Ngành y tế Yên Bái: Tự hào truyền thống, vững bước đi lên

Cách đây 69 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc với những lời dạy quý báu. Do ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, năm 1985, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định lấy ngày 27/2 hằng năm là Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Suốt chặng đường phấn đấu cùng ngành y tế cả nước, ngành y tế Yên Bái đã không ngừng phát triển toàn diện, mạnh mẽ, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, hết lòng vì người bệnh, luôn nỗ lực để xứng đáng với sự kỳ vọng và sự tin tưởng của nhân dân.

Ths. BS Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế tặng quà tết cho bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.

Tự hào truyền thống

Ngày 27/2/1955, nhân dịp tổ chức Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc, Bác Hồ đã gửi thư cho Hội nghị. Trong thư, Bác đã căn dặn 3 điều: "Trước hết là phải thật thà đoàn kết - Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích… Thương yêu người bệnh - Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Xây dựng một nền y học của ta,… Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng”.

Những nội dung sâu sắc, khoa học, mang tính định hướng chiến lược, những lời dạy của Bác đã trở thành tài sản vô giá và phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc Việt Nam nói chung và Yên Bái nói riêng.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, 69 năm qua, cùng với cả nước, các thế hệ thầy thuốc tỉnh Yên Bái đã luôn đoàn kết một lòng phấn đấu vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ. Bằng tinh thần trách nhiệm và tấm lòng yêu thương người bệnh, đội ngũ thầy thuốc tỉnh nhà đã không ngừng rèn luyện học tập, thi đua lao động, nâng cao y đức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân, từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ, chăm sóc sức khỏe toàn dân, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, góp phần đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trở thành tỉnh phát triển khá của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Những nỗ lực thầm lặng của các thế hệ cán bộ y tế các cấp đã góp phần tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của ngành y tế, nhân lên niềm tin của nhân dân đối với các chiến sĩ áo trắng.

Dấu ấn nỗ lực

Thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đan xen, song với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng của tập thể thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành, ngành y tế Yên Bái đã khắc phục khó khăn, vượt lên thách thức, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị năm 2023 với nhiều kết quả đáng khích lệ: thực hiện đạt và vượt 22/22 chỉ tiêu cơ bản của ngành, trong đó có 4/4 chỉ tiêu do HĐND, UBND tỉnh giao. Tuổi thọ trung bình của người dân đạt 74,1 tuổi; số năm sống khỏe tối thiểu đạt 66,8 năm; tổng số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế là 162 xã, đạt 93,6%; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đạt 98,5%; có 35 giường bệnh/10.000 dân. Củng cố, ổn định hệ thống tổ chức, mạng lưới ngành y tế, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có 11,2 bác sĩ, 1,58 dược sĩ đại học/10.000 dân; 96% số xã có bác sĩ làm việc; 99,7% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động.

Ngành đã hoàn thiện xây dựng Quy hoạch ngành y tế tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1086/QĐ-TTg. Một số nội dung quan trọng trong quy hoạch ngành y tế Yên Bái giai đoạn 2030, tầm nhìn đến 2050 đáng chú ý là: phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh trở thành bệnh viện tuyến cuối liên tỉnh khu vực Tây Bắc; mở rộng Bệnh viện Y học cổ truyền thành Bệnh viện Y học cổ truyền - Điều dưỡng và Phục hồi chức năng; phát triển một đơn vị chăm sóc, phục hồi chức năng sức khỏe tâm thần và bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng thuộc Bệnh viện Tâm thần; thành lập Khoa Lão khoa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, Bệnh viện Y học cổ truyền và phát triển chuyên khoa Lão khoa tại các Trung tâm y tế tuyến huyện.

Đồng thời phát triển các trung tâm y tế tuyến huyện trên nguyên tắc đảm bảo đủ năng lực để cung ứng các dịch vụ khám chữa bệnh thuộc phạm vi tuyến bệnh viện hạng II và hạng III nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh. Đầu tư phát triển Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cấp vùng, liên tỉnh đảm bảo ứng phó với tình trạng khẩn cấp và có khả năng liên kết quốc tế; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm có thể đảm nhận chức năng vùng khi được Chính phủ giao.

Thực hiện công tác y tế dự phòng chủ động, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh theo mùa, dịch bệnh lưu hành, kiểm soát các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng như chất lượng nước, an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường lao động, môi trường học tập, tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia. Dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt và chuyển mức độ đáp ứng từ nhóm A xuống nhóm B vào tháng 10 năm 2023.

Trước khi có dịch trong cộng đồng, tỉnh Yên Bái đã bao phủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 cho 90% người từ 18 tuổi trở lên, vì vậy, đến khi mở cửa để phát triển kinh tế, số bệnh nhân mắc bệnh nặng và tử vong rất thấp so với trung bình toàn quốc. Yên Bái không phải thành lập bệnh viện dã chiến, cũng không cần phải huy động đến sự hỗ trợ về nhân lực từ phía Trung ương và các địa phương khác, mà tỉnh ta còn sớm tổ chức được các đoàn cán bộ đi hỗ trợ các tỉnh bạn chống dịch. Chất lượng khám chữa bệnh tiếp tục được chú trọng, từng bước nâng cao, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Năm 2023 đã khám chữa bệnh cho trên 1,6 triệu lượt người; điều trị nội trú cho trên 151 nghìn lượt; công suất sử dụng giường bệnh đạt 92,5%, tăng so với năm 2022.

Phong trào thi đua "Bác sĩ tận tâm, bệnh nhân hạnh phúc” được lan tỏa rộng khắp tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hài lòng của người bệnh đạt trên 95%. Toàn tỉnh thực hiện tiếp nhận, chuyển giao 62 kỹ thuật; trong đó tiếp nhận 53 kỹ thuật từ Trung ương; triển khai 163 kỹ thuật mới, vượt chỉ tiêu đề ra.

Nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu đã được chuyển giao tại các đơn vị như chụp và can thiệp mạch não, chẩn đoán xử trí tắc động mạch chi cấp tính, kỹ thuật thẩm tách siêu lọc dịch bù trực tiếp từ dịch lọc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; kỹ thuật can thiệp suy tĩnh mạch bằng sóng có tần số radio hoặc laser nội mạch, kỹ thuật dẫn lưu não thất cấp cứu điều trị tăng áp lực nội sọ ở bệnh nhân đột quỵ não tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, nội soi can thiệp đường tiêu hóa tại Trung tâm Y tế huyện Văn Yên…

Y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và tăng cường cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và chất lượng hoạt động. Năng lực hoạt động của trạm y tế xã đã được nâng lên, trạm y tế thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe ban đầu; tỷ lệ khám chữa bệnh tuyến xã đạt 45% tổng số lượt khám chữa bệnh toàn tỉnh. Tỷ lệ giảm sinh năm sau so với năm trước là 0,2‰, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được tăng cường. Tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe tăng đạt 86,7%; 96% trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sĩ làm việc; 100% trạm y tế áp dụng bảng điểm chất lượng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi giảm dần qua từng năm; 70,5% trạm y tế đạt chuẩn theo tiêu chí quốc gia về y tế đến năm 2030. Chuyển đổi số ngành y tế tiếp tục được đẩy mạnh, là điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết 51 của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

Đến nay, 198 (100%) cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh triển khai sử dụng các thiết bị đọc mã QR CODE để nhập dữ liệu của bệnh nhân từ căn cước công dân có gắn chip. Hầu hết người bệnh đi khám chữa bệnh sử dụng căn cước công dân gắn chip tích hợp thẻ BHYT, giúp giảm thời gian chờ đợi khám chữa bệnh của người bệnh. Toàn bộ 15/15 bệnh viện công lập triển khai thanh toán chi phí khám chữa bệnh không dùng tiền mặt. Đã có 4 đơn vị được công bố triển khai bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Tâm thần, Trung tâm Y tế huyện Yên Bình). Đến nay đã có 100% cơ sở y tế và bác sĩ được duyệt trên hệ thống liên thông đơn thuốc điện tử quốc gia.

Vững bước phát triển

Những kết quả đạt được trong năm 2023 là tiền đề, động lực to lớn để ngành y tế Yên Bái triển khai nhiệm vụ năm 2024 và những năm tiếp theo. Bám sát mục tiêu nghị quyết đại hội đảng các cấp, toàn ngành tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình y tế, dân số và các nhiệm vụ dịch vụ công; không ngừng phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, tăng cường hợp tác với các bệnh viện Trung ương và quốc tế. Thực hiện từng bước chuyển đổi số y tế, y tế thông minh. Chú trọng công tác dân số và phát triển, kế hoạch hóa gia đình, nâng cao tuổi thọ trung bình và năm sống khỏe của người dân. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ vững mục tiêu kiểm soát chất lượng thực phẩm…

Tự hào với những thành tựu 69 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể cán bộ ngành y tế Yên Bái tiếp nối truyền thống, quyết tâm bứt phá mạnh mẽ vì sự phát triển toàn diện, nỗ lực phấn đấu hoàn thiện về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch và nhiệm vụ được giao… thực hiện lời Bác Hồ kính yêu căn dặn "Lương y phải như từ mẫu”, đưa sự nghiệp y tế phát triển bền vững, góp phần xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế Yên Bái

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/318901/nganh-y-te-yen-bai-tu-hao-truyen-thong-vung-buoc-di-len.aspx