Ngành than tập trung ứng phó với bão số 1 và mưa lớn

TKV yêu cầu các đơn vị triển khai phương án phòng chống mưa bão của đơn vị, thực hiện nghiêm túc theo phương châm 3 trước và 4 tại chỗ theo đúng phương án phòng chống thiên tai đã xây dựng.

Khu vực khai thác than lộ thiên của Công ty CP than Hà Tu. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Khu vực khai thác than lộ thiên của Công ty CP than Hà Tu. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa có công điện gửi tới các đơn vị trực thuộc TKV ở miền Bắc. Theo đó, TKV yêu cầu các đơn vị vận tải thủy trong ngành kiểm đếm tầu thuyền, phương tiện và thông báo, yêu cầu di chuyển ra khỏi vùng có gió giật mạnh; neo đậu chắc chắn tại nơi tránh trú bão bảo đảm an toàn cho phương tiện và tài sản, hàng hóa.

Đồng thời, các đơn vị triển khai phương án phòng chống mưa bão của đơn vị, thực hiện nghiêm túc theo phương châm 3 trước và 4 tại chỗ theo đúng phương án phòng chống thiên tai đã xây dựng.

Theo TKV, bão số 1 có gió giật mạnh trên cấp 11, ảnh hưởng hoàn lưu của bão gây mưa lớn diện rộng, TKV yêu cầu các đơn vị gia cố, giằng néo, chằng chống chắc chắn các thiết bị, kho tàng, nhà cửa, tài sản; thực hiện việc khơi thông, nạo vét hệ thống thoát thoát nước phòng ngừa nguy cơ ngập úng. Cùng đó, triển khai rà soát kỹ lưỡng các sườn địa hình đồi, sườn dốc, xung quanh và phía sau các công trình đang xây dựng, kho, nhà xưởng, văn phòng nhà điều hành, công trình gần sườn dốc... để phát hiện các nguy cơ dễ gây sạt lở đất, không đảm bảo an toàn.

Công ty than Thống Nhất, Công ty than Dương Huy, Công ty than Hạ Long thông báo đến tất cả cán bộ công nhân viên chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống mưa bão tại nơi sản xuất và nơi ở; kiểm tra, củng cố hệ thống bơm thoát nước, hệ thống cung cấp điện, máy phát điện dự phòng đảm bảo sẵn sàng phát điện các mỏ than hầm lò.

Các công ty than Cọc Sáu, Cao Sơn, Đèo Nai, Hà Tu thực hiện di chuyển các thiết bị lên vị trí an toàn đề phòng sạt lở tầng và ngập moong khai thác lộ thiên theo phương án ứng phó các tình huống mưa bão; củng cố hệ thống thoát nước khai trường mỏ, tầng thải, đê chắn, bờ chắn, không cho nước chảy qua các sườn tầng và bãi thải; bố trí lực lượng, phương tiện thường trực tại điểm xung yếu để kịp thời xử lý khi có nguy cơ xảy ra sự cố.

TKV yêu cầu các đơn vị vận tải thủy trong ngành kiểm đếm tầu thuyền, phương tiện và thông báo, yêu cầu di chuyển ra khỏi vùng có gió giật mạnh. Ảnh: TKV

TKV yêu cầu các đơn vị vận tải thủy trong ngành kiểm đếm tầu thuyền, phương tiện và thông báo, yêu cầu di chuyển ra khỏi vùng có gió giật mạnh. Ảnh: TKV

Ngoài ra, thực hiện phối hợp đảm bảo an toàn trong ứng phó với bão và mưa lớn giữa các đơn vị; trong đó, tại khu vực chân bãi thải Bàng Nâu, Công ty CP Than Cao Sơn rà soát, chia tách nước về các khu vực hợp lý. Tại khu vực bãi thải Đông Cao Sơn từ mức +80 đến mức +210, Công ty cổ phần than Cọc Sáu bố trí thiết bị trực xử lý sạt lở ở các tầng thải, tách nước không cho nước chảy qua sườn tầng thải; Công ty cổ phần than Mông Dương cử người canh gác khu vực phía hạ lưu, phối hợp thực hiện kịp thời các nguy cơ tràn sạt đất đá không đảm bảo an toàn cho khu vực.

Tại khu vực thoát nước mức +28 - Đèo Nai, Công ty CP than Đèo Nai tập trung củng cố phần còn lại của lò số 2, bố trí trực máy xúc để nạo vét và chặn đất trôi tại hố lắng thượng lưu; Công ty TNHH MTV Môi trường thực hiện mở cánh phai ngay khi có mưa; hệ thống mương thoát nước Anpha thuộc Công ty cổ phần than Đèo Nai và Công ty TNHHMTV Môi trường.

Đối với khu vực Lộ Trí +110 thuộc Công ty than Thống Nhất và Công ty Khe Sim - TCT Đông Bắc, Công ty than Thống Nhất làm việc với Công ty Khe Sim bảo đảm nguồn điện để duy trì bơm nước liên tục khi mưa bão, duy trì cạn đáy moong để hạn chế thấp nhất nước thẩm thấu xuống hầm lò phía dưới. Còn ở khu vực chân bãi thải Nam Khe Tam – Dương Huy, Công ty than Dương Huy bố trí máy xúc trực để nạo vét rãnh nước và hố lắng khu vực đường 86 cũ, phối hợp với các đơn vị của TCT Đông Bắc ngăn chặn đất đá trôi lấp từ bãi thải xuống hạ du.

Các công ty than Cọc Sáu, Cao Sơn, Đèo Nai, Hà Tu thực hiện di chuyển các thiết bị lên vị trí an toàn đề phòng sạt lở tầng và ngập moong khai thác lộ thiên theo phương án ứng phó các tình huống mưa bão. Ảnh minh họa: TTXVN

Các công ty than Cọc Sáu, Cao Sơn, Đèo Nai, Hà Tu thực hiện di chuyển các thiết bị lên vị trí an toàn đề phòng sạt lở tầng và ngập moong khai thác lộ thiên theo phương án ứng phó các tình huống mưa bão. Ảnh minh họa: TTXVN

Đối với các khu vực đập số 1 và bãi thải quặng đuôi số 1 thuộc Dự án khai thác mở rộng và nâng công suất kho mỏ - tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai; các bãi thải đất đá của Chi nhánh mỏ tuyển đồng Sin Quyền; khu vực thủy điện Ngòi Phát; hồ thải quặng đuôi, phân xưởng tuyển của mỏ sắt Nà Rụa - Cao Bằng… Tổng công ty Khoáng sản TKV chỉ đạo thực hiện rà soát, củng cố đập; triển khai phương án ứng phó các nguy cơ gây mất an toàn theo đúng kế hoạch đã xây dựng; tang cường rà soát các vị trí trọng điểm.

Tổng công ty điện lực TKV cũng triển khai các phương án đảm bảo an toàn cung cấp điện, dự trữ than cho các nhà máy nhiệt điện; thực hiện đúng quy trình vận hành xả lũ liên hồ chứa, đảm bảo an toàn khu vực hạ du thủy điện.

Tập đoàn cùng yêu cầu các đơn vị tăng cường phủ bạt, củng cố bờ, tường chắn để chống trôi than và khoáng sản; củng cố, duy trì đảm bảo an toàn các tuyến đường vận chuyển chuyên dùng của Tập đoàn.; cảnh báo đến tất cả cán bộ công nhân viên, các phương tiện của đơn vị và nhân dân không được đi qua các đường tràn, đập tràn, đường qua suối khi mưa to; khi có lũ, cử người trực, canh gác tại các đập tràn, đường tràn do đơn vị quản lý.

Đồng thời, chuẩn bị đủ cơ số dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc, nhu yếu phẩm y tế cần thiết đề phòng những vùng có nguy cơ bị cô lập khi mưa lũ; bảo đảm an ninh trật tự trong và sau mưa, bão.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn các đơn vị chủ động trong công tác hiệp đồng với các đơn vị liên quan, với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn các địa phương để tăng cường kiểm tra, rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán người, thiết bị, dân cư kịp thời nếu xác định khu vực có nguy cơ không đảm bảo an toàn khi mưa bão. Đặc biệt Công ty cổ phần than Mông Dương chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán tạm các hộ dân đang giải phóng mặt bằng thuộc tổ 1, khu 13 phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 04 giờ ngày 16/7/2023, vị trí tâm bão ở khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 116,6 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc khoảng 710km về phía Đông Đông Nam; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88 km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km/h; dự báo đến 04 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão ở khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc, 113,9 độ Kinh Đông; đến 04 giờ ngày 19/7 tâm bão ở vào khoảng 21,6 độ Vĩ Bắc, 106,9 độ Kinh Đông trên khu vực phía Đông Bắc Bộ nước ta. Bão có gió giật mạnh, ảnh hưởng của bão gây mưa lớn ở Bắc Bộ từ ngày 16 ké0 dài qua ngày 20/7/2023, lượng mưa phổ biến 150-200mm, có nơi trên 200mm./.

Thảo Nguyên/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nganh-than-tap-trung-ung-pho-voi-bao-so-1-va-mua-lon/299623.html