Ngành thủy sản Phú Quốc chuyển từ khai thác sang nuôi trồng

TP. Phú Quốc (Kiên Giang) đã và đang thực hiện chủ trương phát triển nguyên liệu thủy sản đầu vào bằng cách nuôi trồng thay thế dần cho khai thác tự nhiên. Điều này cũng nhằm đảm bảo cho nguồn lợi thủy sản được tái sinh và đủ phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

Trong giai đoạn 2005-2015, nghề khai thác thủy sản của Phú Quốc chủ yếu là khai thác cá nhỏ với nghề đánh bắt bằng ánh sáng mạnh, mắt lưới cực nhỏ. Từ đó, sản lượng cá tạp chiếm tỷ lệ rất cao, còn những loại cá lớn có giá trị chiếm tỷ trọng thấp. Đây cũng là nguyên nhân và nguy cơ lớn làm cạn kiệt nhanh nguồn lợi hải sản.

Sau năm 2015, Phú Quốc chủ trương phát triển khai thác thủy sản theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ, hạn chế khai thác ven bờ. Sản lượng khai thác tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 1,4%/năm. Một mặt khuyến khích ngư dân theo hướng đánh bắt xa bờ, mặt khác khuyến khích các chủ tàu cá khai thác kém hiệu quả chuyển sang nghề nuôi trồng.

Cũng thời gian này, Phú Quốc bắt đầu thực hiện chủ trương phát triển nguyên liệu thủy sản đầu vào bằng cách nuôi trồng thay thế dần cho khai thác tự nhiên, điều này cũng nhằm đảm bảo nguồn lợi thủy sản được tái sinh. Từ đó, sản lượng nuôi trồng trên địa bàn thành phố đã tăng bình quân 11,2%/năm, diện tích nuôi trồng hàng năm đạt 61ha và tổng số là 550 lồng nuôi.

Đối tượng nuôi biển của ngư dân Phú Quốc phổ biến là cá bớp, cá mú, cá chim, cá hồng mỹ, cá chim vây vàng, ngọc trai và một số loài nhuyễn thể. Trong đó, cá bớp, cá mú được xem là một trong những đối tượng được nuôi phổ biến nhất.

Bên cạnh đó, phải kể đến nghề nuôi trai cấy ngọc nhân tạo tại Phú Quốc phát triển khá nhanh trong thời gian qua, mang lại nét đặc trưng độc đáo cho TP. Phú Quốc, góp phần phát triển du lịch, mang lại giá trị cao và thu hút nhiều du khách tham quan khi đến đảo ngọc.

Việc kết hợp giữa phát triển nuôi biển với du lịch trên địa bàn TP. Phú Quốc đã có những hình thức như các mô hình dịch vụ ăn uống hoặc du lịch homestay trên các lồng bè nuôi thủy sản biển. Tuy nhiên hình thức du lịch homestay vẫn còn manh mún, rải rác, chưa có hội nhóm hay tổ chức tập thể.

Bên cạnh đó, qua rà soát, nhiều khu vực nuôi biển trước đây nằm trong khu vực bảo tồn biển, cảng biển, cảng quân sự và một số khu vực ưu tiên phát triển du lịch nên đến nay qui mô lồng nuôi giảm chỉ còn 560 lồng, sản lượng 740 tấn, khoảng 243 hộ nuôi...

ĐỨC BÌNH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/kinh-te/nganh-thuy-san-phu-quoc-chuyen-tu-khai-thac-sang-nuoi-trong-19657.html