Ngành Sư phạm Âm nhạc: Nhu cầu ngày càng tăng nhưng tuyển sinh không dễ

Với nhiều thuận lợi từ công tác đào tạo, nhu cầu của xã hội, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Âm nhạc, sinh viên có cơ hội việc làm đa dạng, rộng mở.

Theo lãnh đạo khoa tại một số cơ sở giáo dục đại học có đào tạo Sư phạm Âm nhạc cho biết, trong bối cảnh hiện nay, ngành này có sứ mệnh quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực góp phần vào việc xây dựng, giáo dục toàn diện cho người học. Tuy nhiên, việc tuyển sinh và đào tạo ngành học này vẫn đang gặp phải một số khó khăn.

Số lượng sinh viên thi tuyển vào ngành Sư phạm Âm nhạc có chiều hướng tăng cao

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sỹ Phạm Hoàng Trung - Phó trưởng khoa Sư phạm Âm nhạc (Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) bày tỏ, việc đào tạo cử nhân Sư phạm Âm nhạc là một trong những sứ mệnh khá quan trọng của giáo dục hiện nay nhằm tìm ra những phương tiện hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh, tạo cơ sở hình thành nhân cách con người, góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Có thể thấy rằng, theo đánh giá chung, hiện nước ta còn đang thiếu rất nhiều nguồn nhân lực về sư phạm âm nhạc trên toàn quốc.

Khoa Sư phạm Âm nhạc của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi năm 2023 (Ảnh: Website nhà trường).

Hiện, ngoài tuyển sinh và đào tạo hệ chính quy theo chỉ tiêu do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao, ngành Sư phạm Âm nhạc của nhà trường còn đào tạo hệ liên thông, văn bằng 2 theo đơn đặt hàng của nhiều địa phương (địa phương cung cấp kinh phí để trường đào tạo).

Thầy Trung chia sẻ, trong 2-3 năm gần đây, số lượng sinh viên thi tuyển vào ngành Sư phạm Âm nhạc của trường có chiều hướng tăng cao nhưng thực sự vẫn chưa đủ chỉ tiêu của khoa với đề án đặt ra. Bởi, dù là một ngành đào tạo về sư phạm nhưng đây vẫn là một ngành nghệ thuật đặc thù, do đó dù có đông thí sinh tham gia đăng ký nhưng nhiều em lại không đạt được năng khiếu theo yêu cầu,…

Hơn nữa, trong tuyển sinh khoa cũng gặp khó khăn bởi môn nghệ thuật cấp trung học phổ thông còn đang nằm trong lộ trình hoàn thiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, do đó nhiều em còn bỡ ngỡ, chưa nắm được thông tin về ngành học sư phạm âm nhạc.

Có thể thấy, đối với những ngành nghệ thuật đặc thù, chúng ta chưa thể đủ nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của xã hội trong một sớm một chiều mà các cơ quan chức năng cần phải có lộ trình phù hợp mới đảm bảo chất lượng cho nguồn nhân lực này trong tương lai.

Về cơ hội việc làm, thầy Trung cho biết, sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc của trường sau khi tốt nghiệp sẽ có trình độ lý luận và thực hành để dạy học về âm nhạc ở các cấp học phổ thông, các trường sư phạm, trường văn hóa - nghệ thuật và các cơ sở đào tạo nghệ thuật, góp phần giáo dục đạo đức, thẩm mỹ cho học sinh, sinh viên đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục, đào tạo trong nước và hội nhập quốc tế.

Hơn nữa, với đặc thù của ngành là ngoài được đào cho sinh viên về khuôn mẫu mô phạm của giáo viên, các em còn được cung cấp các kiến thức, kỹ năng, phẩm chất của một người nghệ sĩ biểu diễn; những kỹ năng mềm để có cơ hội nghề nghiệp đa dạng như có thể trở thành người dẫn chương trình; tổ chức sự kiện văn hóa nghệ thuật, …

Về thu nhập, tùy thuộc vào vị trí việc làm và năng lực của các sinh viên sau khi tốt nghiệp và làm việc ở các cơ sở giáo dục, nhìn chung sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc sau khi tốt nghiệp làm giáo viên tại các trường phổ thông được đảm bảo mức lương theo quy định nhà nước.

Ngoài ra, với đặc thù là một ngành nghệ thuật đào tạo về âm nhạc, các em còn có thể có được thu nhập khá tốt khi tham gia giảng dạy ở các trung tâm đào tạo nghệ thuật hay các chương trình biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn, ngay cả khi còn đang học tập tại trường.

Về công tác đào tạo, thầy Trung thông tin, với ngành Sư phạm Âm nhạc, trường luôn tạo điều kiện, khuyến khích, động viên các sinh viên thể hiện năng lực âm nhạc, lan tỏa đến cộng đồng những thế mạnh mình đang được đào tạo như tham gia vào các hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp và không chuyên như Dàn hợp xướng của trường biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam; các chương trình nghệ thuật phục vụ chính trị trên địa bàn thành phố Hà Nội và các địa phương; Tổ chức/tham gia các cuộc thi nhóm nhạc để các em học sinh phổ thông biết đến ngành học…

Ngoài ra, trường còn có đội ngũ giảng viên âm nhạc chất lượng, kế thừa và phát huy bề dày 54 năm trong việc đào tạo giáo dục nghệ thuật; Chương trình đào tạo ngành Sư phạm Âm nhạc đã được công nhận Đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2022.

Bên cạnh những thuận lợi, khoa vẫn gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình đào tạo như chất lượng đầu vào của sinh viên chưa đồng đều về kiến thức do các em đến từ nhiều địa phương khác nhau do có sự cập nhật kiến thức, thông tin về nghệ thuật, âm nhạc khác nhau; Cơ sở vật chất với ngành đặc thù Sư phạm Âm nhạc còn chưa đáp ứng được với thời đại công nghệ số, chuyển đổi số trong đào tạo của đặc thù âm nhạc.

Để phát triển ngành học này hơn nữa, thầy Trung mong rằng, đội ngũ giảng viên cần cập nhật những phương pháp giảng dạy phù hợp với xu hướng, thời đại để truyền đạt được kiến thức, kỹ năng nhiều hơn cho sinh viên; thường xuyên tổ chức các chương trình ngoại khóa để sinh viên tiếp cận, thực hành kỹ năng trong quá trình học tập; có nhiều chính sách hơn nữa để hỗ trợ về chuyên môn cũng như điều kiện để sinh viên tham gia các hoạt động nghệ thuật bên ngoài trường.

Hơn nữa, cần có thêm các học bổng trao đổi du học của nhà nước để khuyến khích động viên tinh thần ham học hỏi cho sinh viên; những ưu đãi về chế độ của người giảng dạy nghệ thuật nhiều hơn nữa để đảm bảo cuộc sống, giữ chân giảng viên yêu nghề và đồng thời thu hút nhân tài để đảm bảo nguồn lực giảng dạy.

Trường địa phương bị hạn chế trong chỉ tiêu tuyển sinh ngành Sư phạm Âm nhạc

Theo Nhà giáo Ưu tú, Thạc sỹ Phạm Thị Hoàng Hiền – Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Âm Nhạc (Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa) cho hay, những năm về trước, ngành Sư phạm Âm nhạc của trường tuyển sinh đều rất tốt với nhu cầu học đăng ký đông.

Việc tuyển sinh ngành học này thuận lợi được cô Hiền lý giải một phần vì đây là ngành học mà sinh viên được hưởng chế độ theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP, một phần vì nhu cầu của xã hội hiện nay đang rất cần nguồn nhân lực này, đặc biệt là từ khi có chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Có thể thấy, những môn học như âm nhạc, mỹ thuật ở các trường phổ thông hiện nay đang có những thay đổi trong phương pháp dạy học để tạo sự hứng thú cho học sinh và nâng cao chất lượng đào tạo. Chính vì vậy, nguồn nhân lực về Sư phạm Âm nhạc đang rất cần.

Sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc sau khi tốt nghiệp có cơ hội việc làm đa dạng (Ảnh: Website Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa).

Không những vậy, cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm Âm nhạc cũng tương đối thuận lợi và hầu như sinh viên nào sau khi tốt nghiệp ngành học này của trường cũng có việc làm vì không làm nghề nhà giáo, các em vẫn có thể làm các công việc liên quan đến âm nhạc.

Theo đó, bên cạnh việc tham gia giảng dạy âm nhạc ở các cấp phổ thông, các em có thể làm việc ở các trung tâm văn hóa huyện, thị, thành phố; các cơ quan quản lý văn hóa; các đài phát thanh – truyền hình tại địa phương; các trung tâm tổ chức sự kiện, trung tâm dạy học âm nhạc tư nhân, …

Bởi, trong chương trình đào tạo, ngoài việc được giảng dạy các kiến thức, kỹ năng về sư phạm âm nhạc ra, các em còn được cung cấp, rèn luyện các kỹ năng mềm như kỹ năng thuyết trình, các kỹ năng hoạt động cộng đồng; trường cũng luôn tổ chức các hoạt động cho sinh viên như tham gia nhiều cuộc thi lớn của huyện, tỉnh, ....

Không những vậy, về cơ sở vật chất, mỗi giáo viên của ngành đều có một phòng giảng dạy riêng; có đầy đủ các thiết bị, dụng cụ giảng dạy; có nhiều phòng học cá nhân để đảm bảo công tác đào tạo cho các ngành đặc thù như sư phạm âm nhạc; có đầy đủ các phòng tập đa năng, hội trường biểu diễn. Hơn nữa, môi trường giảng dạy, năng lực của giảng viên luôn được khoa và nhà trường chú trọng.

Những điều kiện trên đã tạo ra sự thuận lợi để thu hút cho những em ở trên địa bàn có nhu cầu học Sư phạm Âm nhạc ngay tại địa phương của mình mà không phải đi xa.

Tuy nhiên, năm 2023, trường chỉ được tỉnh giao cho tuyển sinh 10 chỉ tiêu ngành Sư phạm Âm nhạc và đến năm nay là không có chỉ tiêu nào. Điều này đã khiến cho nhiều các bạn có nhu cầu muốn học ngành này tại trường, đặc biệt là các bạn ở trên địa bàn cảm thấy khá hụt hẫng và tiếc nuối.

Việc hạn chế chỉ tiêu đầu vào như vậy cũng chính là khó khăn của khoa trong công tác tuyển sinh ngành học này bởi nguồn đầu vào rất đông và đầu ra lại đang cần.

Vậy nên, cô Hiền mong rằng, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa được tiếp tục tuyển sinh ngành Sư phạm Âm nhạc để giúp cho người học có nhu cầu học tập tại tỉnh về ngành học này không phải di chuyển đến các trường ở địa phương khác cũng như đáp ứng nhu cầu đang thiếu giáo viên âm nhạc tại nhiều trường phổ thông.

Điểm nổi trội trong đào tạo ngành Sư phạm Âm nhạc ở trường địa phương

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng - Trưởng khoa Nghệ thuật và Thể dục Thể thao, Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, tình hình tuyển sinh ngành Sư phạm Âm nhạc của trường những năm gần đây rất tốt với số thí sinh đăng ký vào ngành học nhìn chung cũng nhiều hơn so với chỉ tiêu.

Thầy Hưng bày tỏ, Sư phạm Âm nhạc là một ngành sư phạm đặc thù nên nếu đào tạo nhiều có thể vừa ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và vừa ảnh hưởng lớn đến ngân sách của địa phương (do sinh viên học ngành này sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm).

Vậy nên, hàng năm, tỉnh Phú Thọ thường giao cho trường khoảng 10 chỉ tiêu tuyển sinh đối với ngành Sư phạm Âm nhạc dựa trên sự tính toán về kinh phí của tỉnh cũng như để đảm bảo được chất lượng đầu ra cho các em.

Ngoài ra, có một số tỉnh lân cận như Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Điện Biên tùy từng năm cũng đặt hàng trường đào tạo ngành học này.

Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Đại học Hùng Vương, Phú Thọ).

Thầy Hưng bày tỏ, có thể thấy rằng, việc giúp cho học sinh từ cấp mầm non đến phổ thông được phát triển được đầy đủ về đức - trí - thể - mỹ là rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, do vậy, vấn đề đào tạo về nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng cho các em rất cần được coi trọng.

Hơn nữa, Trường Đại học Hùng Vương nằm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là một trong những địa phương được UNESCO công nhận có hát xoan là di sản văn hóa phi vật thể nên rất cần có những người được đào tạo bài bản để triển khai, nối tiếp và phát huy những văn hóa truyền thống của địa phương.

Chính vì vậy, khác với những cơ sở khác, ngay trong chương trình đào tạo ngành Sư phạm Âm nhạc, nhà trường đã xây dựng những học phần về âm nhạc địa phương, trong đó có giới thiệu về hát xoan và có những câu lạc bộ hát xoan trong nhà trường dành cho sinh viên để phát triển hơn hơn nữa.

Cũng theo thầy Hưng, các em sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc của trường đều rất năng nổ, chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp ra trường, ngoài tham gia hoạt động chuyên môn, các em còn có thể tham tổ chức công tác đội, tham gia các hoạt động của các trường mà các em tham gia giảng dạy,...

Bên cạnh đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp còn có thể làm việc các trung tâm văn hóa, sở văn hóa, các trung tâm quảng bá, giới thiệu du lịch trên địa bàn và ở các địa phương khác. Thầy Hưng thông tin, nhà trường có trung tâm hỗ trợ việc làm nên hầu như các em sau khi tốt nghiệp đều được đi làm đúng ngành.

Về yêu cầu đặc thù, theo thầy Hưng, để tham gia xét tuyển vào ngành học này thí sinh phải điểm học bạ phải đạt khá trở lên và phải tham thi 2 môn năng khiếu về thanh nhạc và cảm âm tiết tấu nên đòi hỏi các em phải có năng khiếu về âm nhạc.

Về công tác đào tạo, thầy Hưng cho hay, cơ sở vật chất để đào tạo ngành Sư phạm Âm nhạc luôn được Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) quan tâm từ phòng học đến nhạc cụ và hàng năm đều có kiểm tra, bổ sung;

Đội ngũ giảng viên là những thầy cô có nhiều kinh nghiệm, đã tham gia giảng dạy hơn 20 năm trong trường, hiện khoa có 8 thầy cô, trong đó có 3 tiến sĩ và 1 nghiên cứu sinh, 4 thạc sỹ;

Chương trình học chủ yếu mang tính chất thực hành, đảm bảo những kiến thức được cung cấp phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới cho các em; Ngoài ra, các em còn được đào tạo thêm các kỹ năng biểu diễn, dẫn chương trình để hỗ trợ thêm cho công việc trong tương lai.

“Là một trường ở địa phương nếu không nâng cao chất lượng đào tạo, không tạo nên uy tín, thương hiệu sẽ khó thu hút được người học và người học sẽ lựa chọn những trường đại học thuộc trung ương cũng đào tạo ngành tương tự. Vậy nên, trường chúng tôi luôn coi việc nâng cao chất lượng đào tạo là nhiệm vụ hàng đầu”, thầy Hưng nói.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nganh-su-pham-am-nhac-nhu-cau-ngay-cang-tang-nhung-tuyen-sinh-khong-de-post242150.gd