Ngày 20/10 của những bà mẹ 'không chồng'

Vào mỗi dịp lễ, Tết... hay như 20/10 năm nay, những bà mẹ không chồng nhưng nhiều con ở làng Trẻ SOS Hải Phòng lại thêm phần hạnh phúc vì được đàn con do mình từng chăm chút, nuôi dưỡng quan tâm.

Làng trẻ SOS Hải Phòng

Được khởi công xây dựng từ tháng 3/1995 và hoàn thành vào tháng 6/1996, Làng trẻ SOS Hải Phòng (Làng) chính thức đi vào hoạt động, tiếp nhận trẻ mồ côi từ ngày 31/7/1996.

Làng có 14 ngôi nhà, tượng trưng 14 gia đình nhỏ mang tên 14 loài hoa, mỗi gia đình sẽ có một mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các con. Cùng với các mẹ, trong 14 gia đình này, còn có 3 dì luôn tích cực hỗ trợ các mẹ chăm sóc, giáo dục các con.

Các mẹ, các dì trong làng SOS Hải Phòng hân hoan trong ngày 20/10.

Ngoài ra, trong Làng còn có thêm một nhà lưu xá thanh niên dành cho những trẻ trai từ 14 tuổi trở lên chuyển sang sống tự lập dưới sự bảo ban của các cậu.

Theo Ban quản lý Làng, hầu hết những người vào Làng làm mẹ đều là những người độc thân, đơn thân, có hoàn cảnh đặc biệt như ly hôn chồng, chồng mất; thậm chí có người cả đời không lấy chồng. Nhưng tựu chung, những mẹ vào Làng đều có một trái tim đầy ắp yêu thương trẻ nhỏ, sống tình cảm, luôn trách nhiệm với cộng đồng.

Để được vào Làng, các mẹ phải trải qua những bước tập huấn, thực tập và qua sát hạch nhận chứng chỉ làm mẹ. Bình thường nuôi một đứa trẻ đã vất vả, huống gì nuôi cả đàn con đủ các độ tuổi, cơ địa, tính nết khác nhau ... Nhưng, vượt lên khó khăn và nỗi nhọc nhằn đó, những bà mẹ của Làng rất "siêu nhân" nuôi dạy, dìu dắt từng đàn con khôn lớn, trưởng thành và thành người có ích cho xã hội.

Vất vả nhưng vinh quang

Là người gắn bó với Làng từ những ngày đầu thành lập, thấm thoắt gần 30 năm sống trong Làng và nuôi dạy hơn 30 đứa con, chị Bùi Thị Sáu, SN 1965 (quê quán huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) xúc động kể: "Tôi từng lập gia đình nhưng không may mắn đường sinh nở nên đã ly hôn. Năm 1995, khi biết Làng tuyển các bà mẹ đơn thân vào làm, tôi đã làm đơn tình nguyện tham gia. Qua đợt tập huấn kỹ năng và sát hạch lấy chứng chỉ do Làng SOS quốc gia cấp, chúng tôi được phân về làng trẻ SOS Hải Phòng làm việc khi Làng vừa đi vào hoạt động. Những ngày đầu làm việc, quả thực có những khó khăn, vướng mắc bởi các con thì đông, mỗi đứa một tính, một nết. Xoay sở trong ngày cũng hết thời gian. Làm mẹ một đứa đã nhọc, huống gì mẹ của cả đàn con. Có con thì rất hiểu chuyện, luôn giúp đỡ mẹ; có con thì khó bảo, ương bướng ngỗ ngược làm tôi bao phen mệt mỏi tủi hờn phát khóc. Được cái, cứ đứa lớn dạy bảo đứa sau nên dần dần người làm mẹ như tôi cũng đỡ vất vả hơn trước. Tính đến giờ, tôi đã nuôi dạy 34 đứa con, trong đó 13 con đã lập gia đình, ổn định cuộc sống và rất quan tâm, yêu thương mẹ".

Mẹ Sáu lúc nào cũng bận rộn lo sắp xếp việc nhà, chăm sóc đàn con từ giặt giũ, nấu ăn, vệ sinh, nuôi dạy.

Chị Sáu luôn tự hào về nghề mà mình đã chọn "được làm mẹ của những đứa trẻ trong Làng".

Món quà mà những đứa trẻ giấu kín âm thầm làm tặng mẹ nhân ngày 20/10 khiến chị Sáu rưng rưng.

Mẹ Sáu hạnh phúc vì nhận được bưu thiếp tự làm của đàn con lít nhít trong ngày 20/10.

Theo lời chị Sáu, điều chị hạnh phúc nhất là có rất nhiều con cùng yêu thương, quan tâm mẹ. Có những con khi rời Làng làm ăn xa, học tập xa hay lập gia đình nhưng vẫn không bao giờ quên hỏi thăm mẹ mỗi dịp lễ, tết hay ngày 8/3, ngày 20/10; đặc biệt vào dịp sinh nhật mẹ, không ai bảo ai, tất thảy các con kéo nhau về. Có con ở gần thì đến tận Làng tặng hoa, quà, nấu cơm cho mẹ; có con ở xa không về được thì gọi điện thoại hoặc qua mạng xã hội hỏi thăm mẹ... Cũng nhờ thế, những lứa con sau này nhìn theo nếp sống, hành xử của anh chị mà cũng thay đổi, biết yêu thương mẹ hơn, ngoan ngoãn, chăm học hơn.

"Như dịp 20/10 năm nay, bọn trẻ trong nhà còn giấu mẹ, canh khi mẹ ngủ ngồi vẽ thiếp chúc mừng. Đứa nào cũng hồ hởi với món quà bí mật nên khi đón nhận, thực sự cảm động lắm. Nghề này tuy có vất vả nhưng tôi thấy rất vinh quang vì được góp phần nuôi dưỡng những mảnh đời thiệt thòi", chị Sáu nói.

Tôi thấy hạnh phúc hơn vì có nhiều con yêu thương, quan tâm mình

Mới vào Làng hơn 6 năm, chị Bùi Thuận Yến, SN 1979 (quê quán ở tỉnh Hòa Bình) được coi là một trong những bà mẹ trẻ của Làng SOS Hải Phòng. Là người kế tiếp "người mẹ" trước về nghỉ hưu, chị Thuận Yến từng đổ vỡ trong hôn nhân và có 2 con trai đều đang tuổi trưởng thành (1 con vào đại học, 1 con học lớp 9). Một lần tình cờ theo người bạn làm trong tổ chức SOS Việt Nam, nhìn thấy cuộc sống trong Làng yên bình và thân thương, với những đứa trẻ ngoan ngoãn dễ thương và quấn quýt với mẹ, với dì ..., chị Yến bỗng dấy lên một cảm xúc khó tả. Chị Yến ngỏ ý muốn được vào đây góp sức mình giúp đỡ các con.

Như thuận duyên, chị Yến trải qua tập huấn, sát hạch và được nhận về làng trẻ SOS Hải Phòng làm việc. Tại đây, chị Yến đảm nhận ngôi nhà Hoa Thiên Lý nuôi dạy 9 con. Qua 6 năm qua, chị Yến đã nuôi dạy kế tục được 14 con, trong đó có 7 con đến độ tuổi chuyển sang nhà Lưu xá của Làng. Mỗi dịp 20/10 về, chị Yến không khỏi xốn xang, hạnh phúc vì được các con ghé thăm, hỏi han, điện thoại chúc mừng.

Chị Yến thấy hạnh phúc hơn người khác vì mỗi dịp lễ, tết, 20/10 được nhiều con quan tâm, hỏi thăm.

Chị Yến luôn thấy hạnh phúc về tình yêu mà những đứa con của Làng dành cho mình.

Nhắc về con đường đến Làng và làm mẹ của cả đàn con, chị Yến trải lòng: "Thực sự vì tình thương yêu với các con mà mình bén duyên và ở lại. Cuộc sống làm mẹ của đàn con thơ không hề đơn giản. Tuy nhiên, bù đắp lại, làm mẹ của những đứa trẻ này cho mình những giá trị sống đặc biệt, ý nghĩa. Vào mỗi dịp lễ, tết hay 20/10..., chúng tôi có khi hạnh phúc hơn vì được nhiều con yêu thương, quan tâm mình".

Minh Lý

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ngay-20-10-cua-nhung-ba-me-khong-chong-169231019230815623.htm