Ngày 8/3 ngẫm về chữ duyên trong cuộc sống

Giữa không khí rộn ràng đón Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, trong tôi bỗng ngân lên câu ca quen thuộc: 'Còn duyên kẻ đón người đưa…'.

Ảnh minh họa: ITN.

Trong cách nói chuyện hay răn dạy điều gì, mẹ tôi thường vận vào rất hợp ngữ cảnh những câu ca nghe thật hay. Nhờ đó mà từ nhỏ, tôi đã biết yêu lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân lao động. Để rồi hôm nay, giữa không khí rộn ràng, rạo rực đón Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, trong tôi bỗng ngân lên câu ca quen thuộc mẹ đọc từ thuở nào: “Còn duyên kẻ đón người đưa/Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng…”.

Liên quan đến chữ “duyên”, trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường nghe những câu quen thuộc như: “Chị ấy vẫn còn duyên chán!”, “Em ấy cười duyên thế!”, “Cô ấy nói chuyện có duyên lắm!”, “Trông bạn ấy thật duyên dáng!”... Qua đó có thể thấy, “duyên” theo nghĩa thông thường là vẻ trẻ đẹp, e lệ, tinh tế, khéo léo; vẻ đẹp kín đáo, dễ thương, mặn mà, đằm thắm tiềm ẩn bên trong của một con người… và thường dùng cho nữ giới, trong hành vi lời nói dùng để khen ngợi.

Sâu xa hơn, trong quan niệm của Phật giáo, “duyên” lại là khái niệm, thuật ngữ chỉ nguyên nhân, mối liên hệ, quan hệ giữa con người với con người qua các kiếp luân hồi, và thường được dùng chỉ nguyên nhân, mối quan hệ sâu xa từ tiền kiếp giữa nam - nữ trong tình yêu, vợ - chồng trong hôn nhân.

Người xưa thường quan niệm, nam nữ, vợ chồng đến với nhau không phải là ngẫu nhiên, mà đều là hệ quả từ duyên tiền định, chuyển hóa, gắn bó mật thiết với nhau trong cả ba kiếp nhân sinh: “Ví chăng duyên nợ ba sinh/Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi” (Truyện Kiều – Nguyễn Du), “Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi!/ Cái nợ ba sinh đã trả rồi” (Khóc ông phủ Vĩnh Tường – Hồ Xuân Hương)… Xét trong ngữ cảnh lời nói, trong ý nghĩa tổng quát của bài ca dao thì chữ “duyên” trong câu “Còn duyên kẻ đón người đưa” đơn thuần là chỉ vẻ xinh đẹp, hấp dẫn của các cô gái khi còn trẻ.

Người Á Đông nói chung, người Việt nói riêng, cho đến nay vốn rất coi trọng chuyện hôn nhân. Thời phong kiến, vì chịu ảnh hưởng sâu đậm quan niệm trọng nam khinh nữ của Nho giáo nên người phụ nữ cần hết sức chú ý, quý trọng thời điểm “còn duyên” để có thể tiến đến hôn nhân, có được người chồng như ý muốn.

Và cũng bởi không được chủ động, tự quyết trong tình yêu, hôn nhân nên nhiều cô gái trong xã hội phong kiến chỉ còn biết than thân trách phận: “Thân em như tấm lụa đào/Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”. Điều các bậc cha mẹ lo nhất cũng là trong nhà có con gái đến tuổi kết duyên hay đã quá lứa lỡ thì mà chưa nên duyên với ai!

Người con gái khi đã biết làm duyên cũng là lúc nữ tính nhất, được các chàng trai để ý đến nhiều nhất: “Lớn lên em đã biết làm duyên/Mỗi lúc gặp tôi che nón nghiêng/Nghe nói ba em chưa chịu nhận/Cau trầu của khách láng giềng bên” (Gái quê – Hàn Mặc Tử).

Tuy nhiên, tâm lý chung của phụ nữ khi hãy còn duyên lại thường “kén cá chọn canh” để đến khi hết duyên chỉ còn biết buồn phiền, vội vàng, nuối tiếc. Điều này đã được dân gian nói đến trong hàng loạt những bài ca dao có mô típ “Còn duyên… hết duyên”: “Còn duyên như tượng tô vàng/Hết duyên như tổ ong tàn ngày mưa”, “Còn duyên kén những trai tơ/Hết duyên ông lão cũng vơ làm chồng”, “Còn duyên làm cách làm kiêu/Hết duyên bí thối bầu thiu ai thèm”…

Trong thời buổi bây giờ, khi vấn đề đấu tranh bình đẳng giới đã đạt được nhiều thành tựu, khi đời sống kinh tế ngày càng phát triển, vấn đề còn duyên hay hết duyên đối với nữ giới lại có vẻ không còn trở nên nghiêm trọng hay quan trọng như trước.

Điều đáng nói là, có không ít bạn nữ khi còn trẻ đã muốn sống an nhàn, sung sướng; do dự, sợ bước chân vào cuộc sống hôn nhân với những lo toan, trói buộc... Thậm chí, một số người trong giới trẻ tôn thờ chủ nghĩa độc thân, thờ ơ, không màng đến tình yêu, hạnh phúc lứa đôi, gia đình, con cái; đi ngược lại quan niệm tiến bộ, sự tiến hóa của xã hội.

Thiết nghĩ: Tình yêu, hôn nhân chẳng những là quy luật muôn đời của tạo hóa, mà còn là cánh cửa có thể mở ra niềm hạnh phúc ngọt ngào. Bởi vậy, khi hãy còn duyên thì ta cứ mạnh dạn dấn bước, cháy hết mình với tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Nói như ông hoàng thơ tình – Xuân Diệu: “Làm sao sống được mà không yêu/Không nhớ không thương một kẻ nào?”.

Nguyễn Đình Thu (Giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ngay-83-ngam-ve-chu-duyen-trong-cuoc-song-post628664.html