Ngáp và sức khỏe

Theo các nhà nghiên cứu thì ngáp báo trước một sự gia tăng hoạt động, hoặc là mong muốn chuyển sang việc khác. Ngáp cũng có thể lan truyền, nhưng không gây hại cho sức khỏe.

Không chỉ con người biết ngáp Người ta cho rằng mọi động vật có xương sống đều ngáp. Từ năm 390 trước Công nguyên, Hippocrate (người cha sinh của nền y học phương Tây) cũng đã thắc mắc về ngáp, và ông cho rằng ngáp để tống chất khí hại trong phổi, điều hòa sự tuần hoàn máu lên não. Darwin (1809-1892) nhà sinh học nổi tiếng người Anh, năm 1873 cũng đã nhận xét là khi săn đón nhau, hoặc ở tình trạng dễ bị đụng độ, những con khỉ bắt đầu ngáp hết cỡ. Theo nhà linh trưởng học Bertrand Deputte, ở loài khỉ Mangabey, ngáp đóng vai trò liên lạc phi ngôn ngữ. Nơi các loài khác, ngáp biểu thị trò chơi, sự phô trương để quyến dụ, hay thậm chí một tín hiệu hòa bình. Còn với con người, ngay từ khi nhỏ tuổi cũng đã ngáp, thậm chí siêu âm cho thấy từ tháng thứ 3 trở đi bào thai cũng đã ngáp. Đặc điểm của ngáp Ngáp là một hoạt động vô thức, một động tác ngoài sự chỉ huy của thần kinh trung ương (ngoài ý muốn con người), làm thành một chu kỳ hô hấp cực điểm mà yết hầu mở rộng hơn 4 lần so với khi nghỉ ngơi, mũi cũng giãn nở rộng. Như vậy theo logic, ngáp là để tăng cung cấp ôxy cho não, tạo cho nó một kích thích. Người ta chia ngáp ra làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 là hít vào, gồm mở rộng miệng, gốc lưỡi hạ xuống, hầu, thanh quản, lồng ngực và cơ hoành giãn ra, hít vào hết mức. Giai đoạn 2, khi miệng đã mở rộng hết cỡ, chuyển sang co thắt một loạt cơ mặt, đồng thời mũi giãn nở, mắt nhắm lại. Do cơ mặt, lưỡi và họng co mạnh, làm tăng áp lực trong khoang miệng, áp lực này ảnh hưởng đến khoang mũi, tạm thời ngăn đường thoát của nước mắt xuống mũi, do đó nước từ tuyến lệ tràn ngược vào trong mắt khiến nước mắt chảy ra nhiều. Trong khoảnh khắc này những thông tin về giác quan như thị giác, thính giác tạm thời bị tê liệt. Giai đoạn 3 là thở ra, kèm theo là giãn các cơ đã tham gia vào quá trình ngáp. Ngáp trong những hoàn cảnh nào? Có rất nhiều hoàn cảnh gây ngáp. Ngày nay các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy có rất nhiều trường hợp gây ngáp: - Nhiều người thường ngáp vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, kèm theo vươn vai co duỗi chân tay. - Ngáp vì uể oải buồn ngủ, lượng không khí đưa vào phổi tăng lên, giúp cơ thể tỉnh táo giảm cơn buồn ngủ. - Khi dạ dày lép, đói bụng cũng hay ngáp, kèm theo một số chuyển động ở ổ bụng và cơ hoành. - Ngáp vì ưu tư chán chường. - Có nhà nghiên cứu còn cho rằng khi quá xúc động cũng ngáp. Người ta nhận thấy một số sinh viên trước khi bước vào phòng thi, những vận động viên trước khi thi đấu... cũng ngáp. - Ngáp để cơ thể thích ứng với hoàn cảnh. Nhiều nhà khoa học nhận thấy ngáp là một biện pháp để cho cơ thể giữ được tỉnh táo trong những trường hợp do tính đơn điệu của tình thế, của các tác động bên ngoài mà cơ thể vẫn phải luôn luôn sẵn sàng. Người ta theo dõi và thấy có những người lái xe ô tô thường ngáp nhiều khi đi trên đường tốt, chứ không phải đường xấu đòi hỏi phải luôn xử lý tình huống. Khi dự hội thảo về tính toán tích phân ở một trường đại học Mỹ, người ta thấy rất nhiều người ngáp. Cũng những người ấy khi xem xiếc thì không ai ngáp cả. - Ngoài ra, ngáp còn có thể gây kích ứng lan truyền, chẳng hạn ở nơi công cộng hoặc trong cuộc họp, nếu có một người ngáp mà người khác nhìn thấy cũng có thể bị ngáp theo. Giáo sư tâm lý học Rober Provine ở Đại học Maryland đã làm thí nghiệm bằng cách cho các sinh viên xem băng video về cái ngáp, nói về cái ngáp... và nhận xét: Một người ngáp có thể kéo theo 5-7 người khác làm thế. Trẻ em dưới 2 tuổi không bị ảnh hưởng khi thấy người khác ngáp. Lý do là vì sự lây lan đi qua thùy trước trán vẫn chưa phát triển. Người ta còn cho rằng ngoài loài người, chỉ có loài linh trưởng bậc cao mới bị ảnh hưởng lây lan ngáp. Dẫn truyền thần kinh đưa tín hiệu từ tế bào này sang tế bào khác ở não. Ngáp, lợi và hại? Cơ chế sinh hóa và thần kinh của hiện tượng ngáp chưa hoàn toàn được biết rõ. Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân: Chẳng hạn, khi cơ thể tích tụ nhiều CO2 làm ta uể oải, não sẽ điều khiển để ta ngáp loại trừ nó đi. Ngáp là cách để cơ thể tự điều chỉnh nhiệt độ máu một cách tức thời. Hoặc cho rằng các trạng thái tình cảm, tâm lý... tiêu cực làm xuất hiện trong não hàng loạt hóa chất dẫn truyền thần kinh, muốn giải phóng các chất này không gì tốt bằng ngáp. Theo công trình nghiên cứu của chuyên gia y học Olivier Walusinski, thì 90% số người khẳng định ngáp mỗi ngày từ 1 đến 15 lần. Nếu hơn 20 lần chứng tỏ có thể là một trở ngại, tất nhiên không phải về mặt thể chất hay y học, mà là xã hội. Trong vài trường hợp quá mức ngáp có thể liên tục từng đợt, cứ mỗi phút 5-6 lần, nếu vượt quá một chu kỳ nào đó ngáp lại là vấn đề về thần kinh, hay rối loạn ám ảnh không dừng được. Cũng theo Walusinski: Ngáp là một phản xạ được kích hoạt bởi sự giảm trương lực cơ. Phản xạ này huy động nhiều chất dẫn truyền thần kinh dopamine, serotonine... Các bệnh nhân Parkinson vốn thiếu dopamine nên không hề ngáp. Những chất an thần cũng gây tác dụng tương tự. Ngược lại, một số người trầm cảm được điều trị bằng thuốc làm tăng serotonine lại liên tục ngáp không cưỡng được. Nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận: dù ngáp do nguyên nhân gì bản thân nó không gây hại cho sức khỏe. Ngược lại, nó còn tốt cho cơ thể vì một cái ngáp thường không kéo dài quá 6 giây nhưng lượng không khí được đưa vào phổi tăng lên đáng kể, giúp lưu thông và làm sạch đường hô hấp. Về thuốc men, người ta cũng đã nghiên cứu thấy cho súc vật uống oxytocin (một hormon peptit do vùng dưới đồi sản xuất) cũng làm cho chúng vừa ngáp, vừa duỗi thân ra. Còn thuốc uống chống ngáp (để giữ lịch sự nơi công cộng, hoặc trong cuộc họp buồn tẻ kéo dài đơn điệu, và trong những trường hợp cần phòng ngừa dịch bệnh đường hô hấp...) thì hiện nay chưa có. BS. Vũ Hướng Văn

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20090727043753453p0c19/ngap-va-suc-khoe.htm