Ngành than: Nỗ lực giảm tồn kho, tăng tiêu thụ những tháng cuối năm

Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm 2016, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) gặp nhiều khó khăn hơn so với cùng kỳ năm 2015 trên hầu hết các lĩnh vực hoạt động, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật đề ra từ đầu năm.

Ảnh minh họa

Mọi con số đều sụt giảm

Cụ thể, báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh 9 tháng vừa qua cho thấy, sản lượng than nguyên khai thực hiện đạt 67% kế hoạch năm, tương đương với 26,7 triệu tấn; than tiêu thụ đạt 25,7 triệu tấn, tương đương gần 80% kế hoạch. Trong khi đó, than tồn kho đã lên tới 10,8 triệu tấn, với 8,9 triệu tấn than sạch.

Các lĩnh vực chính khác như: Sản xuất, tiêu thụ điện đạt 6,2 tỷ kWh, bằng 67% kế hoạch năm; sản xuất, tiêu thụ thuốc nổ bằng 72% kế hoạch, tương ứng 46.950 tấn; sản xuất khoáng sản với các sản phẩm đồng tấm, kẽm thỏi, alumin cũng đạt không cao.

Kết quả trên đưa đến doanh thu toàn Tập đoàn trong 9 tháng qua ước đạt 71.460 tỷ đồng, bằng 65% kế hoạch năm và bằng 98% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu từ than đạt 36.900 tỷ, bằng 65% kế hoạch và bằng 98% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân đạt 8,405 triệu đồng/người/tháng.

Được biết, công nợ phải thu hồi của khách hàng trong và ngoài Tập đoàn đang ở mức khá cao, khoảng 5.000 tỷ đồng, trong đó có một số khoản nợ có rủi ro rất lớn và có nguy cơ không thể thu hồi.

Khó khăn trong tiêu thụ than

Nguyên nhân của việc sụt giảm này được TKV cho rằng là do khó khăn trong tiêu thụ than, cả nội địa và xuất khẩu. Theo đó, trong 9 tháng, xuất khẩu than của TKVchỉ bằng 37% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân trực tiếp là do đến cuối tháng 4/2016, Chính phủ mới cho phép xuất khẩu than nên các khách hàng lớn đã chuyển sang ký hợp đồng mua than của các nước khác. Trong khi đó, than tiêu thụ trong nước chủ yếu bán cho các nhà máy nhiệt điện chạy than với tỉ trọng chiếm tới 80% tổng khối lượng than. Tuy nhiên, do 6 tháng đầu năm, một số nhà máy nhiệt điện lớn (Vũng Áng, Uông Bí...) gặp sự cố phải dừng hoạt động nên không nhập than. Hơn nữa, tiến độ nhận than của một số dự án nhiệt điện khác (An Khánh, Vũng Áng 1...) không thực hiện đúng theo kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

Bên cạnh đó, một số nhà máy xi măng khi xuất khẩu sản phẩm Clanke đã thực hiện đối lưu nhập khẩu than từ các khách hàng quốc tế thay vì mua than của TKV. Đồng thời, than bán cho các nhà máy sản xuất phân bón cũng giảm do đầu năm nay, nhiều địa phương gặp phải hạn hán, xâm nhập mặn khiến các nhà máy phải cắt giảm sản lượng, dẫn đến giảm nhu cầu than.

Đặc biệt, các loại thuế, phí trong giá thành than sản xuất trong nước liên tục tăng trong những năm gần đây. Nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác 2% thì tổng các loại thuế, phí mà than hầm lò phải chịu là 12%, than lộ thiên là 14% mức thuế suất thuế tài nguyên gần như cao nhất so với các nước trong khu vực đã gây sức ép không nhỏ lên giá thành than tiêu thụ trong nước.

Giảm tồn kho than, đẩy mạnh tiêu thụ

Trước những khó khăn trên, Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải yêu cầu, bên cạnh nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm những tháng còn lại của năm 2016 là giảm tồn kho than. Theo đó, từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên phải tích cực, chủ động hơn nữa trong chế biến, tìm kiếm khách hàng... với mục tiêu lượng than tồn kho không được vượt quá 9 triệu tấn khi kết thúc năm.

Với hơn 10 đơn vị thành viên báo cáo lỗ trong 9 tháng qua, ông Hải yêu cầu phân tích rõ nguyên nhân lỗ. Ngoài ra, ông Hải đặc biệt lưu ý công tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và thu hồi công nợ với hàng loạt nhóm giải pháp “rà soát, điều chỉnh, thúc đẩy”, bảo đảm, duy trì sản xuất, ổn định việc làm, thu nhập của người lao động, đẩy mạnh tiêu thụ than và bảo đảm cung cấp đủ than cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, trước thực trạng một số hộ tiêu thụ còn dư nợ tiền mua than rất lớn, ông Hải kiên quyết: “Sẽ không bán than bằng mọi giá, thậm chí có thể tạm dừng cung cấp để thu hồi công nợ đối với những khách hàng này”, bởi có những khách hàng nợ hàng nghìn tỷ đồng trong khi TKV phải chịu chi phí lãi vay, chênh lệch tỉ giá.

Ngoài những giải pháp quyết liệt, lãnh đạo TKV cũng mong muốn, Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan quan tâm, giải quyết sớm những kiến nghị của Tập đoàn, trong đó có các vấn đề nổi cộm như chính sách thuế, phí tài nguyên, phí cấp quyền khai thác; công tác quy hoạch các đầu mối nhập khẩu than và chính sách thuế đối với than nhập khẩu để tạo công bằng, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường than, tạo điều kiện phát triển sản xuất, tiêu thụ than trọng nước...

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn TKV.

Đặc biệt, lưu ý các chính sách về các loại thuế liên quan tới ngành than (thuế suất, giá tính thuế tài nguyên và thuế nhập khẩu than) trong giai đoạn khó khăn để bảo đảm cạnh tranh, giữ vững thị trường và năng lực sản xuất của ngành than; các giải pháp về tái cấu trúc Tập đoàn TKV để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Về thị trường tiêu thụ than, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cơ chế xuất khẩu than cho giai đoạn 5 năm 2016-2020 để ngành than chủ động điều hành sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, khuyến khích các hộ sử dụng than trong nước để giảm tồn kho, sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia, ổn định việc làm, an sinh xã hội trên địa bàn.

Phan Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/nganh-than-no-luc-giam-ton-kho-tang-tieu-thu-nhung-thang-cuoi-nam/288479.vgp