiên (từ 1959-1965).

Theo yêu cầu của từng giai đoạn, Đoàn 559 từ cấp trung đoàn (năm 1959) lên cấp sư đoàn (năm 1961), cấp quân khu (năm 1970); tên gọi cũng được đổi từ Đoàn công tác quân sự đặc biệt (Đoàn 559), Bộ Tư lệnh 559 (năm 1965) thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn (năm 1970). Con đường này, trên báo chí, tài liệu cũng có nhiều tên gọi, như: Đoàn vận tải Quang Trung, bộ đội Trường Sơn, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh nhưng đều nói đến “con đường huyền thoại” đã trở thành một phần lịch sử, tâm thức.

Từ đó đến nay, đã 65 năm trôi qua (19/5/1959-19/5/2024). Mỗi dịp kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn, các cựu chiến binh bộ đội Trường Sơn đều bồi hồi xúc động. Họ đã không tiếc máu xương, quả cảm mở đường xuyên Trường Sơn, đó là năm tháng đẹp nhất vẹn nguyên trong ký ức.

Cũng xin nhắc lại, trong chiến tranh giải phóng dân tộc, không chỉ có đường Trường Sơn trên bộ, mà còn có “đường Hồ Chí Minh xăng dầu”, “đường Hồ Chí Minh trên biển”. Bước sang năm 1960, trong một lần làm việc với ông Nguyễn Văn Vịnh, Trần Lương, ông Võ Bẩm đề xuất mở tuyến vận tải đường biển và được hoan nghênh. Sau đó tiểu đoàn đi biển ra đời, bước đầu tập hợp được 300 đồng chí thạo nghề đi biển. Chính ông Võ Bẩm tập hợp anh em ở cửa sông Gianh, tại đây Tập đoàn đánh cá sông Gianh phiên hiệu 603 ra đời.

Đường Hồ Chí Minh-tuyến vận tải chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Đường Hồ Chí Minh-tuyến vận tải chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, chuẩn bị về mọi mặt, ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759 vận tải quân sự đường biển. Đó cũng là ngày truyền thống của Đoàn 759, sau này là Đoàn 125 (Lữ đoàn 125 Hải quân anh hùng ngày nay).

Khi xây dựng đường Hồ Chí Minh thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Quảng Bình có vinh dự được chọn làm nơi phát lệnh khởi công. Đó là một ngày của tháng 4/2000, tại bến phà Xuân Sơn (xã Sơn Trạch, Bố Trạch). Trước khi phát lệnh khởi công con đường huyền thoại mang tên Bác Hồ đi qua 30 tỉnh, thành phố, Thủ tướng Phan Văn Khải, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên lúc ấy là Đặc phái viên của Thủ tướng, Bộ trưởng Giao thông vận tải Lê Ngọc Hoàn... lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã đến dâng hương tại Nghĩa trang thanh niên xung phong Thọ Lộc (xã Cự Nẫm, Bố Trạch). Buổi sáng nhiều cảm xúc, lắng đọng tri ân.

Đã 24 năm trôi qua, đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đã hoàn thành và đang tiếp tục. Dự kiến sau năm 2030, một số đoạn của đường Hồ Chí Minh sẽ được nâng cấp trở thành đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây. Năm 2019, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn, được sự giúp đỡ của Sở Giao thông-vận tải Quảng Bình, tôi có dịp trở lại các tuyến đường thuộc hệ thống đường Trường Sơn trên đất Quảng Bình.

Đi trên con đường mới, mang tên đường Hồ Chí Minh giữa ấm no và hy vọng nhưng luôn bồi hồi cảm xúc. Năm 2000, vì sao dự án đường Hồ Chí Minh chọn Quảng Bình là nơi phát lệnh khởi công? Tôi cứ nghĩ mãi và nhận ra rằng, đó là “dự án tri ân”, dự án kết nối, mở ra hy vọng. Nhưng “cánh cửa” phải thay đổi phải chờ đến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Đoạn qua Quảng Bình của “đại dự án” này có 3 dự án thành phần với tổng chiều dài hơn 126km đi qua các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, TX. Ba Đồn và TP. Đồng Hới. Một lần nữa, những người lính của Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn-đơn vị kế thừa truyền thống của Đoàn 559, bộ đội Trường Sơn năm xưa đang thi công. “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng sự đóng góp của bộ đội đường Hồ Chí Minh, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến vào công cuộc chi viện cho các chiến trường sẽ mãi mãi ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc ta, của Quân đội ta như một thiên anh hùng ca bất diệt…” (trích văn bia Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn).

Tháng 3/2024, tôi có cơ hội có mặt trên các công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn qua Quảng Bình. Ngồi trên xe khi băng qua đường Hồ Chí Minh, tôi nhìn thấy xe máy, thiết bị của Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng). Tôi nhớ đến Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị Tư lệnh Đoàn 559 và Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn thời gian lâu nhất, giai đoạn khốc liệt nhất (đầu năm 1967-1976), lúc nào ông cũng tự hào về bộ đội Trường Sơn năm xưa trên những công trình trọng điểm của đất nước. Trong hồi ký “Đường xuyên Trường Sơn” của mình, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có nhắc lại kỷ niệm khi trở lại thăm bà con các dân tộc các huyện phía Tây Quảng Bình. Cuộc sống đã và đang thay đổi nhưng lịch sử con đường Trường Sơn-Hồ Chí Minh không bao giờ phai mờ trong tâm trí họ.

Quảng Bình là địa chỉ du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái. Quảng Bình là “vương quốc hang động”. Hôm tôi đi, gặp biết bao đoàn du khách nước ngoài đang “phượt”, khám phá. Cảm xúc thật khác lạ khi gặp trên đường nhiều homestay, những địa chỉ check-in, khám phá...

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/phong-su/202405/ky-niem-65-nam-ngay-mo-duong-ho-chi-minh-ngay-truyen-thongbo-doi-truong-son-1951959-1952024-ngay-ay-va-hom-nay-2218133/