Ngành thủy lợi Lào Cai thực hiện sứ mệnh 'Thủy lợi đến đâu, dân giàu đến đó'

Thực tế lịch sử đã chứng minh, kể từ khi thành lập đến nay, sự phát triển của ngành thủy lợi luôn gắn liền với những chặng đường vinh quang của đất nước.

Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, trong tuyên cáo ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Bộ Giao thông Công chính - cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ về thủy lợi của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, những “chiến sĩ” trên mặt trận thủy lợi hôm nay sẽ tiếp tục thi đua phấn đấu hoàn thành trọng trách được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, tập trung xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hệ thống thủy lợi giữ vai trò quan trọng, không thể thiếu trong việc phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng tăng diện tích gieo trồng, tăng thời vụ, cải tạo đất, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu, đưa sản lượng nông nghiệp Việt Nam từ chỗ không đủ cung cấp nội địa (bị thiếu đói vào năm 1945) đến trở thành một trong những nước xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hàng đầu.

Hồ chứa thủy lợi thác Bạc, thị xã Sa Pa.

Đối với tỉnh Lào Cai, ngay sau ngày tái lập tỉnh, thực hiện theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Thủy lợi được kiện toàn ổn định tổ chức, đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành. Số lượng công trình toàn tỉnh tại thời điểm năm 1991 là 420 công trình thủy lợi, phục vụ tưới cho 21.288 ha đất canh tác; các công trình được quản lý bởi các tổ chức hợp tác xã kiểu cũ hoặc tổ chức tự quản. Nhận thức được điểm xuất phát tương đối thấp, ngành thủy lợi Lào Cai đã tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch thực hiện các chương trình, dự án lồng ghép tận dụng các nguồn vốn từ Trung ương đến địa phương để phát triển hạ tầng thủy lợi theo lộ trình hằng năm, 5 năm, trung hạn và dài hạn.

Đập thủy lợi Làng San - Làng Pẳn, xã Quang Kim, huyện Bát Xát.

Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, đến nay, ngành thủy lợi Lào Cai đã phát triển rõ rệt, toàn tỉnh hiện có 107 đập, hồ chứa nước (có 63 đập, hồ chứa nước thuộc điều chỉnh của Nghị định 114/2018/NĐ-CP với tổng dung tích 8,881 triệu m3 (2 đập, hồ chứa loại lớn, 7 đập, hồ chứa loại vừa, 54 đập hồ chứa loại nhỏ); 22 hệ thống công trình thủy lợi liên xã; 143 hệ thống công trình thủy lợi tưới tiêu trên địa bàn 1 xã, mỗi hệ thống công trình gồm nhiều đập dâng và tuyến dẫn nước là mương bê tông, mương đất và đường ống các loại. Tổng chiều dài kênh mương có 4.826,84 km các loại, trong đó 3.722,2 km đã được kiên cố hóa, đạt 77,11%, còn lại 1.104,64 km kênh đất; đầu mối thủy lợi là 2.558 cái (kiên cố 1.880 cái, đạt 73,5%; đầu mối tạm 678 cái). Hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh phục vụ tưới, tiêu đều vận hành theo nguyên lý trọng lực, đáp ứng nhiệm vụ công ích, cung cấp chủ động nước tưới theo kế hoạch sản xuất của Nhân dân (tổng diện tích: 45.672,42 ha đất nông nghiệp sản xuất lương thực, trong đó có 36.022,17 ha lúa, 7.585,61 ha rau màu, 1.791,83 ha nuôi trồng thủy sản, 272,8 ha đất khác).

Tuyến kênh thoát lũ thị trấn Mường Khương.

Về kiện toàn hệ thống quản lý công trình: Thực hiện Luật Thủy lợi và tình hình thực tế của tỉnh, tỉnh Lào Cai đã thực hiện phân cấp quản lý công trình thủy lợi: Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức quản lý 11 công trình; giao ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức quản lý 33 công trình, ủy ban nhân dân cấp xã quản lý 81 hồ chứa nước và 143 hệ thống công trình thủy lợi. Tại cấp tỉnh và cấp huyện, các công trình được thực hiện vận hành khai thác theo phương án hợp đồng với doanh nghiệp, hợp tác xã và cá nhân đủ năng lực để quản lý; tại cấp xã toàn bộ các công trình thủy lợi đều giao cho cấp xã quản lý, các xã thành lập các tổ thủy lợi cơ sở (tổ hợp tác hoặc hợp tác xã) để trực tiếp quản lý, vận hành...

Tổ quản lý và Nhân dân thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình thủy lợi.

Tổ quản lý và Nhân dân thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình thủy lợi. Hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản đã phủ khắp các vùng canh tác; công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi của tỉnh hiện cơ bản đáp ứng các quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Hệ thống công trình được vận hành, duy tu, bảo dưỡng kịp thời đã và đang phát huy hiệu quả, ngoài phục vụ cho tưới, tiêu diện tích đất nông nghiệp, công trình thủy lợi đang hướng tới phục vụ đa ngành, đa lĩnh vực trong nền kinh tế, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh, đặc biệt là thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh.

Theo định hướng của Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thủy lợi Lào Cai phát triển theo hướng đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, hoàn thiện các công trình thủy lợi cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt nông thôn, chú trọng đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng điều kiện kinh tế khó khăn. Phát triển công trình thủy lợi ứng dụng công nghệ cao tưới cho cây trồng cạn, cây nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Đầu tư các công trình tích, trữ nước mặt vào mùa mưa điều tiết cấp nước sản xuất, nước sinh hoạt vào mùa khô cho các vùng trọng điểm thiếu nước.

Kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành thủy lợi Việt Nam là cơ hội để mỗi người làm công tác thủy lợi nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của ngành để viết tiếp các trang lịch sử hào hùng, phấn đấu hoàn thành tốt sứ mệnh “Thủy lợi đến đâu, dân giàu đến đó” và hoàn thành nhiệm vụ phát triển hạ tầng thủy lợi trong Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để làm được việc này, ngành thủy lợi Lào Cai thời gian tới sẽ tập trung chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ lớn sau:

Tiếp tục hoàn thiện công tác thành lập mới hoặc củng cố các tổ chức thủy lợi cơ sở theo đúng quy định của Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn Luật; tổ chức tốt công tác phân cấp quản lý khai thác; từng bước chuyên nghiệp, hiện đại hóa hệ thống quản lý điều hành để nâng cao chất lượng quản lý và phân phối nước trên hệ thống thủy lợi. Nâng cao hiệu quả khai thác các hệ thống thủy lợi hiện có phục vụ đa mục tiêu là giải pháp nhanh và kinh tế nhất phục vụ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Nghiên cứu giải pháp căn cơ trong việc xây dựng các công trình tích trữ nước phục vụ tưới có kết hợp với các dự án thủy điện, đồng thời định hướng ưu tiên hoàn thiện kiên cố hóa hệ thống đầu mối thu nước hiện có đảm bảo an toàn, hoạt động đúng công suất; xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh để huy động đa chiều nguồn lực cho đầu tư thủy lợi nhỏ, nội đồng nhằm gia tăng số lượng kênh mương được kiên cố hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Tập trung đầu tư công trình tạo nguồn nước, hệ thống tưới và công nghệ thông minh phù hợp cho những vùng cây trồng cạn tập trung có hiệu quả kinh tế cao, vùng nguyên liệu, vùng cây đặc sản có ưu thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới…

Mở rộng hợp tác trong và ngoài nước để quản lý nước và công trình thủy lợi trên mọi lĩnh vực từ việc nghiên cứu xây dựng thể chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất, thu hút và thúc đẩy xã hội hóa công tác quản lý khai thác công trình sau đầu tư; khai thác hiệu quả tài nguyên nước và công trình thủy lợi.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nganh-thuy-loi-lao-cai-thuc-hien-su-menh-thuy-loi-den-dau-dan-giau-den-do-post372752.html