Ngành sơn, giấy, cao su và nhựa kỳ vọng đi lên từ 'đáy'

Các doanh nghiệp sơn, giấy đối diện với nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, thương mại đứt gãy, xung đột địa chính trị, và dự báo năm 2023 sẽ còn khó khăn hơn.

Tại Tọa đàm "Kết nối giá trị hướng đến phát triển bền vững ngành sơn, giấy, cao su, nhựa" do VEAS tổ chức sáng 6/4, ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp trong ngành vừa trải qua một năm đầy thách thức, công suất chỉ đạt 50-60%.

Dòng tiền vẫn khó

Trong 5 năm qua, sản lượng sản xuất giấy trong nước tăng gần gấp đôi, hiện đạt xấp xỉ 10 triệu tấn/năm (sản lượng năm 2015 khoảng 5 triệu tấn). Các doanh nghiệp giấy cũng đang có tiến bộ vượt bậc về công nghệ, quy mô.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác, các doanh nghiệp ngành giấy đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng.

Bên cạnh các thủ tục, điều kiện quá phức tạp, theo ông Đặng Văn Sơn, lãi vay ngân hàng hiện tại dù không còn ở đỉnh, nhưng mức giảm rất nhỏ giọt, chưa tạo được động lực cho doanh nghiệp.

Đại diện sở, ngành, hiệp hội tham gia tọa đàm kết nối giá trị hướng đến phát triển bền vững ngành sơn, giấy, nhựa, cao su.

Đặc biệt, vị đại diện Hiệp hội Giấy và Bột giấy nêu ra một thực trạng trong thời gian qua là doanh nghiệp đi vay vốn trung và dài hạn vẫn phải mua bảo hiểm. Lãi suất giảm nhỏ giọt không đủ bù mua bảo hiểm.

"Trên lý thuyết thì lãi suất đã hạ nhiệt, nhưng sau các quy trình thủ tục, mua bảo hiểm thì lãi vay vẫn thành ra cao. Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các nhà băng sẽ có chính sách thiết thực hơn cho ngành giấy - ngành phụ trợ cho rất nhiều ngành xuất khẩu khác", ông Sơn nói. Đồng thời nhấn mạnh, trong mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, ngành giấy cần được chú trọng hơn nữa bởi khả năng tái chế, tính thân thiện môi trường.

Bên cạnh những khó khăn trong tiếp cận dòng vốn vay, “bài toán” nguyên liệu cũng là thách thức rất lớn với các doanh nghiệp ngành giấy, khi đang phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu, chi phí ngày càng cao.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy, đang tồn tại nghịch lý là Việt Nam nằm trong top các nước xuất khẩu dăm gỗ - nguyên liệu chính để sản xuất bột giấy lớn nhất thế giới, nhưng các doanh nghiệp trong ngành giấy lại phải nhập hơn 2/3 bột giấy nguyên liệu để sản xuất.

Bên cạnh đó, việc tái chế giấy cũ để làm giấy cũng còn nhiều trở ngại. Các đơn vị sản xuất từ nguyên liệu tái chế đang phụ thuộc chủ yếu vào… người thu gom phế liệu (!). Bất lợi không chỉ về tính ổn định, mà còn là trong khâu đóng thuế, khi việc mua bán không có hóa đơn.

Thậm chí, có thực trạng nhiều công ty giấy phải đi mua hóa đơn, chấp nhận rủi ro bị phạt. Hiện, dù đã có giải pháp thống nhất chung giữa ngành giấy và đơn vị thuế quan, nhưng chưa thực sự hiệu quả.

"Sản lượng hàng đầu thế giới, nhưng ngành giấy vẫn đang gặp khó trong việc sản xuất giấy chất lượng cao. Hiện, mỗi năm Việt Nam phải nhập khoảng 1 triệu tấn giấy chất lượng cao, tương đương 2 tỷ USD. Kết quả là kim ngạch xuất khẩu giấy vẫn thấp hơn kim ngạch nhập khẩu", vị đại diện ngành giấy nói.

Chờ khởi sắc và tăng tốc trở lại

Tương tự ngành giấy, các ngành sơn, cao su, nhựa trong năm 2023 cũng đang đối diện nhiều thách thức bởi sự chững lại của thị trường bất động sản, xây dựng, dân dụng và đứt gãy xuất khẩu, chi phí đầu vào tăng cao, lãi suất thiếu ổn định.

Bà Nguyễn Thị Lạc Huyền, Chủ tịch Hiệp hội Sơn & Mực in Việt Nam, cho hay năm 2022, kinh tế khó khăn, đơn hàng của các doanh nghiệp sơn giảm mạnh. Công suất của các công ty cũng chỉ bằng 1/2 cùng kỳ, nhiều đơn vị hoạt động cầm chừng, chỉ đủ duy trì công việc tối thiểu cho công nhân.

Triển lãm quốc tế ngành sơn, giấy, cao su, nhựa diễn ra tại TP.HCM từ 14-16/6/2023 sẽ là cơ hội kết nối giao thương cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Dự báo trong 2 quý đầu năm 2023, hoạt động của ngành có thể tiếp tục sụt giảm so với 6 tháng cuối năm 2022, càng cho thấy những khó khăn của ngành sơn trong năm 2023.

Trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Sơn & Mực in cùng đại diện các ngành giấy, cao su và nhựa đều hy vọng “năm 2023 sẽ là đáy của khó khó khăn”, kỳ vọng tình hình sẽ khởi sắc từ cuối năm 2023, bắt đầu tăng tốc trở lại từ năm 2024.

Nói về ảnh hưởng khi bất động sản trầm lắng, bà Nguyễn Thị Lạc Huyền hy vọng lĩnh vực này sẽ khởi sắc. Tuy nhiên, đặc điểm của ngành sơn là các dự án bất động sản lớn chỉ chiếm 20%, 80% là nhà riêng và dân dụng. Vì vậy, doanh nghiệp cần cải thiện chất lượng, chinh phục người tiêu dùng trong nước, từ đó tăng sức cạnh tranh với hàng ngoại.

Bên cạnh tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh kết nối trao đổi, hợp tác trong nước và quốc tế. Và, Triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành sơn, giấy, cao su, nhựa diễn ra từ ngày 14-16/6/2023, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) sẽ là cơ hội lớn của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Bá Vinh, Giám đốc VEAS, đơn vị tổ chức cho biết, Triển lãm là chuỗi sự kiện đã diễn ra trong gần 10 năm qua. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp cập nhật thị trường, trao đổi kinh nghiệm, khoa học – công nghệ, hướng tới sản xuất xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Với vai trò điểm hẹn giao thương quốc tế, Triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành sơn, giấy, cao su, nhựa sẽ quy tụ hơn 230 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, như Ấn Độ, Ý, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… Bên cạnh đó, còn có các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như OMX, Khôi Nguyên, Prochem, New Materials…

Ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương đánh giá triển lãm là cơ hội để các doanh nghiệp trong và ngoài nước kết nối giao thương. Các triển lãm quốc tế thường được doanh nghiệp nước ngoài coi trọng, trong khi doanh nghiệp Việt, vì một lý do nào đó, vẫn “thờ ơ”.

“Triển lãm sẽ mở ra rất nhiều cơ hội, trong khi doanh nghiệp quốc tế bỏ ra chi phí lớn để tham gia, thì doanh nghiệp Việt được tự do vào cửa, chỉ mất công tìm hiểu, đối thoại, kết nối và hợp tác”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Hiến Nguyễn

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/nganh-son-giay-cao-su-va-nhua-ky-vong-di-len-tu-day-1091825.html